Tích cực đưa chính sách dân tộc vào cuộc sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai là tỉnh miền núi vùng Bắc Tây Nguyên với diện tích tự nhiên 15.536,9 km2, có vị trí địa chính trị, quân sự, kinh tế quan trọng và đang từng bước trở thành vùng kinh tế động lực trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Dân số toàn tỉnh khoảng 1,3 triệu người, gồm 34 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỷ lệ khoảng 44,5% dân số của tỉnh, chủ yếu là người Jrai và Bahnar. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác dân tộc trong thời kỳ đổi mới, những năm qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX.

Kết quả ấn tượng
 

Đồng bào DTTS sinh hoạt văn hóa truyền thống. Ảnh: Thanh Nhật
Đồng bào DTTS sinh hoạt văn hóa truyền thống. Ảnh: Thanh Nhật

Tiêu biểu là Chương trình định canh định cư theo Quyết định số 33/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đem lại hiệu quả tích cực, tạo điều kiện cho hộ đồng bào DTTS ổn định chỗ ở, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Trong giai đoạn 2009-2014, tỉnh đã bố trí hơn 84,1 tỷ đồng để thực hiện định canh-định cư tập trung 6 điểm cho 532 hộ, định canh-định cư xen ghép cho 2.521 hộ… Chương trình 135 đã tác động tích cực đến phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, theo đó, trong giai đoạn 2009-2014, tỉnh đã bố trí 759 tỷ đồng để làm hơn 396 km đường giao thông, 210 cống, trên 140 phòng học…

Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ qua hơn 3 năm triển khai đã cơ bản hoàn thành mục tiêu và yêu cầu đề ra. Toàn tỉnh có 10.922 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở (trong đó có 10.361 hộ đồng bào DTTS). Chính sách giải quyết đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt theo Quyết định số 1592/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đạt được những kết quả to lớn trên nhiều mặt, tạo những tiền đề quan trọng để ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân. Tỉnh đã bố trí trên 29 tỷ đồng để hỗ trợ chuyển đổi nghề, mua sắm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển chăn nuôi, đồng thời xây dựng 9 hệ thống nước tự chảy, 17 giếng đào, 22 giếng khoan, 10 giọt nước và hỗ trợ nước phân tán cho 2.702 hộ.

Trong 5 năm qua, tỉnh đã bố trí trên 336 tỷ đồng để triển khai trợ cước vận chuyển, cấp không 28.474 tấn muối iốt, 9.800 con bò giống cho hộ nghèo ở khu vực II và III, cấp dầu hỏa cho 40.000 lượt hộ nơi chưa có điện, cấp giấy vở cho 273.220 lượt học sinh phổ thông, cấp giống cây trồng và phân bón cho 145.708 khẩu, từ đó đã góp phần phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các DTTS trên địa bàn. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã triển khai đầu tư hỗ trợ toàn diện về giáo dục, y tế, văn hóa, vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ pháp lý và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS. Đến nay các chính sách dân tộc đã được triển khai kịp thời, bước đầu phát huy hiệu quả nên bộ mặt nông thôn, vùng đồng bào DTTS đã có nhiều đổi thay.

Mặt khác, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, công tác giảm nghèo đạt được những kết quả đáng kể. Cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân ở vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển, không ngừng được cải thiện và nâng cao. Đến nay 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% xã có điện lưới quốc gia và trên 95% hộ đồng bào DTTS được dùng điện sinh hoạt, 88% xã có bưu điện văn hóa xã, 100% xã có trạm y tế và trên 84% hộ dùng nước hợp vệ sinh...

Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế cần phải tập trung giải quyết, đó là sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng đồng bào DTTS còn chậm và không ổn định, đời sống của đồng bào các DTTS nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn cao (với 44.269 hộ-chiếm 82,92% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh và 35,67% tổng số hộ đồng bào DTTS). Tình trạng tranh chấp đất đai giữa đồng bào DTTS tại chỗ với một số nông-lâm trường và dân di cư tự do từ ngoài tỉnh đến diễn biến phức tạp. Một số hạn chế khác trong lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo... đã ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của đồng bào các DTTS.

Tiếp tục đưa chính sách dân tộc vào cuộc sống

 

Ảnh: Thanh Nhật
Ảnh: Thanh Nhật

Để thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX), trong những năm tới, tỉnh cần tập trung những nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục quán triệt, tuyên truyền đến các cấp, các ngành và nhân dân về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng các chính sách dân tộc trong vùng đồng bào DTTS để làm chuyển biến nhận thức và hành động trong cộng đồng, gắn với chăm lo xây dựng hệ thống tổ chức cơ quan làm công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở, xem công tác dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, là vấn đề cấp bách của cách mạng nước ta.
 

Tại Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tổ chức tại Pleiku năm 1946, Bác Hồ đã gửi thư chúc mừng và động viên rằng: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Êđê, Xê Đăng hay Bahnar và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau...”.

Tập trung nghiên cứu, triển khai các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế-xã hội để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, rút ngắn sự chênh lệch về phát triển giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện đề đồng bào DTTS tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng lợi các dịch vụ, phúc lợi xã hội. Tăng cường huy động và tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS theo hướng phát triển bền vững. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn, gắn với thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo bước chuyển biến sâu sắc và toàn diện kinh tế-xã hội nông thôn. Đẩy mạnh công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tập trung giải quyết những bức xúc về tình trạng thiếu lương thực, thiếu đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt cho người dân vùng định canh định cư, tái định cư, vùng biên giới và các vùng bị thiên tai, bão lũ… Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống kết hợp tiếp thu những tinh hoa văn hóa của các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam và tinh hoa văn hóa nhân loại; bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân theo quy định của pháp luật, loại trừ ra khỏi đời sống các dân tộc những sản phẩm văn hóa độc hại, phản động và các hoạt động tôn giáo trá hình đi ngược lại lợi ích dân tộc.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục tăng cường xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS, khắc phục tình trạng “trắng” tổ chức đảng ở thôn, làng. Các cấp, các ngành và địa phương cần thực hiện tốt việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ là người DTTS. Tăng cường lực lượng cán bộ có năng lực, phẩm chất và tinh thần trách nhiệm cao cho cơ sở, nhất là các địa bàn trọng điểm về chính trị, an ninh, quốc phòng. Triển khai đồng bộ công tác vận động người có uy tín trong đồng bào DTTS tích cực góp phần thực hiện tốt chính sách dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Nguyễn Đình Tiến
Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Dân tộc tỉnh

Có thể bạn quan tâm