Tích cực chuẩn bị lễ hội hoa dã quỳ Chư Đăng Ya

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Núi lửa Chư Đăng Ya (xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah) đang là địa điểm thu hút rất nhiều khách tham quan, nhất là vào thời điểm mùa khô, khi hoa dã quỳ nở vàng rực ngọn núi. Để đưa núi lửa Chư Đăng Ya trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam, vào đầu tháng 12 tới, lần đầu tiên huyện Chư Pah sẽ tổ chức lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya.
 

Núi lửa Chư Đăng Ya mùa hoa dã quỳ nở. Ảnh: internet

Theo ông Nguyễn Hữu Quới-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Pah, ngay từ đầu năm 2017, lãnh đạo huyện Chư Pah đã tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến các ban, ngành, đoàn thể để tổ chức một hoạt động văn hóa-du lịch quy mô cấp huyện nhằm giới thiệu, quảng bá về huyện Chư Pah. Sau nhiều lần bàn bạc, huyện Chư Pah thống nhất lần đầu tiên tổ chức lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya, quy mô cấp huyện. “UBND huyện đã tổ chức đoàn khảo sát núi lửa Chư Đăng Ya và giao cho Phòng Văn hóa-Thông tin xây dựng các phương án cụ thể cho lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya 2017. Trong cuộc họp mới đây nhất với các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND huyện cũng đã thống nhất các phương án và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực chuẩn bị cho lễ hội”-ông Quới nói.

Theo kế hoạch, lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya sẽ diễn ra từ ngày 1 đến ngày 3-12-2017 tại sân nhà rông làng Ia Gri (dưới chân núi Chư Đăng Ya). Đây là lúc hoa dã quỳ nở rộ trên núi Chư Đăng Ya; đồng thời, 3 ngày diễn ra lễ hội rơi đúng vào thời điểm mặt trăng sáng nhất (từ 14 đến 16-10 Âm lịch). Nhiều hoạt động văn hóa-thể thao như: cuộc thi đi bộ chinh phục đỉnh núi lửa Chư Đăng Ya, bắn nỏ, đi cà kheo; trình diễn cồng chiêng, đan lát, phục dựng lễ cúng bến nước và trưng bày các gian hàng ẩm thực, quầy lưu niệm... sẽ được tổ chức.

Với mong muốn lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya sẽ để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách, huyện Chư Pah đang tích cực triển khai các hoạt động. Bên cạnh việc gửi thư mời các huyện, doanh nghiệp để cử vận động viên, đội cồng chiêng và các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng cùng tham dự lễ hội, huyện Chư Pah đã chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức cho các vận động viên tập luyện các môn thể thao cũng như các tiết mục văn nghệ, cồng chiêng. Đối với xã Chư Đăng Ya-nơi lễ hội diễn ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia lễ hội, bảo vệ cây hoa dã quỳ trên núi lửa Chư Đăng Ya, phát động phong trào dọn dẹp vệ sinh môi trường tạo cảnh quan sạch đẹp.

Song song với đó, UBND huyện Chư Pah đang tổ chức tu sửa các con đường dẫn lên đỉnh núi lửa Chư Đăng Ya, đặt biển báo và các thùng đựng rác trong khu vực diễn ra lễ hội. Mặt khác, UBND huyện Chư Pah đã làm việc với Nhà hát Ca múa nhạc Tổng hợp Đam San để thống nhất các tiết mục biểu diễn tại lễ hội. Để đảm bảo an ninh cho khách du lịch, UBND huyện Chư Pah đã yêu cầu lực lượng Công an và Ban Chỉ huy Quân sự huyện xây dựng các phương án chi tiết, đồng thời yêu cầu Trung tâm Y tế huyện cắt cử nhân lực tham gia vòng ngoài nếu xảy ra sự cố ngoài ý muốn, tăng cường kiểm tra thực phẩm phục vụ tại lễ hội nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Núi lửa Chư Đăng Ya nằm cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 30 km về hướng Đông Bắc, cách điểm du lịch Biển Hồ nổi tiếng 20 km. Dấu tích nham thạch để lại nơi đây một vùng đất đỏ bazan màu mỡ. Người dân bản địa thường trồng trọt các loại cây như: bắp, khoai, bí đỏ, dong riềng... Đặc biệt, nơi đây có thảm dã quỳ vàng rực vào thời điểm cuối năm Dương lịch.

Ông Đặng Công Lâm-Chủ tịch UBND huyện Chư Pah, cho biết: “Thời gian diễn ra lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya sẽ trùng với thời gian Hội nghị xúc tiến đầu tư do UBND tỉnh tổ chức với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp trong cả nước. Chúng tôi xác định đây sẽ là dịp để thu hút thêm nhà đầu tư cho huyện, do vậy huyện sẽ nỗ lực hết sức để lễ hội diễn ra thành công và tạo tiền đề cho các năm tiếp theo”.

Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm