(GLO)- Từ gần 1,3 tỷ đồng được Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ năm 2015, xã Đak Rong (huyện Kbang) đã và đang hoàn thành kiên cố hóa 2 kênh mương thủy lợi Kon Lốc 1 và Kon Lanh 1 để phục vụ cho việc sản xuất lúa nước. Đây không chỉ là điều kiện để người dân tổ chức sản xuất tốt hơn mà còn tạo tiền đề để xã Đak Rong hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Công trình thủy lợi Kon Lanh 1 vừa được kiên cố hóa. Ảnh. H.T |
Chúng tôi đến cánh đồng lúa Kon Lốc 1 khi những thửa ruộng nơi đây vẫn còn “nằm” khô khốc chờ nước từ suối Đak Ne tưới mát để tiếp tục vụ gieo trồng mới. Trên công trình thủy lợi Kon Lốc 1, những công nhân đang tích cực trộn bê tông, xây khẩn trương để hoàn thành kênh mương phục vụ sản xuất của người dân nơi đây.
Tay trộn bê tông, ông Trương Quang Cương vừa vui vẻ bắt chuyện: Do không có đường dẫn vào kênh mương nên chúng tôi phải mất gần 1 tháng san lấp ruộng để mở đường đưa vật liệu vào thi công công trình. Khi có đường, chúng tôi lại phải trung chuyển vật liệu bằng thủ công hơn 400 mét dẫn đến mất nhiều thời gian. Dù vậy, để đảm bảo tiến độ thi công cũng như kịp thời hoàn thành công trình để bà con đưa vào sử dụng, chúng tôi đã làm việc liên tục trong hơn 2 tháng qua và khoảng 1 tháng nữa công trình sẽ hoàn thành”.
Có mặt tại cánh đồng, ông Đinh Văn Váo-Trưởng thôn làng Kon Lốc 1, cho biết: “Kênh mương này dài 1.000 mét, được làm từ năm 1997. Do là kênh đất nên hàng năm, dù đã tiến hành nạo vét rất nhiều lần nhưng lượng nước bị rò rỉ xuống suối Đak Tờ Neng nhiều, dẫn đến phải bơm nước nhiều lần nên rất tốn kém. Vì vậy, khi thấy kênh mương được kiên cố hóa bằng bê tông, bà con trong làng rất phấn khởi và quyết tâm sẽ bảo vệ tốt kênh mương cũng như chăm chỉ sản xuất hơn”.
Cũng theo Trưởng thôn Đinh Văn Váo: Làng Kon Lốc 1 có 22 ha lúa của 66 hộ, nhưng phần do năng lực sản xuất còn hạn chế, phần do nhiều diện tích trên cao thường bị hạn vào mùa khô nên năng suất lúa rất thấp, mỗi mùa chỉ thu được trên dưới 60 tấn lúa. Do đó, việc kiên cố hóa kênh mương không chỉ tạo công ăn việc làm cho 8 thanh niên trong làng với mức lương từ 150.000 đồng đến 180.000 đồng/ngày mà lâu dài còn cung cấp lượng nước dồi dào phục vụ cho việc sản xuất cũng như giúp làng mở rộng thêm 3 ha đất trồng lúa.
Còn tại cánh đồng Kon Lanh 1, dù đã xế chiều nhưng nhiều người vẫn còn ở lại dẫn nước, đắp bờ, làm cỏ cho những ruộng lúa đang xanh tốt nhờ được “tắm” mát bởi dòng nước dồi dào từ kênh mương Kon Lanh 1 vừa được kiên cố hóa đưa vào sử dụng.
Đưa chúng tôi đi thăm những thửa ruộng xanh rì nằm phía trên cao, ông Đinh Văn Múp-Trưởng thôn làng Kon Lanh 1, cho biết: “Khu vực này rộng khoảng 3 ha. Trước đây, do khu vực này cao hơn kênh mương nên nước tưới không lên được, bà con phải trồng đậu. Khi kênh mương Kon Lanh 1 được kiên cố hóa, dự án đã mở thêm một kênh phụ dẫn nước vào khu vực này nên được bà con chuyển sang trồng lúa nước”. Theo Trưởng thôn Đinh Văn Múp, làng Kon Lanh 1 có 25 ha đất trồng lúa nước. Song do có nhiều diện tích thường xuyên bị thiếu nước vào mùa khô nên người dân chỉ canh tác 19 ha. Khi kiên cố hóa, chiều cao kênh mương được nâng cao hơn 50 cm so với kênh cũ, nước về tận ruộng nên tất cả diện tích bị bỏ hoang đều được người dân chuyển sang trồng lúa nước. Nếu được hướng dẫn thêm về kỹ thuật, người dân sẽ canh tác có hiệu quả diện tích lúa nước nói trên.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Sỹ Hữu-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Rong, kiêm Trưởng ban Phát triển xã, cho biết: Đak Rong là xã khó khăn của huyện Kbang với hầu hết người dân sống bằng nông nghiệp. Trong đó, diện tích lúa nước chiếm 22% tổng diện tích cây trồng nông nghiệp. Nhờ nguồn nước từ các con suối Đak Pne, Đak Tờ Neng mà ruộng lúa ở Đak Rong ít khi xảy ra hạn nặng như các địa phương khác. Song, đa số các kênh mương thủy lợi của xã đều làm bằng đất nên tình trạng thất thoát nước xảy ra thường xuyên. Vì vậy, việc Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đầu tư kiên cố hóa 2 kênh mương thủy lợi trên đã góp phần không nhỏ giúp người dân tránh được tình trạng thất thoát nước, cũng như giảm được khâu nạo vét kênh mương mỗi khi vào vụ. Đồng thời, tạo điều kiện để người dân 2 làng mở rộng thêm 7 ha đất sản xuất và chuyển khoảng 6 ha đất lúa 1 vụ sang 2 vụ. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để xã sớm hoàn thành tiêu chí thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới năm 2016.
Hồng Thương