Kinh tế

Nông nghiệp

Tiêu chết hàng loạt, nông dân Tây Nguyên thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Viện Khoa học Kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, hiện nay ở các tỉnh Tây Nguyên diện tích tiêu chết hàng loạt đang tăng lên từng ngày, gây thiệt hại lớn cho các nông hộ trồng tiêu.
Ông Nguyễn Điệp (xã Chư Pơng, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) bên vườn hồ tiêu 1.800 trụ đã chết sau mùa mưa. Ảnh: Dư Toán/TTXVN
Thống kê đến ngày 25/10, diện tích tiêu bị chết do sâu bệnh hại gây nên của các tỉnh Tây Nguyên là trên 3.250 ha; trong đó tập trung nhiều nhất là tỉnh Gia Lai, Đắk Nông làm thiệt hại cho các nông hộ hàng ngàn tỷ đồng. Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn gần 3.000 ha cây hồ tiêu đang nhiễm bệnh hại, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm nên khả năng diện tích tiêu bị chết còn tăng lên…
Một trong những nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là do các nông hộ bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng ồ ạt mở rộng diện tích cây hồ tiêu tăng lên gấp nhiều lần so với quy hoạch.
Theo quy hoạch cây tiêu của tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 mới đạt 15.000 ha, thế nhưng nay đã tăng lên trên 38.616 ha. Tỉnh Đắk Nông quy hoạch đến năm 2025 đưa diện tích tiêu tăng lên 13.000 ha nhưng nay đã là 36.300 ha. Tỉnh Gia Lai quy hoạch đến năm 2020 là 6.000 ha nay đã tăng lên gần 16.322 ha.
Nghiêm trọng hơn, các nông hộ sản xuất cây hồ tiêu ở Tây Nguyên còn đưa cây hồ tiêu vào trồng trên những vùng đất không thích hợp, thoát nước kém, nhất là những vùng đất dễ bị ngập úng khi có mưa lũ.
Mặt khác, cũng chính chạy theo phong trào nên các nông hộ sử dụng các giống tiêu không rõ nguồn gốc, đầu tư thâm canh quá mức, sử dụng phân hóa học quá liều lượng dẫn đến cây hồ tiêu bị ngộ độc… Khi giá tiêu hạt rơi xuống thấp, các nông hộ sản xuất tiêu ở Tây Nguyên không đầu tư chăm sóc đầy đủ làm cho cây hồ tiêu kém phát triển, bị suy kiệt dễ dẫn đến tình trạng vườn cây bị nhiễm sâu bệnh hại làm chết hàng loạt.
Các địa phương như Chư Prông, Chư Pứh, Đắk Song, Cư Kuin, Ea H’leo… là những vùng tiêu trong điểm của các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk nhưng hiện nay nhiều diện tích vườn cây đang bị sâu bệnh hại gây chết hàng loạt. Theo các nông hộ trồng tiêu ở Tây Nguyên, mỗi ha tiêu trồng mới đầu tư từ 450 - 500 triệu đồng cho mỗi ha, sau thời gian 3 năm chăm sóc kiến thiết cơ bản mới bắt đầu thu bói. Phần lớn nguồn vốn đầu tư mở rộng diện tích cây tiêu đều vay của các ngân hàng thương mại.
Huyện Chư Prông là một trong những vùng trồng tiêu trọng điểm của tỉnh Gia Lai nhưng hiện nay đã có hơn 1.400 ha trong số 2.500 ha tiêu bị chết làm cho nhiều gia đình lâm vào cảnh trắng tay.
Viện Khoa học Kỹ thuật nông-lâm nghiệp Tây Nguyên đã đề nghị các tỉnh vùng Tây Nguyên sớm quy hoạch lại diện tích cây hồ tiêu, kiên quyết không mở rộng mới thêm diện tích mà chỉ đầu tư thâm canh diện tích cây tiêu hiện có.
Mặt khác, tiến hành kiểm tra, phân loại lại diện tích các vườn tiêu, đối với ở những vũng, dễ bị ngập nước, thoát nước kém trong mùa mưa. Đồng thời, hướng dẫn các nông hộ cần có kế hoạch chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hoặc tiến hành vun gốc tiêu vào đầu mùa mưa, trồng cây lạc dại che phủ đất, đào mương thoát nước đối với những vùng đất thoát nước kém, tủ gốc cho cây tiêu vào mùa khô.
Đối với các vườn tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm kiên quyết không trồng tái canh mà chuyển sang trồng các loại cây trồng khác để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ngoài ra, Viện cũng hướng dẫn các nông hộ sử dụng các loại cây trụ sống như cây muồng đen, keo dậu, núc nát, cây gòn để cho cây hồ tiêu leo bám (chú ý rong tỉa cây trụ sống trong mùa mưa để tạo độ thông thoáng cho vườn tiêu, hạn chế nấm bệnh phát triển), đối với các vườn hồ tiêu trồng bằng loại trụ bê tông, các nông hộ cần trồng xen cây trụ sống để làm cây che bóng cho vườn tiêu.
Mặt khác, Viện khuyến cáo đối với các nông hộ hàng năm sử dụng từ 10 đến 15 tấn phân hữu cơ bón cho mỗi ha tiêu, phun phân bón lá chuyên dùng mỗi năm từ 2 đến 3 lần, bón phân hóa học cân đối, hợp lý (bón phân khoáng cho cây tiêu theo độ phì của đất và nhu cầu dinh dưỡng của cây hồ tiêu). Đặc biệt, các nông hộ cần ưu tiên quản lý bệnh hại trên cây tiêu bằng các chế phẩm sinh học, nhất là sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ bệnh nấm Phytophthora, hạn chế tuyến trùng gây hại trên cây tiêu… 
Theo thống kê, các tỉnh Tây Nguyên hiện có trên 92.992 ha tiêu; trong đó, diện tích tiêu đã đi vào kinh doanh cho thu hoạch 50.099 ha. Diện tích cây hồ tiêu tập trung nhiều nhất ở Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai.
Quang Huy  (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm