Núi rừng mênh mông, bản làng trầm mặc nhưng khi tiếng chiêng ba được tấu lên là mọi người hào hứng nhảy múa, lắc lư theo điệu chiêng rồi hát vang những lời ca gợi tình
Nhiều lần lên huyện miền núi Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi trong các dịp lễ, Tết hay ngày cúng mừng mùa lúa mới, tôi nghe núi rừng rộn ràng tiếng chiêng. Đó là âm thanh của đại ngàn với nhiều cung bậc, có lúc vui tươi rộn rã, có lúc dồn dập rồi lạc vào chơi vơi.
Tiếng chiêng theo dòng lịch sử
Tôi gặp cụ Phạm Văn Hó - dân tộc H’rê - ở Khu Bảo tồn văn hóa làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ khi cụ cùng các nghệ nhân tấu chiêng chuẩn bị tham gia Hội diễn Văn nghệ các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi.
Tiết mục hòa tấu chiêng ba “Sức mạnh trai làng”, trình diễn ở Khu Bảo tồn văn hóa làng Teng |
Cụ Phạm Văn Hó bày tỏ: "Nghệ thuật tấu chiêng ba mang hồn cốt của dân tộc mình. Bao năm rồi, cứ vào tháng 3 âm lịch, khi những cây gạo nở đỏ ối dọc con đường về các xã Ba Thành, Ba Vinh và lúa đã chín vàng trên nương, bầy chim ri không hẹn mà cùng bay về đậu trên những bông lúa kêu lích chích, đó là lúc lũ làng kéo nhau ra đồng gặt hái. Rồi khi hạt thóc gặt về đem phơi đổ vào bồ cũng là lúc người làng chuẩn bị đón Tết truyền thống của đồng bào H’rê".
Dọc những con suối, cánh trai làng bắt cá niêng rồi lên rừng bẫy con mang, con cheo về làm thịt. Đàn bà, con gái thì đi hái lá dong về gói bánh và lấy nếp nấu xôi, trộn với men cây rừng đem ngâm ủ thành những hũ rượu cần thơm lừng.
Ngày Tết đến, cánh đàn ông lo trồng cây nêu rồi bày biện các thứ để tổ chức lễ đâm trâu. Những cô gái H’rê xúng xính trong trang phục thổ cẩm, cổ đeo kiềng đồng, lo làm cỗ cúng Giàng, cầu xin phù hộ mưa thuận gió hòa để mùa màng tươi tốt, để bản làng yên vui.
Sau khi cúng, mọi người cùng nhau ăn uống, cùng nhau gõ túc chiêng. Tiếng chiêng cứ thế ngân vang khắp bản làng, vòng qua sườn núi, hòa vào tiếng suối tạo nên sức sống của đại ngàn.
Theo cụ Phạm Văn Hó, ngày xưa, nồi đồng, giàn chiêng là thước đo sự giàu có ở đây. Để sở hữu được bộ chiêng, người làng phải đổi bằng những con trâu.
Bộ chiêng của người H’rê có 3 chiếc, gồm: chiêng vông, chiêng tum và chiêng túc - còn gọi là chiêng cha, chiêng mẹ và chiêng con. Khi diễn tấu, chiêng mẹ để nằm, chiêng cha để nghiêng còn chiêng con thì dùng dây rừng treo trên một đòn tre bắc ngang. Chiêng con đóng vai trò giữ nhịp, chiêng cha và chiêng mẹ thì đánh theo giai điệu.
Ngày xưa, đồng bào H’rê thường đánh chiêng nơi đầu nhà sàn. Chiêng cha, chiêng mẹ diễn tấu bằng tay trần chứ không dùng dùi. Chiêng con thì đánh bằng nắm tay nhưng có quấn khăn, cộng với thủ pháp búng, gõ tạo nên âm thanh trong trẻo hay trầm đục.
Bà Phạm Thị Đế, cũng người xã Ba Thành, cứ nhớ về những đêm trăng sáng bàng bạc khắp núi rừng. Khi tiếng chiêng cất lên, bà lại hát điệu ca choi. Lời hát là tấm lòng của người con gái vừa trong lành vừa tha thiết, để những chàng trai rung động, ngỏ lời yêu.
Thời gian trôi qua, tiếng chiêng cũng theo dòng lịch sử. Ngày 11-3-1945, những chiến sĩ cách mạng bị Pháp giam lỏng ở nơi có tên là Căng An Trí Ba Tơ đã vận động đồng bào các dân tộc vùng lên khởi nghĩa, đánh đổ thực dân và chế độ phong kiến, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng ở châu lỵ Ba Tơ. Sau đó, Đội Du kích Ba Tơ hình thành, tổ chức tuyên thệ "Hy sinh vì Tổ quốc" rồi vượt sông Liêng tiến về vùng núi Cao Muôn ở xã Ba Vinh để xây dựng căn cứ. Một lễ ăn thề giữa những người du kích với đồng bào dân tộc trong vùng được tiến hành với lời nguyền sắt son một lòng, một dạ theo cách mạng, đánh Pháp, đuổi Nhật giữ vững bản làng.
Lúc đó, tiếng chiêng trầm hùng được tấu lên, vang vọng khắp núi rừng Ba Tơ.
Thăng trầm chiêng ba
Tấu chiêng ba hấp dẫn và khiến nhiều người say mê đến vậy nhưng rồi, cũng như các loại hình văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều nơi trên cả nước, hoạt động này đã bị thách thức bởi sự hòa nhập giữa văn hóa vùng cao với vùng đồng bằng.
Già làng Phạm Văn Đệ trăn trở: "Nhiều người trẻ rời khỏi làng, đi làm ăn, học tập ở miền xuôi. Khi trở về, nhiều người nhuộm tóc vàng, mê điệu boléro hơn tiếng chiêng và điệu ca lêu, ca choi của dân tộc mình. Bên cạnh đó, những năm trước, ở các làng dân tộc xuất hiện những người đi lùng mua hoặc đổi chác các bộ chiêng quý để đem về bán lại, thỏa mãn nhu cầu trưng bày, trang trí của một số đại gia say mê đồ cổ. Thế là những bộ chiêng không cánh mà bay".
Già làng Phạm Văn Đệ (bìa phải) cùng người làng tấu chiêng ba |
Dù vậy, trong quá trình hòa nhập văn hóa, có thể một số loại hình nghệ thuật bị mai một nhưng những nét độc đáo về văn hóa - văn nghệ của dân tộc không dễ dàng mất đi.
Tháng 12-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định công nhận những địa điểm về cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ là Di tích quốc gia đặc biệt. Trước đó, năm 2010, Chủ tịch nước đã có quyết định tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang đối với Đội Du kích Ba Tơ. Năm 2013, 5 xã và thị trấn ở Ba Tơ được Thủ tướng Chính phủ công nhận là vùng An toàn khu thời chống Pháp...
Ba Tơ trở thành "địa chỉ đỏ" để du khách và các thế hệ tìm về ngọn nguồn cách mạng của địa phương; thăm những danh lam, thắng cảnh và chứng kiến nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc H’rê ở huyện miền núi này. Thực tế này đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa việc bảo tồn và gìn giữ văn hóa dân tộc.
Huyện Ba Tơ đã lập hồ sơ nghề dệt thổ cẩm độc đáo ở làng Teng, xã Ba Thành để năm 2019, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến năm 2021, nghệ thuật diễn tấu chiêng ba cũng được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đêm công bố nghệ thuật diễn tấu chiêng ba được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia diễn ra tưng bừng. Sau phần lễ là phần hội. Những chàng trai của các đội cồng chiêng từ 3 xã Ba Nam, Ba Vinh, Ba Thành mang chiêng đến dự hội. Họ say sưa biểu diễn, tiếng chiêng ba cứ thế vang vọng núi rừng.
Hồn cốt của người H’rê
Anh Đinh Văn Sây - người được mệnh danh là "Y Moan của núi rừng Ba Tơ" dù không biết hát - có mớ tóc dài bồng bềnh ngang lưng, sống mũi cao và nước da đen láng. Mỗi khi Sây tấu chiêng, cứ nhìn cách anh dùng tay giữ nhịp, cách búng gõ và nhất là đôi mắt như nhập hồn vào tiếng chiêng, mới biết trong anh là cả sự say mê.
Anh Sây bộc bạch: "Từ nhỏ, mình theo lũ làng xem đánh chiêng, rồi cách đánh chiêng nhập vô mình bao giờ chẳng rõ. Nhờ đánh chiêng mà mình được tham gia các hội diễn dân ca, dân nhạc các huyện miền Tây Quảng Ngãi, rồi hội diễn khu vực miền Trung - Tây Nguyên và hội thi văn hóa - văn nghệ các dân tộc thiểu số toàn quốc. Càng đánh càng mê nên mình không vắng mặt ở bất kỳ hội thi, hội diễn nào".
Anh Đinh Văn Sây đã trở thành người thầy dạy đánh chiêng ở Ba Tơ |
Sau khi nghệ thuật diễn tấu chiêng ba được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, anh Sây trở thành người thầy dạy đánh chiêng. Cánh thanh niên trong làng muốn tấu chiêng thế nào cho hay thì cứ tìm đến anh học hỏi.
Biên đạo múa Đinh Y Trang là người tâm huyết với nghệ thuật biểu diễn của đồng bào dân tộc H’rê. Chị nhìn nhận: "Chiêng ba là hồn cốt của người H’rê mình. Bên cạnh việc diễn tấu theo cách thức truyền thống, cần kế thừa và phát triển phong cách biểu diễn để thể hiện sức sống mãnh liệt của người H’rê. Vì vậy nên mình mới sáng tác tiết mục hòa tấu chiêng "Sức mạnh trai làng". Tiết mục này được diễn viên quần chúng thể hiện, được trao huy chương vàng tại Liên hoan Đàn và Hát dân ca ba miền toàn quốc năm 2021, do Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức ở Lâm Đồng".
Nghệ thuật tấu chiêng ba bây giờ đã được bảo tồn. Không phải chờ đến ngày lễ, Tết hay những đợt hội diễn mà trong các chương trình về nguồn, tham quan di tích lịch sử ở Ba Tơ, diễn tấu chiêng ba cũng được tổ chức.
Ông Phạm Xuân Vinh, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, cho biết theo thống kê, năm 2021 huyện còn bảo tồn được 890 bộ chiêng ba. Thông qua việc tổ chức hội thi, hội diễn, Ba Tơ vận động đồng bào H’rê bảo tồn chiêng và nghệ thuật diễn tấu, đáp ứng mục tiêu bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc và nhu cầu phát triển du lịch ở địa phương.
Tiếng chiêng cứ thế ngân vang...
"Còn gì hấp dẫn hơn khi bên dòng thác bạc Lũng Ồ hay giữa thảo nguyên Bùi Hui lộng gió, trong mùa sim tím, du khách được thưởng thức món cá niêng nướng, thịt trâu nướng chấm muối ớt, uống rượu cần rồi nghe tấu chiêng ba. Khi đó, đất trời như hòa quyện cùng đại ngàn. |
Theo Bài và ảnh: VÕ QUÝ CẦU (NLĐO)