Tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ tại khu dân cư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tốc độ phát triển đô thị nhanh, nhưng còn tồn tại nhiều bất cập trong quá trình quy hoạch. Cùng với đó, ý thức chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của người dân còn hạn chế nên tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao… 

Ảnh: Lê Anh
Ảnh: Lê Anh

Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh diễn ra khá nhanh, nhiều khu dân cư mới được hình thành đã tạo cho bộ mặt đô thị trên địa bàn có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển đó đã có nhiều khu dân cư hình thành một cách tự phát, xuất hiện nhiều hơn các khu “ổ chuột”, chủ yếu nằm liền kề tại các chợ và trung tâm thương mại để thuận tiện trong buôn bán. Qua khảo sát của cơ quan chức năng, tại các khu như: Trung tâm Thương mại TP. Pleiku, khu chợ Nhỏ và chợ ở các huyện, thị xã, thành phố… nhiều gia đình đã cơi nới nhà cửa lấn ra cả đường đi để lấy mặt bằng bày bán hàng hóa, hệ thống điện được đấu nối chằng chịt… tạo ra cảnh chen chúc, hỗn độn, dễ xảy ra chập cháy. Xen kẽ các khu dân cư vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất được xem là “điểm nóng” có nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao như: sang chiết ga, thu mua phế liệu, kinh doanh xăng dầu, xưởng chế biến gỗ… nên khi xảy ra cháy, dễ dẫn đến cháy lan, cháy lớn.

Thống kê từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân. Tuy nhiên, hiện nay công tác PCCC tại các khu dân cư vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo phân tích của cơ quan chuyên môn, một thực trạng gây khó khăn cho công tác chữa cháy là hệ thống nước. Qua kiểm tra tại 3 địa bàn trọng điểm thì TP. Pleiku chỉ có 30 họng nước phục vụ chữa cháy tại các khu dân cư, thị xã An Khê 7 họng, còn thị xã Ayun Pa chưa có. Ngoài ra, lâu nay nguồn nước phục vụ cho việc chữa cháy đi chung với hệ thống nước sinh hoạt, nhưng việc cấp nước không cùng một lúc mà phải theo từng tuyến, nên khi xảy ra cháy (trái tuyến), phải chờ đơn vị cung cấp nước chuyển tuyến, quá trình này mất hơn 30 phút, khi xảy ra cháy, nổ khó ứng cứu kịp thời. Cùng với đó, một số tuyến đường mới quy hoạch tại các khu dân cư, dù có lắp đặt các hệ thống họng nước chữa cháy, nhưng không qua kiểm duyệt của cơ quan chuyên môn nên không đồng bộ với trang-thiết bị, phương tiện chữa cháy hiện có, vì vậy không phát huy được hiệu quả sử dụng. Hệ thống đường giao thông tại khu vực dân cư nhỏ hẹp, nhiều ngõ cụt, lại bị người dân cơi nới, làm hạn chế chiều cao, nên phương tiện chữa cháy khó tiếp cận hiện trường…

Ý thức của người dân về PCCC còn hạn chế, tình trạng thắp nhang, đốt vàng mã ngay tại nơi kinh doanh diễn ra phổ biến và thiếu cảnh giác trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn điện là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ cháy, nổ trong thời gian qua. Điển hình là vụ cháy xảy ra vào lúc 12 giờ, ngày 6-2-2014, tại xã Ia Băng, huyện Đak Đoa. Trong khi sang chiết xăng từ can 30 lít sang can nhỏ để bán lẻ, anh Phan Văn Tiệp đã để xăng chảy ra sàn nhà, bắt vào bếp lửa do chị Trần Thị Hương (vợ anh Tiệp) đang nấu ăn, khiến ngọn lửa bốc cháy dữ dội. Hậu quả của vụ cháy làm chị Hương và 3 người con nhỏ bị bỏng nặng, còn anh Tiệp tử vong sau một thời gian cấp cứu tại bệnh viện, căn nhà bị thiêu rụi hoàn toàn… Bên cạnh đó, việc phân cấp quản lý công tác PCCC đến các địa phương dù đã rất rõ ràng, nhưng một số nơi, chính quyền chưa thực sự quan tâm đúng mức, để người dân tự ý xây dựng, cơi nới nhà cửa, mở hàng quán kinh doanh không đảm bảo quy định về PCCC… Lực lượng, phương tiện chữa cháy tại chỗ vừa thiếu lại yếu, nên không đạt hiệu quả cao khi xảy ra sự cố.

Đại tá Dương Thanh Bình-Trưởng phòng Cảnh sát PCCC-CHCN Công an tỉnh cho biết: “Để hạn chế nguy cơ cháy nổ, trước hết cần có những quy hoạch phát triển hạ tầng mang tính đồng bộ. Cần thiết phải di dời các cơ sở kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao như: cây xăng dầu, xưởng chế biến gỗ, thu mua phế liệu… đảm bảo khoảng cách an toàn với khu vực dân cư. Chính quyền các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật PCCC đến các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, phải thực hiện công tác 4 tại chỗ “lực lượng tại chỗ, phương tiện, hậu cần và chỉ huy tại chỗ” chuyên nghiệp hơn cả về năng lực và phương tiện chữa cháy, để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra…”.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm