Phóng sự - Ký sự

Tiếp sức ngư dân vượt khó, bám biển (*): Đưa ngư dân vào chuỗi cung ứng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tổng cục Thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam kiến nghị nhanh chóng phủ tiêm vắc-xin cho ngư dân để sớm đưa họ vào chuỗi cung ứng, giúp hoạt động khai thác thủy sản trở lại trạng thái bình thường mới.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cho rằng tác động của đại dịch Covid-19 cùng nhiều nguyên nhân khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn.
43.200 tàu nằm bờ
Theo ông Hùng, cả nước hiện có gần 95.000 tàu đánh cá với khoảng 1 triệu lao động. Số lượng lao động làm việc trên tàu cá được tiêm mũi 1 vắc-xin Covid-19 còn thấp (ước đạt 25%) nên thời gian qua lao động khai thác hải sản trực tiếp trên tàu có xu hướng giảm dần.

Dịch Covid-19 khiến hoạt động đánh bắt, thu mua hải sản ở Thanh Hóa gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Thanh Tuấn
Còn theo thống kê của các tỉnh, thành báo cáo về Tổng cục Thủy sản, trong quý III/2021, số lượng tàu cá ngừng khai thác là 43.200 tàu. Các tỉnh, thành có số lượng tàu nằm bờ nhiều, gồm: Đà Nẵng 1.680/1.830 chiếc (91,8%); Bà Rịa - Vũng Tàu 3.252/5.025 chiếc (64,72%); Khánh Hòa 3.269/5.580 chiếc (58,58%); Trà Vinh 540 chiếc/1.196 chiếc (45,15%). Việc các tàu ngừng sản xuất làm sản lượng khai thác trong quý giảm khoảng 186.000 tấn.
Ông Hùng cho rằng ngoài ảnh hưởng của dịch Covid-19, tàu nằm bờ nhiều còn do một số nguyên nhân khác, như: giá nguyên, nhiên vật liệu tăng; việc bốc xếp, thu mua, vận chuyển thủy sản gặp khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội; thiếu lao động do hạn chế đi lại tại các địa phương.
Thời gian qua, cũng do dịch Covid-19, nhiều cảng cá phải đóng cửa. Đến ngày 22-10, vẫn còn 4 cảng cá tiếp tục thực hiện giãn cách hoặc tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch ở Nghệ An, Khánh Hòa, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc hoạt động khai thác hải sản của ngư dân gặp nhiều khó khăn, ít tàu đi khai thác đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cảng cá, đặc biệt là tại các địa phương thực hiện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Lượng tàu cá vào các cảng cá thuộc các tỉnh miền Nam giảm nhiều so với trước do không tiếp nhận các tàu cá miền Trung cập cảng.

Nhiều tàu cá Bình Định dừng khai thác trong trong những tháng qua. Ảnh: Anh Tú
Cũng vì số lượng tàu cá ra khơi giảm nên các dịch vụ sử dụng tại cảng cá (dầu, nước đá, vật liệu, dịch vụ tại cảng...) bị ảnh hưởng, tác động đến nguồn thu của cảng cá. Theo tổng hợp ước tính của một số tổ chức quản lý cảng cá thì lượng tàu và lượng hàng qua cảng trong thời gian giãn cách vừa qua chỉ bằng 44% so với trước đây.
Ông Hùng dự báo hoạt động khai thác hải sản trong thời gian tới vẫn đối mặt với khó khăn do nguồn nguyên liệu chưa phục hồi hoàn toàn, giá vật tư đầu vào tăng cao. Tình trạng thiếu lao động khai thác thủy sản cũng sẽ tiếp tục diễn ra.
Cần nhiều giải pháp hỗ trợ
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nêu lên nhiều khó khăn mà ngành thủy sản đang và sẽ phải đối đầu: dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng; thiếu nguyên liệu, thiếu lao động; chi phí tăng, cước vận tải biển tăng 8-10 lần; thẻ vàng về đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) chưa được gỡ bỏ...
Từ tình hình trên, ông Nam kiến nghị cần triển khai nhanh chóng tiêm vắc-xin cho ngư dân, người lao động. Bên cạnh đó là có cơ chế bình ổn giá, chi phí đầu vào sản xuất, tạo điều kiện để phục hồi và ổn định nguồn nguyên liệu từ khai thác và nhập khẩu để gia tăng sản xuất, xuất khẩu.
Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho rằng ngành khai thác thủy sản phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để bảo đảm an toàn tối đa cho người lao động và ngư dân. Việc này nhằm sớm đưa ngư dân vào chuỗi cung ứng, giúp hoạt động khai thác thủy sản ở các địa phương trở lại trạng thái bình thường mới.
Về chính sách hỗ trợ, Tổng cục Thủy sản đề nghị Bộ NN-PTNT kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất sau dịch; có chính sách giãn nợ , giảm lãi suất các khoản vay tín dụng đối với tàu cá, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, cơ sở chế biến thủy sản ngừng hoạt động do dịch Covid-19. Tổng cục Thủy sản cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng nắm bắt tình hình sản xuất và diễn biến dịch bệnh tại các địa phương để có chỉ đạo phương án sản xuất kịp thời chuỗi cung ứng khai thác thủy sản trong cả nước.
Đối với tổ chức sản xuất trên biển, Tổng cục Thủy sản đề nghị cần tuyên truyền và hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác trên biển theo tổ, đội, nhóm để bảo đảm an toàn, hỗ trợ lẫn nhau trong tình huống khẩn cấp và dịch vụ hậu cần; thực hiện các chính sách khuyến khích hoạt động khai thác ở các vùng biển xa. Đồng thời, hướng dẫn lao động làm việc trên tàu cá thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh Covid-19 trong quá trình sản xuất trên biển, khi ra vào cảng. 
Phòng chống khai thác bất hợp pháp
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định thời gian qua, các tỉnh, thành vẫn nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch vừa duy trì, đẩy mạnh hoạt động khai thác thủy hải sản với kết quả 9 tháng đầu năm 2021 đạt sản lượng gần 3 triệu tấn. Tuy nhiên, khai thác thủy sản những tháng cuối năm sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do vừa phải bảo đảm khai thác an toàn trong dịch bệnh vừa ứng phó mưa bão; chưa kể giá vật tư đầu vào vẫn ở mức cao, lao động thiếu hụt cục bộ…
Nhấn mạnh câu chuyện ngư dân khó cũng là tình hình chung của ngành thủy sản, ông Phùng Đức Tiến đề nghị các tỉnh, thành có chính sách hỗ trợ cụ thể. Về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, các địa phương cần nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp phòng chống khai thác bất hợp pháp; chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch hành động thực hiện các chỉ đạo về tháo gỡ thẻ vàng IUU; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không lắp thiết bị giám sát hành trình, ngắt kết nối và vi phạm vùng biển nước ngoài...
VĂN DUẨN (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm