Tiến sĩ Phan Duy Hảo: Hành trình "hiện thực hóa" ước mơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều năm công tác ở Bộ Ngoại giao, hiện là chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Luật pháp quốc tế (Đại học Quốc gia Singapore), TS. Phan Duy Hảo tham gia nghiên cứu và xử lý nhiều vấn đề pháp lý quốc tế, từ Luật Biển, Luật Điều ước, Luật Nhân quyền đến các vấn đề pháp lý ASEAN, các cơ chế giải quyết tranh chấp, đàm phán nhiều văn kiện pháp lý đa phương và điều ước song phương... Vậy nhưng, khi nói về công việc của mình, TS. Phan Duy Hảo-cựu học sinh Trường THPT Quang Trung (thị xã An Khê), chỉ khiêm tốn: “Những gì mình làm được thực ra rất nhỏ bé….”.

Bảng thành tích của TS. Phan Duy Hảo, sinh năm 1981, đủ khiến nhiều người nể phục: Tập sự Phó Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế-Bộ Ngoại giao; chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Luật pháp quốc tế-Đại học Quốc gia Singapore; nhiều lần nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và các phần thưởng, học bổng trong nước và quốc tế. TS. Phan Duy Hảo còn là tác giả 1 sách về Luật Quốc tế (NXB Martinus Nijhoff-Hà Lan, 2012), có nhiều công trình xuất bản trên các tạp chí khoa học quốc tế; tham gia nhiều hội thảo, hội nghị quốc tế, các hoạt động cộng đồng và nghề nghiệp. Gần đây nhất là vai trò giám khảo cuộc thi Phiên tòa giả định quốc tế Philip C. Jessup (vòng quốc tế tại Washington-Hoa Kỳ)…

 

Ảnh: Phương Duyên
Ảnh: Phương Duyên

Từ “cậu bé chạy lòng vòng xem phim ké”…

“Lúc còn là thằng bé chạy lòng vòng nhà hàng xóm coi phim ké, Hảo đã không tưởng tượng được rằng sau này mình sẽ hoạt động về luật pháp quốc tế. Ước mơ “giản dị” của mình là trở thành diễn viên, ca sĩ, hoặc người làm báo chí”-TS. Phan Duy Hảo vui vẻ kể lại.

Lớn lên một chút, định hướng nghề nghiệp của Phan Duy Hảo khác đi. Khi đọc báo hay xem chương trình thời sự, anh đã thấy quan tâm-một cách rất tự nhiên-về tình hình thế giới. Hơn nữa, vào thời điểm anh làm hồ sơ đăng ký thi đại học và theo học tại Học viện Quan hệ Quốc tế (nay là Học viện Ngoại giao), Việt Nam đang bắt đầu đẩy mạnh quá trình hội nhập, nhu cầu chuyên gia pháp lý quốc tế bắt đầu đã rõ, nhưng số lượng người học và làm không nhiều. “Vậy là mình chọn ngành Luật Quốc tế”-TS. Phan Duy Hảo chia sẻ giản dị.
 
Năm 2004, sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu và đỗ thủ khoa chuyên ngành Luật Quốc tế trong kỳ thi tuyển công chức vào Bộ Ngoại giao, anh trở thành chuyên viên Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế. Công việc chính của anh là nghiên cứu, kiến nghị chính sách về các vấn đề pháp lý quốc tế; tham gia đàm phán các điều ước quốc tế; tham gia xây dựng và phát biểu về lập trường của Việt Nam đối với các vấn đề pháp lý quốc tế tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc…

Điều đáng nói là ở môi trường nào Phan Duy Hảo cũng nằm trong tốp những người xuất sắc nhất. Năm 2006, anh theo học thạc sĩ tại Trường Luật Notre Dame-Hoa Kỳ và tốt nghiệp với kết quả xuất sắc; tiếp đó bảo vệ luận án tiến sĩ vào cuối năm 2008 ở tuổi 27, sớm 2 năm trước hạn tại Trường Luật Washington-Hoa Kỳ. Trong thời gian này, TS. Phan Duy Hảo còn kết hợp làm việc ngắn hạn tại Ban Thư ký Liên hợp quốc (Geneva-Thụy Sĩ), Trung tâm Đông Tây (Washington-Hoa Kỳ) và Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore). Năm 2009, anh về nước, tiếp tục công tác tại Bộ Ngoại giao và được bổ nhiệm vị trí Tập sự Phó Vụ trưởng vào đầu năm 2011 khi vừa bước sang tuổi 30. Với những thành tích đó, Phan Duy Hảo dần “hiện thực hóa” ước mơ trở thành chuyên gia khi bước chân vào lĩnh vực luật pháp quốc tế.    

…Đến chuyên gia nghiên cứu cao cấp

Năm 2012, được sự điều động của Bộ Ngoại giao, TS. Phan Duy Hảo sang làm việc có thời hạn tại Trung tâm Luật pháp Quốc tế-Đại học Quốc gia Singapore với tư cách chuyên gia nghiên cứu nhằm xây dựng thêm kinh nghiệm làm việc tại môi trường quốc tế. Sau 1 năm làm việc, Đại học Quốc gia Singapore đã bổ nhiệm anh là chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Trung tâm.

Trò chuyện về Luật Biển-một trong những mảng đề tài mà Phan Duy Hảo đang tham gia nghiên cứu tại Trung tâm Luật pháp Quốc tế-cùng những vấn đề thời sự nóng bỏng về tranh chấp trên biển Đông gần đây, tiến sĩ trẻ đã đưa ra một số gợi ý đối với Việt Nam. Theo anh, “Việt Nam nên chú trọng sử dụng thế mạnh là luật pháp quốc tế; tuân thủ luật pháp quốc tế; nghiên cứu giải quyết tranh chấp hoặc một phần tranh chấp thông qua một cơ quan tài phán. Bên cạnh đó cần ưu tiên đào tạo đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao; chú trọng hơn nữa việc gửi người hoặc vận động gửi người tham gia vào các tổ chức quốc tế, trong đó có các cơ quan tài phán quốc tế”.

Đề cập đến những tác động tích cực của luật quốc tế, TS. Phan Duy Hảo khẳng định: Luật quốc tế đã và đang điều chỉnh, tác động đến quan hệ giữa các quốc gia theo hướng có trật tự và minh bạch hơn; tạo cơ sở thúc đẩy và điều chỉnh quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, văn hóa… giữa các nước. Đặc biệt, luật pháp quốc tế tạo ra một “sân chơi” bình đẳng mà trong đó các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, đều chịu ràng buộc bởi cùng một hệ thống các nguyên tắc và quy phạm. “Điều này đặc biệt có lợi cho các nước nhỏ. Nhờ có luật pháp quốc tế và các thể chế nó tạo ra mà một nước nhỏ như Philippines mới có thể đơn phương kiện Trung Quốc trong tranh chấp tại biển Đông, thay vì buộc phải đàm phán song phương khi không có sự tương xứng về sức mạnh chính trị, quân sự, kinh tế”.

Nhìn vào bảng thành tích, khối lượng công việc và các lĩnh vực mà TS Phan Duy Hảo nghiên cứu, những tưởng anh sẽ không còn nhiều thời gian cho những sở thích cá nhân hay tham gia hoạt động xã hội. Vậy nhưng, ít ai ngờ chuyên gia trẻ này từng duy trì một trang blog-bằng giọng văn tự trào hài hước-ghi lại những khoảnh khắc ý nghĩa trong cuộc sống xa nhà, từ mùa đông lạnh giá ở xứ người đến chuyện đi… xem ông Obama hay về nỗi nhớ gia đình... Với tố chất của một người hoạt động Đoàn sôi nổi, Phan Duy Hảo cũng từng đảm nhiệm vai trò là  Phó Bí thư Đoàn trường Học viện Quan hệ Quốc tế, Bí thư chi đoàn Vụ Điều ước và Luật pháp Quốc tế, tham gia các cuộc thi văn nghệ, các hoạt động cộng đồng như phong trào Mùa hè xanh hoặc phiên dịch cho học sinh người Mỹ gốc Việt có hoàn cảnh đặc biệt tại Hoa Kỳ… Những hoạt động này, với Phan Duy Hảo, đã “góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, kéo mọi người lại gần nhau và cũng phù hợp với sở thích của mình”. 

Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm