Tiến sĩ Phùng Văn Trung-Đam mê với cây dược liệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Đầu quân” về Viện Công nghệ Hóa học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tại TP. Hồ Chí Minh từ 1999, hoài bão của TS. Phùng Văn Trung-Phó Trưởng phòng Hóa học các hợp chất thiên nhiên-là “Tìm kiếm được các hoạt chất trị bệnh từ dược liệu Việt Nam và chuẩn hóa các dược liệu cũng như các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu…”.

Trưởng thành từ vùng tiêu Chư Sê, Tiến sĩ Phùng Văn Trung từng là học sinh Trường THPT cấp II-III Chư Sê; năm 1998 anh tốt nghiệp cử nhân Hóa học (Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh). Cách đây 1 năm, anh đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Viện Công nghệ Hóa học.

 

Tiến sĩ Phùng Văn Trung.
Tiến sĩ Phùng Văn Trung.

Từ bộ kit thử nhanh hàn the…

Năm 2007, giữa lúc vấn đề an toàn thực phẩm đang trở thành mối quan ngại và bức xúc của toàn xã hội thì bộ kit thử nhanh hàn the xuất hiện trên thị trường đã giúp người tiêu dùng, nhất là các bà nội trợ, có thêm một giải pháp để tự bảo vệ mình. Chủ nhiệm của công trình nghiên cứu này là TS. Phùng Văn Trung-Phòng Hóa học các hợp chất thiên nhiên-Viện Công nghệ Hóa học (TP. Hồ Chí Minh).

Nói về lý do quyết định nghiên cứu về bộ kit phát hiện nhanh hàn the trong thực phẩm, TS. Phùng Văn Trung cho biết: Thời điểm đó, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm mà nguyên nhân chủ yếu là do sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, tẩm ướp hóa chất độc hại… Tuy nhiên, các ngành chức năng rất khó kiểm soát do lực lượng quá mỏng và không có công cụ để kiểm tra. Trên thực tế, nhiều nước trên thế giới đã sử dụng các bộ kit thử nhanh để kiểm tra mẫu ngay tại hiện trường; tuy nhiên, tại Việt Nam giá các bộ kit này thường rất đắt sau khi nhập khẩu: loại của Đức có giá 600.000 đồng/bộ với 20 lần thử, rẻ nhất là của Thái Lan với giá 80.000 đồng/kit với 20 lần thử. Mức giá ngất ngưởng này khiến ngành chức năng cũng như người dân rất khó tiếp cận với sản phẩm. Vì vậy, việc tạo ra một bộ thử đơn giản, dễ sử dụng, giá thành rẻ và cho kết quả nhanh chóng, chính xác chính là thử thách của TS. Phùng Văn Trung và đồng nghiệp.

Sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu, bộ kit thử nhanh hàn the được làm từ giấy Curcumin và dung dịch hiện màu đã thử nghiệm thành công. Khi thử nhanh để kiểm tra mẫu, nếu phản ứng với hàn the thì Curcumin-cùng sự có mặt của dung dịch hiện màu-sẽ chuyển sang màu cam đỏ và có thể giữ màu sau hơn 5 ngày. Bên cạnh đó, ưu điểm nổi trội của bộ thử này là giá thành rất hợp lý, chỉ 35.000 đồng/bộ với 100 lần thử. Với tính ứng dụng cao, sản phẩm đã đạt giải ba tại Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh năm 2007. Nghiên cứu này hiện đang được rất nhiều sở ngành ứng dụng trong kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm; nhiều bà nội trợ cũng có thể đặt mua ngay tại Viện Công nghệ Hóa học.

Kiếm tìm các hoạt chất quý từ cây dược liệu

Sau những mối quan tâm về xử lý môi trường, an toàn thực phẩm…, Phùng Văn Trung tìm thấy niềm đam mê khác với cây dược liệu Việt Nam. Trò chuyện về vấn đề này, anh cho hay: “Hiện nay, cả thế giới đang hướng về sử dụng những sản phẩm từ thiên nhiên, “sản phẩm xanh”. Trong khi đó Việt Nam mình có rất nhiều cây dược liệu quý, sao mình không khai thác?”. Chẳng hạn, cây thông đỏ, cây dừa cạn có hoạt chất trị ung thư, hoặc cây thanh hao hoa vàng trị sốt rét, cây vàng đắng trị đau bụng…

Vì thế, TS. Phùng Văn Trung chia sẻ, mối quan tâm lớn nhất của anh là nghiên cứu thành phần hóa học có hoạt tính từ cây thuốc và tiêu chuẩn hóa các sản phẩm từ dược liệu để hiệu quả điều trị rõ ràng hơn. Từ đó có cách khai thác và sử dụng hiệu quả và bảo vệ khỏi sự khai thác quá ồ ạt dẫn đến tận diệt (như cây vàng đắng ở vùng An Khê-Gia Lai). Cùng với các cộng sự, anh đã có nhiều đề tài nghiên cứu có tính khoa học và ứng dụng cao như: xây dựng công nghệ trích ly hợp chất có hoạt tính sinh học trong dược liệu Atisô (Artichaut) với hiệu suất cao; nghiên cứu chiết tách các hợp chất có hoạt tính ức chế á-glucosidase của trái khổ qua và thử nghiệm tác dụng kiểm soát đường huyết sau khi ăn; nghiên cứu thành phần hóa học của cây gừng “KINTOKI” di thực từ Nhật Bản; xây dựng quy trình chiết xuất polyphenol từ vỏ trái măng cụt Garcinia mangostana L; chiết xuất các hợp chất chính trong cây xuyên tâm liên Andrographis paniculata…

Dù vẫn còn đó những khó khăn trong nghiên cứu khoa học như nguồn kinh phí nghiên cứu hạn chế và không chủ động; trang-thiết bị, máy móc nghèo nàn, chưa đồng bộ…, nhưng với tố chất của người làm công tác nghiên cứu khoa học, TS. Phùng Văn Trung cho biết anh sẽ vẫn theo đuổi niềm đam mê đối với cây dược liệu. Ở đó luôn có những tìm tòi, phát hiện vô cùng thú vị…

Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm