Tiếng loa bên bờ sông giới tuyến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong khuôn viên Bảo tàng huyện Vĩnh Linh có trưng bày cái loa rất to, đường kính gần 2mét với dòng chú thích gợi nhiều tò mò: "Loa phóng thanh có công suất 500W được dùng di động trên bờ Bắc sông Bến Hải". Chiếc loa ấy một thời đã cùng hàng ngàn chiếc loa khác khuấy động dòng Bến Hải trong cuộc chiến tuyên truyền đòi đấu tranh thống nhất nước nhà - Một giai đoạn làm báo hào hùng góp phần làm nên khúc tráng ca bên bờ sông giới tuyến…

Trong những cuộc chiến, báo chí được xem là chiến tranh tâm lý, là một thứ vũ khí lợi hại, có tác động sâu rộng và đến được nhiều người nhất. Và những người làm báo phát thanh bên bờ sông Hiền Lương của địa đầu giới tuyến Vĩnh Linh những năm chống Mỹ thực sự là những chiến sĩ-nhà báo hàng đầu trên mặt trận không có tiếng súng này.

 

Một cụm loa bên bờ Hiền Lương. Ảnh tư liệu
Một cụm loa bên bờ Hiền Lương. Ảnh tư liệu

Sau năm 1954, tại khu vực bờ Nam sông Bến Hải, địch lập thêm một quận mới là quận Trung Lương trải dọc theo phía Nam khu phi quân sự, chúng xây dựng đồn bốt từ Cát Sơn lên đến Hói Cụ, xây dựng một đài phát thanh và các trạm truyền thanh kết hợp với xe lưu động, suốt ngày tuyên truyền chiến tranh tâm lý. Cùng lúc đó, Ban Bí thư Trung ương đã đề ra chủ trương "Tích cực giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ và nhân dân ở đây vì kẻ địch hàng ngày hàng giờ tuyên truyền xuyên tạc, gieo rắc ảnh hưởng xấu đến miền Bắc.

Mặt khác, cần tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của ta và bồi dưỡng ý chí chiến đấu cho cán bộ, đồng bào miền Nam". Ngày 20-7-1955, Đài Truyền thanh Vĩnh Linh được thành lập, xây dựng hệ thống truyền thanh Hồ Xá với 3 máy tăng âm và 4.000 loa nhỏ phục vụ một số xã thuộc đặc khu Vĩnh Linh, cùng hệ thống truyền thanh giới tuyến chạy dọc theo sông Bến Hải từ Cửa Tùng đến Hói Cụ dài trên 10 km. Từ đó đến tháng 8-1963, hệ thống loa truyền thanh đã được đầu tư, trang bị với công suất cực mạnh, có thể vào đến vùng Chợ Cầu, huyện lỵ của quận Gio Linh lúc ấy với 4 cụm loa, gồm 140 loa, mỗi loa có công suất 25W. Ngoài ra, Đài còn có một xe lưu động gắn loa 180W và một loa đại có công suất lên đến 500W phục vụ công tác binh vận, địch vận. Cùng với những chương trình phát thanh phong phú, đa dạng, hệ thống loa này đã thực sự lấn át giàn loa bờ Nam của chính quyền Mỹ-Ngụy". Cuộc chiến “âm thanh" ở đôi bờ đã góp phần giữ trọn niềm tin vào Đảng và Bác Hồ, vào  một ngày thống nhất đất nước.     

Bà Nguyễn Thị Kim Nhạn-một cô gái Huế tập kết ra Bắc, được chọn làm phát thanh viên của Đài, cùng với ông Nguyễn Công Tích và trên 15 biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên ngày ngày nhờ tiếng loa truyền đi những dòng tin nhắn của tấm lòng bờ Bức nhắn cho người thân, bạn bè, phía bờ Nam. Mạng lưới cộng tác viên của Đài được tổ chức đến từng hợp tác xã, đơn vị, đoàn thể quần chúng. Ngoài thời gian đọc tin, hai phát thanh viên cũng phải tự về các xã lấy tin sản xuất nông nghiệp, những tin điển hình giỏi để giới thiệu trên đài, hoặc sửa thư, tin nhắn của những người miền Nam tập kết gửi cho người thân ở quê nhà. Những bức thư khi đọc lên được giữ bí mật địa chỉ người nhận nhưng tấm lòng thì lại rất cụ thể, sâu sắc. Do vậy, nhiều người dân, cán bộ ở miền Nam cử người ra tận khu phi quân sự để đón nghe những tin tức này.

Trong những ngày đất nước bị chia cắt Đài Truyền thanh Vĩnh Linh đã mời những người quê miền Nam đang sinh sống, công tác tại miền Bắc đến tại Đài trao đổi, kể chuyện. Hiện nay, phát thanh, truyền hình, báo điện tử tổ chức nhiều chương trình đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến thì hồi đó, chương trình này là một mũi nhọn trong công tác binh vận, địch vận và có tác động lớn đến binh lính Ngụy nên sau khi chương trình phát sóng, đã có nhiều người bỏ ngũ, vượt tuyến sang với ta. Nhà thơ Tạ Hữu Yên, lúc bấy giờ là người thực hiện các chương trình phát thanh binh vận ở bờ Bắc Hiền Lương, nhớ lại: “Khi chiếc loa này “lên giọng” thì cả một vùng sông nước cứ sôi sùng sục, sức “đi” của nó sâu cả chục cây số về phía Gio Linh”.

Huyện Vĩnh Linh có làng “bên này”, “bên kia”; nhiều gia đình có cha mẹ, anh em, bà con người ở bờ Bắc, người ở bờ Nam... Và trong cuộc chia biệt trùng trùng dù chỉ cách nhau có một con sông không quá rộng, một cây cầu không quá dài ấy, những con người ở hai bờ Nam-Bắc, thông qua những chương trình của Đài Truyền thanh Vĩnh Linh, đã tìm cho mình được sợi dây liên kết bền bĩ để tin vào một ngày mai đoàn tụ trong niềm vui thống nhất, sum họp.

Kể lại ngày máy bay Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, cả ông Tích và bà Nhạn đều nói về giây phút hai người làm chương trình phát thanh lịch sử của ngày 8-2-1965. Hôm đó, máy bay Mỹ dội bom xuống thị trấn Hồ Xá, hệ thống loa phóng thanh dọc bờ Bắc sông Bến Hải không hoạt động được do đường dây bị đứt. Không thấy tiếng loa như mọi ngày, phía bờ Nam loa phóng thanh của địch liền rêu rao: “Vĩnh Linh đã bị thiệt hại nặng nề, Bí thư Hồ Sĩ Thản chết. Đài Vĩnh Linh bị bom tan hoang, “thằng” và “con” đọc đài bỏ mạng...” Bí thư Khu ủy Hồ Sĩ Thản quyết định bằng mọi giá phải phát sóng qua bờ Nam. "Hai chúng tôi cùng hai kỹ thuật viên và lái xe vào Hiền Lương, chúng tôi ngồi ở một cống nước cách cầu khoảng 50 mét".

Đúng 8 giờ, chúng tôi xướng lên câu "Đây là Đài Truyền thanh Vĩnh Linh. Mời đồng bào và các bạn đón nghe chương trình của Đài!" Vừa mới nghe đến đấy, bà con ở bờ Nam đổ xô ra phía bờ sông hoan hô. Các anh bảo "đọc to lên, to nữa đi, bà con reo hò dữ lắm!". Quá xúc động, chúng tôi đã khóc trước micro. Buổi phát thanh hôm ấy lúc đầu chỉ dự kiến phát bằng băng khoảng 30 phút với nội dung đưa tin ta bắn rơi 6 máy bay địch, Hồ Xá vẫn ổn định nhưng đã kéo dài hơn một tiếng rưỡi do phát thanh viên nói trực tiếp, theo kiểu nghĩ gì nói đó, miễn sao cho kẻ thù bẽ mặt, đồng bào miền Nam hả lòng, hả dạ...".

Đến sau năm 1967, trạm truyền thanh Hiền Lương do địch đánh phá không còn hoạt động được, nên Đài Truyền thanh Vĩnh Linh tổ chức thành 4 trạm vào hoạt động sâu trong nội địa đến ngày Vĩnh Linh giải phóng.

Hà An

Có thể bạn quan tâm