(GLO)- Chiều 9-12, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết Chỉ thị số 39/2004/CT-TTg ngày 12-11-2004 của Thủ tướng Chính phủ về “Một số chủ trương, giải pháp tiếp tục giải quyết tình trạng dân di cư tự do”.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tổng số dân di cư tự do của cả nước trong giai đoạn 2005-2012 là trên 37 ngàn hộ với gần 148 ngàn nhân khẩu và đang giảm dần qua các năm. Địa bàn dân di cư đến thời gian trên chủ yếu là các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ còn nơi dân di cư đi chủ yếu là các tỉnh miền núi phía Bắc như: Cao Bằng, Lai Châu, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Điện Biên, Lào Cai…
Để giải quyết tình trạng dân di cư tự do, từ năm 2005 đến nay, Nhà nước đã phải bỏ ra khoảng 60 ngàn tỷ đồng hỗ trợ người dân các vùng khó khăn ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, tình trạng dân di cư tự do vẫn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế -xã hội, an ninh trật tự của các địa phương dân đến, trong đó nhức nhối nhất là tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép.
Ở tỉnh Gia Lai, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, trong giai đoạn 2005-2013 có 2.999 hộ dân với 11.213 nhân khẩu di cư tự do từ tỉnh khác đến, tập trung chủ yếu ở các huyện Chư Pah, Phú Thiện và Chư Prông. Số dân di cư tự do này đã bổ sung thêm cho lực lượng lao động địa phương, khai thác triệt để quỹ đất hoang hóa góp phần nâng cao năng lực sản xuất và tăng khối lượng sản phẩm của địa phương. Tuy nhiên, tình trạng dân di cư tự do từ nơi khác đến cũng gây ra nhiều khó khăn như: khó quản lý nhân-hộ khẩu; làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái do phá rừng, phát nương làm rẫy…
Phát biểu kết luận Hội nghị sau khi nghe các địa phương tham luận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đã đề nghị các bộ, ngành Trung ương và các địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 39 và Quyết định số 1776 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, dân di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020. Đối với những địa phương có đông người dân đi di cư tự do, Bộ trưởng yêu cầu chính quyền phải tăng cường quản lý nhân-hộ khẩu, huy động các nguồn để phát triển sản xuát, nâng cao đời sống cho người dân. Còn với những nơi dân đến, chính quyền cũng cần quan tâm sắp xếp, bố trí cho người dân ổn định cuộc sống. Về những kiến nghị, đề xuất của các địa phương, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết sẽ tập hợp để báo cáo Chính phủ xem xét, giải quyết.
Tiến Dũng