Bộ GDĐT đã có văn bản nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định. Nhưng chỉ nghiêm cấm thôi thì chả nghĩa lý gì.
Ảnh minh họa. Ảnh: Hoài Anh |
“Tiền ghế ngồi” - một thuật ngữ mới tinh vừa xuất hiện trên báo ngay trước thềm năm học mới.
Báo Giáo dục và Thời đại dẫn lời một phụ huynh phản ánh việc Trường THCS Bình Chánh thu 40.000 đồng tiền ghế ngồi đối với học sinh lớp 6.
Thu “tiền ghế ngồi” trong khi cơ sở vật chất của trường tiện nghi đến mức phòng bảo vệ cũng đã được gắn máy lạnh.
Tới cuối tháng 7, khi bị dư luận bóc mẽ, trường triệu gấp cha mẹ học sinh vào trả lại tiền. Để rồi, khi học sinh tập trung cho năm học mới hôm 1.9, thì lại được thông báo “đóng lại tiền ghế ngồi”.
Cô Hiệu trưởng sau đó giải thích việc thu tiền ghế ngồi là theo “hình thức xã hội hoá”, nguyên do là vì “bộ phận giúp việc của trường lấy mộc tròn của trường để đóng vào phiếu thu, thay vì lấy mộc vuông của Ban đại diện cha mẹ học sinh…”.
Cô Hiệu trưởng cũng cam kết sẽ trả lại toàn bộ cho phụ huynh với “hạn chót” 13.9.
Tiền ghế ngồi - xã hội hoá - những thuật ngữ mới, cho thấy sức “sáng tạo” tuyệt vời của việc lạm thu.
Một khoản thu mới tinh, nhưng phản ánh tình trạng lạm thu cũ rích không đầu năm học mới nào không gây bức xúc dư luận.
Một cái nạn bắt nạn nhân phải “tự nguyện”.
Một cái nạn, ẩn dưới danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh. Mỉa mai đến mức từ lâu đã được gọi là “Ban cá thu”, “Ban tiền”.
Năm nay, 1/3 dân số bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. 75% trong đó bị giảm thu nhập. Thậm chí, một bộ phận lớn dân cư ở vào tình trạng “thu nhập bằng 0”. Sự tổn thương với các khoản đóng góp, kể cả mang tính nghĩa vụ như thuế, phí đang là một hiện thực xã hội. Cho nên, việc phản đối, đến mức gay gắt đối với những khoản lạm thu như tiền ghế ngồi - là điều rất dễ hiểu, rất đáng để cảm thông.
Từ trước khai giảng rất sớm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản mang tính chất tuyên chiến với lạm thu, trong đó, đặc biệt nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định. Các sở giáo dục, sau đó cũng đưa ra những tuyên bố mang tính chất tuyên chiến.
Nhưng không một văn bản, không một “hàng rào” nào có thể ngăn cản hết được các khoản lạm thu vẫn không ngừng được “đẻ” ra, chẳng hạn tiền ghế ngồi, dưới danh nghĩa “xã hội hoá”.
Muốn chấm dứt thì rào rậu, hô hào xuông thôi thì chẳng có ý nghĩa gì.
Muốn chấm dứt nạn “tiền ghế” này có một cách rất đơn giản: Hãy xử lý cái ghế của chính các vị hiệu trưởng.
ĐÀO TUẤN (LĐO)