Phóng sự - Ký sự

Tiến sĩ bảo mật mong kết nối kiều bào trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nói về sự đóng góp của kiều bào trẻ, tiến sĩ bảo mật Nguyễn Duy Lân cho hay gần đây Chính phủ và TP.HCM có nhiều chương trình kêu gọi kiều bào về xây dựng, phát triển đất nước. Đó là điều rất đáng mừng. 
 
TS Nguyễn Duy Lân. ẢNH: NVCC
TS Nguyễn Duy Lân (42 tuổi, kiều bào Mỹ), đồng sáng lập Công ty Veramine chuyên về bảo mật thông tin, đang có nhiều hợp đồng liên quan bảo mật cho Bộ Quốc phòng Mỹ, Bộ An ninh nội địa Mỹ, không quân Mỹ... Bên cạnh phát triển chuyên môn, anh mong muốn kết nối đưa những kiều bào trẻ về xây dựng đất nước.
Chuyên gia bảo mật của Microsoft
Vốn yêu thích toán từ nhỏ, học chuyên toán ở các trường Trưng Vương, Chu Văn An, rồi sang chuyên toán Đại học Sư phạm và từng đoạt giải nhì toán quốc tế nên hết cấp THPT, chàng trai Hà thành gốc Nghệ An nhận học bổng sang Úc du học ở University of New South Wales. Luận văn tiến sĩ của anh đoạt giải luận văn xuất sắc của Úc và New Zealand năm 2006, được bầu chọn đứng thứ nhì trong tất cả những luận văn được đề cử. Luận văn về cung cấp sự ẩn danh bằng mật mã trong các giao dịch số, trong đó có tiền mật mã và giao dịch tài chính (crypto currencies and financial transactions). Năm 2006, TS Lân sang Canada làm việc một năm rồi tự nhận mình là người thích “xê dịch”, năm 2007 anh chuyển qua Mỹ tìm kiếm cơ hội ở lĩnh vực công nghệ thông tin.
Ở Mỹ, qua sự giới thiệu của một người bạn, anh thi tuyển vào Microsoft. Sau nhiều vòng thi, anh được tuyển dụng vào một dự án khởi nghiệp của công ty. Chưa đầy một năm, dự án bị hủy bỏ và các thành viên của dự án này phải tìm một vị trí mới cho mình. Không nản chí, anh nhanh chóng tìm được một vị trí khác chuyên sâu nghiên cứu về mật mã ứng dụng tại Microsoft Research. TS Lân lý giải việc mình làm ở Microsoft vì đây là nơi thu nạp những người giỏi nhất về công nghệ thông tin thời điểm đó nên bản thân có nhiều cơ hội học hỏi. Trung tâm nghiên cứu Microsoft Research mà anh đầu quân được coi là bộ phận tinh hoa của Microsoft khi có những người được giải Fidel về toán học, giải Turing về khoa học máy tính - nên anh càng có cơ hội học hỏi, sáng tạo, vẫy vùng.
Tại đây, anh và cộng sự đã phát triển những dự án bảo mật được sử dụng trong hơn 20 sản phẩm chính của Microsoft với hàng triệu người dùng. Anh có 9 bằng sáng chế (patents) quốc tế trong lĩnh vực bảo mật, và là thành viên ban mật mã của Microsoft, chuyên kiểm tra và tư vấn các sản phẩm của Microsoft trong lĩnh vực mật mã.
Làm ở Microsoft hơn 8 năm, khi thấy mình “đủ lông đủ cánh”, muốn làm điều gì đó cho riêng mình, TS Lân xin nghỉ Microsoft và cùng một nhóm chuyên gia thành lập Công ty Veramine Inc (trụ sở ở Seattle), chuyên về phát triển sản phẩm an ninh mạng.
Veramine được thành lập bởi 5 chuyên gia bảo mật đến từ Mỹ, Ba Lan và VN. Họ đều là những chuyên gia bảo mật chủ chốt của Microsoft trong hơn 10 năm, đã lãnh đạo công việc ứng phó, vá lỗi và cập nhật bảo mật cho sản phẩm của Microsoft. Công ty mới sau thời gian hoạt động đến nay phát triển rất tốt khi có những hợp đồng lớn với trị giá hàng triệu USD từ Bộ Quốc phòng Mỹ, Bộ An ninh nội địa Mỹ, không quân Mỹ, Ngân hàng ANZ của Úc và các tổ ch
Veramine cũng được DHS lựa chọn và tiến cử (recommended) là nền tảng tin dùng cho các khách hàng trong ngành tài chính và ngân hàng của DHS.
 
Tiến sĩ Duy Lân (thứ 2 từ phải qua) gặp gỡ và trao đổi với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Ngọc Dương
“Tiền của VN sẽ chỉ ở lại VN”
TS Lân kể hiện công ty đã đi vào ổn định nên anh có nhiều thời gian về VN và tham gia nhiều hơn vào sự đóng góp, hiến kế góp phần phát triển, nhất là liên quan dự án an ninh mạng. Tháng 8.2018, TS Lân cùng hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học trẻ người Việt tiêu biểu ở nước ngoài về nước tham dự Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo VN. Tại cuộc gặp các trí thức trẻ người Việt ở nước ngoài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị chung tay giúp xây dựng đất nước bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0. Mới đây nhất, anh được Thành ủy, UBND TP.HCM mời về góp ý với những dự án đề án thành phố thông minh, chính quyền điện tử, trung tâm tài chính... mà thành phố đang ấp ủ triển khai.

Tôi thấy VN mình có nhiều người giỏi lắm, nhất là những người trẻ thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba. Đây là những người có ông bà, ba mẹ là người Việt và họ sinh ra, sống và học tập hoàn toàn ở nước ngoài. Do được đào tạo bài bản từ nhỏ nên họ rất giỏi và chuyên nghiệp trong mọi lĩnh vực. Do đó nhà nước phải làm sao thu hút những người trẻ này về đóng góp thì rất đáng quý


Tại những cuộc gặp gỡ này, TS Lân cho hay theo những báo cáo của Microsoft, Kaspersky..., VN luôn nằm trong những nước bị tấn công mạng nhiều nhất thế giới. VN là một trong những nước bị nhiễm mã độc nhiều nhất thế giới suốt nhiều năm qua và chưa được cải thiện. Tỷ lệ các máy tính ở VN gặp phải mã độc luôn cao gấp hơn 2 lần, và bị nhiễm mã độc thì luôn gấp khoảng 3 lần thế giới. Điều này có thể hiểu được từ vai trò địa lý, chính trị và kinh tế của VN ở trong khu vực.
Do đó, TS Lân đã hiến kế về xây dựng an ninh mạng xoay quanh vấn đề công nghệ, nhân sự và chính sách phát triển an ninh mạng. Để phát triển an ninh mạng, Chính phủ cần có kế hoạch phổ biến để người dân có thể cập nhật những kiến thức phổ cập sử dụng internet an toàn. Mức độ tiếp theo là phải đào tạo chuyên gia an ninh mạng chuyên sâu để có thể giúp bảo vệ chủ quyền không gian và chủ động ứng phó với sự cố an ninh mạng ở VN. Chia sẻ dữ liệu an ninh mạng giữa các cơ quan của Chính phủ, doanh nghiệp. Kiểm tra an toàn an ninh mạng theo định kỳ nhằm phát hiện lỗ hổng an ninh mạng, từ đó đưa ra phương án khắc phục.
Về những đóng góp cụ thể, TS Lân cho biết thời gian qua thông qua các mối quan hệ trong lĩnh vực anh đã giới thiệu các chuyên gia về dữ liệu, an ninh mạng cho Chính phủ, Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM.
Công ty của anh cũng tham gia phát hiện, đào tạo, xử lý miễn phí liên quan sự cố mạng tại một số cơ quan quan trọng của Chính phủ, tập đoàn lớn.
Đặc biệt, Công ty Veramine gần đây quyết định là “toàn bộ thu nhập của công ty ở VN sẽ chỉ được đầu tư tại VN”, nghĩa là tiền của VN sẽ chỉ ở lại VN. Như vậy, những sản phẩm Veramine với những công nghệ bảo mật tiên tiến và độc đáo, đã được đặt hàng bởi những cơ quan an ninh mạng quan trọng nhất của Mỹ, sẽ đóng góp không chỉ cho an ninh quốc phòng trên mạng mà cả sự phát triển kinh tế và nhân lực ở VN.
Kết nối kiều bào thế hệ thứ hai, thứ ba
Nói về sự đóng góp của kiều bào, nhất là những người trẻ, TS Lân cho hay gần đây Chính phủ và TP.HCM có nhiều chương trình kêu gọi kiều bào về xây dựng, phát triển đất nước. Đó là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, để hội tụ được những tinh hoa đó, ngoài việc kêu gọi tinh thần dân tộc thì chính sách nhà nước cần phải tạo cơ hội cho người trẻ khi về nước có thể phát triển bằng hoặc tốt hơn so với ở nước ngoài.
“Tôi thấy VN mình có nhiều người giỏi lắm, nhất là những người trẻ thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba. Đây là những người có ông bà, ba mẹ là người Việt và họ sinh ra, sống và học tập hoàn toàn ở nước ngoài. Do được đào tạo bài bản từ nhỏ nên họ rất giỏi và chuyên nghiệp trong mọi lĩnh vực. Do đó nhà nước phải làm sao thu hút những người trẻ này về đóng góp thì rất đáng quý”, anh bày tỏ.
TS Duy Lân cũng góp ý để kết nối những người trẻ này rất cần vai trò của các đại sứ quán thông qua sự kết nối và tổ chức các cuộc gặp gỡ để kiều bào trẻ hiểu thêm về cội nguồn cũng như giới thiệu cho họ biết về những cơ hội phát triển VN. Những sự kết nối đó dần sẽ tác động để người trẻ ở nước ngoài hướng về VN.
Trung Hiếu (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm