Thời sự - Bình luận

Tiền thưởng Tết khả năng sẽ lại teo tóp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tin buồn là thưởng Tết năm nay nhiều nơi sẽ “không nhất thiết bằng tiền”. Tin không vui là nếu khoản thưởng “na ná như tiền” (như cổ phiếu chẳng hạn), xin mời thêm 5% thuế thu nhập.

 

 Công nhân đang rất mong chờ khoản thưởng Tết. Trong ảnh: Một nam công nhân trong phòng trọ thuộc khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh minh hoạ. Ảnh: Bảo Hân.
Công nhân đang rất mong chờ khoản thưởng Tết. Trong ảnh: Một nam công nhân trong phòng trọ thuộc khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh minh hoạ. Ảnh: Bảo Hân.



Hồi giữa năm, việc ngành thuế lạnh lùng áp thuế thu nhập 10% đối với khoản tiền chi trả thêm cho 2.700 công nhân mất việc tại Công ty PouYuen đã thổi bùng lên cuộc tranh luận.

Thậm chí, khi đó người ta đã nói về “lương tâm” trước khoản thuế đánh thẳng vào những người mất việc làm - vốn đã quá nghèo trong xã hội.

Báo Nhân Dân, trong bài viết “Không nên đánh thuế một miếng khi đói” nhận định “Đã gọi là trợ cấp thôi việc mà vẫn phải đóng thuế là vô lý”.

Phía ngành Thuế thì kiên định với phát ngôn nổi tiếng: Nếu không khấu trừ sau đó người lao động đi làm ở chỗ khác có thu nhập cao không kê khai thì cơ quan thuế không thể “thả ra để đuổi được”.

Cái lý ngành Thuế có đúng không?

Thật tiếc là nó lại... không sai.

Cách đánh ngay cả “một miếng khi đói” dường như chuẩn bị được lặp lại khi biết trước những đồng tiền thưởng Tết năm nay sẽ lại teo tóp vì thuế.

Bởi bất chấp một năm khó khăn vì dịch bệnh, nhiều khoản tiền Tết sẽ phải đóng thuế hoặc ít hoặc nhiều theo biểu thuế luỹ tiến từ 5 đến 35%.

“Nét mới” năm nay là các khoản thưởng bằng cổ phiếu cũng không thoát.

Theo Nghị định 126, cổ phiếu bị đánh mức thuế TNCN 5% trong một cách thức mà các chuyên gia kinh tế gọi là “thuế chồng thuế”.

“Chồng” là bởi DN đã nộp thuế mới được trả cổ tức hoặc thưởng cổ phiếu. Nhưng đến lượt người lao động hay nhà đầu tư thì lại chịu một lượt thuế 5% nữa.

Nó không chỉ “quá tận thu” mà còn là cưỡng từ đoạt lý.

PGS-TS Phạm Thế Anh hôm qua vừa nhìn nhận: “Việt Nam là nước có thu nhập thấp nhất trong nhóm các nước tương tự ở ASEAN, nhưng tỉ trọng thu thuế/GDP lại cao nhất”.

Gánh nặng thuế theo ông là “quá lớn” và cần có sự thay đổi.

Nhìn ngay thuế TNCN thì biết. Số thuế trong 10 tháng đã lên tới 100.413 tỉ, tăng 4% trong một năm cả DN và dân khủng hoảng vì dịch bệnh. Tăng, trong khi mức giảm trừ gia cảnh từ 1.7 đã được điều chỉnh với 1 triệu người đang nộp thuế TNCN không phải nộp thuế nữa.

Không thể có thứ thu thuế đúng nào mà lại gián tiếp làm cho những công nhân mất việc rơi vào cảnh đã khó càng khốn. Không có một thứ thuế đúng nào mà lại “thuế chồng thuế” làm nản lòng nhà đầu tư trên một thị trường là nguồn huy động vốn chính của doanh nghiệp. Không có một thứ thuế đúng nào tăng, trong khi lý thuyết phải giảm, tăng trong một năm 32 triệu người, 1/3 dân số bị ảnh hưởng việc làm và thu nhập chưa được giảm một xu thuế thu nhập, đang trông cả vào cái Tết.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/tien-thuong-tet-kha-nang-se-lai-teo-top-863235.ldo

Theo ĐÀO TUẤN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm