Phóng sự - Ký sự

Tìm lại những anh hùng: 'Con xa bố mãi rồi, giờ phải ở gần'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đó là chuyện cô giáo Nguyễn Thị Hồng Cẩm, con gái anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Văn Nhâm. Liệt sĩ Nhâm hy sinh ngày 17.2.1979 tại Sìn Hồ, Lai Châu, sau khi đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Người giữ chốt 1262

Sáng 17.2.1979, quân lính Trung Quốc tràn qua biên giới Lai Châu hòng đánh chiếm khu vực Pa Tần (H.Sìn Hồ) và thị trấn Phong Thổ. Tuy nhiên, địch đã bị đánh chặn ở bản Pò Tô (trung tâm xã Huổi Luông hiện nay) và không thể "tiến nhanh, thắng nhanh" bởi các trận địa phòng ngự của Đại đội 3 bộ binh (thuộc Tiểu đoàn 2, Bộ đội địa phương H.Sìn Hồ, Lai Châu), trên điểm cao 1262. Đơn vị này do trung úy - đại đội trưởng Nguyễn Văn Nhâm (khi đó 33 tuổi) chỉ huy.

Trung tá Lê Khánh Tâm (nguyên Phó chính ủy Trung đoàn 193, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu, hiện đang nghỉ hưu tại TX.Cửa Lò, Nghệ An) nhớ lại thời điểm 17.2.1979, là Chính trị viên Đại đội 14 hỏa lực: "Chúng tôi chốt giữ cụm cao điểm 551 ở phía sau điểm cao 1262. Từ sáng sớm đã chứng kiến Đại đội 3 do anh Nhâm chỉ huy, kiên cường đánh trả các đợt tấn công của địch. Khoảng 9 giờ 30 ngày 17.2.1979, địch chọc thủng tuyến phòng ngự vành ngoài, tràn đến bao vây chúng tôi, nhưng trên cao điểm 1262 vẫn còn tiếng súng, quyết liệt đánh trả đến người cuối cùng".

Di ảnh anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Văn Nhâm

Di ảnh anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Văn Nhâm

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Quân (hiện đang ở Nghệ An) - một trong số ít chiến sĩ của Đại đội 3 thoát khỏi vòng vây địch kể lại: Lính Trung Quốc có pháo binh yểm trợ, lại đông, nên đơn vị của ta thương vong ngày càng nhiều. Anh Nhâm do đã kinh qua chiến đấu ở chiến trường miền Nam, nên chỉ huy bộ đội đánh địch quyết liệt ở phía trước, đồng thời tổ chức lực lượng xung kích đánh vào bên sườn, giành giật với địch từng hầm hào, từng đoạn công sự. Bị thương nặng, anh Nhâm vẫn bám trận địa, động viên bộ đội chiến đấu và hy sinh lúc 13 giờ ngày 17.2.1979…

Trung úy Nguyễn Văn Nhâm sinh năm 1946, ở xã Thạch Điền, H.Thạch Hà, Hà Tĩnh. Nhập ngũ tháng 5.1965 vào Sư đoàn 308 (Quân đoàn 1), đã tham gia chiến đấu 32 trận ở chiến trường miền Nam.

Bia mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Nhâm tại Nghĩa trang liệt sĩ H.Sìn Hồ (Lai Châu)

Bia mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Nhâm tại Nghĩa trang liệt sĩ H.Sìn Hồ (Lai Châu)

Đầu năm 1978, tình hình biên giới phía Bắc có nhiều diễn biến phức tạp, Hội đồng Chính phủ quyết định tách 5 tỉnh thuộc Quân khu 1 (Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, Vĩnh Phú, Sơn La, Lai Châu), thành lập Quân khu 2 và củng cố lực lượng phòng ngự ở các tỉnh. Tại Lai Châu, đến tháng 9.1978, một số đơn vị bộ đội địa phương được thành lập, trong đó có Tiểu đoàn 2 Sìn Hồ và trung úy Nguyễn Văn Nhâm được đưa lên Lai Châu, làm Đại đội trưởng đại đội 3 của Tiểu đoàn 2.

Trong trận chiến đấu ngày 17.2.1979, đơn vị của thiếu úy Nguyễn Văn Nhâm đã kiên cường bám trụ trận địa chống địch. Ngày 20.12.1979, trung úy Nguyễn Văn Nhâm được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, và đến năm 1992 được cấp bằng Tổ quốc ghi công.

PV Thanh Niên (phải) và đoàn viên, thanh niên ở Hà Tĩnh thăm viếng anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Văn Nhâm

PV Thanh Niên (phải) và đoàn viên, thanh niên ở Hà Tĩnh thăm viếng anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Văn Nhâm

Hành trình đưa bố về quê

Chúng tôi về Hà Tĩnh, tìm những người thân của liệt sĩ Nguyễn Văn Nhâm, nghe kể: Năm 1973, anh Nhâm được nghỉ phép và tổ chức đám cưới với chị Nguyễn Thị Phúc (sinh 1951, ở H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Giữa năm 1978, cô bé Nguyễn Thị Hồng Cẩm ra đời (sau này gia đình làm giấy khai sinh, ghi là 10.3.1979). 3 tháng sau, anh Nhâm lần đầu (và cũng là lần cuối) về thăm gia đình vợ con, sau đó khoác ba lô lên biên giới phía Bắc.

"Mẹ ban đầu làm xã viên không lương ở hợp tác xã nông nghiệp. Chỉ khi bố mất, mới có tiền liệt sĩ và chế độ để nuôi em ăn học", cô giáo Cẩm kể lại vậy và nhớ: Sau khi bố Nhâm hy sinh, mẹ Phúc đưa con gái về quê ở xã Cẩm Huy, H.Cẩm Xuyên sống với ông bà ngoại và xin 2 em trai về làm con nuôi. Năm 1997, Cẩm tốt nghiệp THPT, thi vào Trung cấp sư phạm Hà Tĩnh và hiện là giáo viên Trường tiểu học Cẩm Dương, H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Cẩm bên bàn thờ người cha anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Văn Nhâm

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Cẩm bên bàn thờ người cha anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Văn Nhâm

Năm 2008, ông Nguyễn Huy Hiệu (bố liệt sĩ Nhâm), trước khi mất, dặn cháu gái Nguyễn Thị Hồng Cẩm: "Ước mong lớn nhất của ông bà là đưa phần mộ bố cháu về quê, nhưng gia đình chúng ta nghèo không có tiền đi lại, Lai Châu thì lại quá xa, không biết bố nằm ở đâu. Cháu đã lớn, đi làm nhà nước thì cố gắng tìm mộ bố và đưa về quê, giúp cho ông bà".

Sau gần 4 năm tìm kiếm, giữa năm 2012, cô giáo Cẩm và mẹ Phúc lăn lóc 2 chặng xe khách Hà Tĩnh - Hà Nội - Lai Châu nhận thông tin chính xác về phần mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Nhâm, từ người quen làm công an trên đó. Sau đó, 2 mẹ con lại bắt xe khách TP.Lai Châu - thị trấn Sìn Hồ đi bộ 3 km tìm vào nghĩa trang liệt sĩ.

"Vừa đến cổng nghĩa trang, trời đang nắng chang chang bỗng sập xuống mù mịt. Tôi vẫn nhớ có 1 con ong bay đến đậu vào vai mẹ. Nói mẹ phủi đi, nhưng mẹ khóc: Bố con ra đón đấy. Y như rằng, con ong bay dẫn mẹ con đến đúng ngôi mộ bố, nằm ở giữa nghĩa trang liệt sĩ, ngay cạnh tượng đài", cô giáo Cẩm khóc.

Tặng quà của Báo Thanh Niên cho thân nhân gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Nhâm

Tặng quà của Báo Thanh Niên cho thân nhân gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Nhâm

Cuối năm 2013, bà Nguyễn Thị Phúc qua đời, để lại trăng trối với cô giáo Cẩm: "Cố gắng đưa bố về quê". Tháng 7.2018, cô giáo Cẩm lại đi mấy chặng xe khách lên Lai Châu đưa phần mộ bố về Hà Tĩnh.

Trước khi đi, nhiều người bảo: "Những việc này là của đàn ông con trai. Đàn bà con gái thì làm được gì?". Cô giáo Cẩm kiên quyết: "Đã là con thì phải thực hiện di nguyện của bố mẹ, ông bà. Càng con gái, càng phải làm", và xin phép họ hàng bên nội: "Con ở bên ngoại, nên đưa bố về Cẩm Xuyên để tiện hương khói. Con ở đâu, bố ở đó. Con xa bố mãi rồi, giờ phải ở gần".

Chuyến đi ấy, bây giờ vẫn vẹn nguyên trong ký ức cô giáo Cẩm, về tình người Lai Châu: Lên xe khách chạy tuyến thị trấn Phong Thổ ra TP.Lai Châu, lái phụ xe và hành khách khi biết có hài cốt liệt sĩ 17.2.1979, đã không lấy tiền cước của cả đoàn 3 người và dành riêng ghế ngồi trên cùng, đặc chiếc hòm đựng hài cốt.

Cầu Pa Tần - Huổi Luông là mục tiêu mà đại đội trưởng Nguyễn Văn Nhâm và hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ, tháng 2.1979

Cầu Pa Tần - Huổi Luông là mục tiêu mà đại đội trưởng Nguyễn Văn Nhâm và hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ, tháng 2.1979

Đêm nghỉ ở TP.Lai Châu, đợi sáng hôm sau về Hà Tĩnh, chủ khách sạn cũng không lấy tiền và dành riêng 1 phòng cho liệt sĩ Nhâm. Chuyến xe giường nằm Lai Châu - Hà Tĩnh, nhà xe cũng dành riêng 1 giường tầng trên, ngay đầu xe cho liệt sĩ Nguyễn Văn Nhâm và dọc đường, liên tục hương khói, đồ cúng đầy đủ…

"Em chỉ mong ngày 17.2.2024 này, đúng 45 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, em được ra Lai Châu, lên điểm cao 1262 để thắp hương cho bố và các bác, các chú đã ngã xuống. Và em cũng mong gặp lại bác quản trang, lái phụ xe, chủ xe, chủ khách sạn ở Lai Châu đã giúp đỡ tận tình, để em đưa bố về quê thuận lợi", cô giáo Cẩm nói vậy.

Anh hùng - liệt sĩ Võ Đại Huệ

Anh hùng Võ Đại Huệ sinh năm 1952, quê ở xã Nghi Xá, H.Nghi Lộc, Nghệ An. Khi hy sinh là trung úy, Đại đội trưởng Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 16, Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng).

Từ năm 1969 đến 1972, Võ Đại Huệ tham gia chiến đấu chống Mỹ trên các chiến trường Đường 9, Khe Sanh, Tây nguyên... Ông đã lập nhiều chiến công, được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông tình nguyện sang Công an nhân dân vũ trang và được điều động về Trung đoàn 16.

Di ảnh anh hùng - liệt sĩ Võ Đại Huệ

Di ảnh anh hùng - liệt sĩ Võ Đại Huệ

Sáng 17.2.1979, quân xâm lược bắn pháo cấp tập, rồi dùng bộ binh có xe tăng yểm trợ ồ ạt tấn công vào khu vực Mường Khương. Võ Đại Huệ đã chỉ huy đơn vị đánh trả địch, giữ vững trận địa, làm cho bộ binh địch không phối hợp được với xe tăng, phải ùn lại...

Chiều 18.2.1979, Võ Đại Huệ chỉ huy đơn vị phá vòng vây của địch. Khi di chuyển đến vị trí mới, ông đã anh dũng hy sinh. Ngày 19.12.1979, liệt sĩ Võ Đại Huệ được truy tặng danh hiệu anh hùng.

Anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Văn Hiền

Anh hùng Nguyễn Văn Hiền sinh năm 1950, quê ở xã Thiệu Long, H.Thiệu Yên, Thanh Hóa; nhập ngũ năm 1969. Khi hy sinh, ông là thiếu úy, cán bộ Đồn 33, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Lai Châu (nay là Đồn biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu).

Năm 1969, tốt nghiệp phổ thông, Nguyễn Văn Hiền xung phong nhập ngũ, trực tiếp chiến đấu chống Mỹ, cứu nước. Vào Công an nhân dân vũ trang, ông đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Di ảnh anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Văn Hiền

Di ảnh anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Văn Hiền

Làm chiến sĩ nuôi quân, làm quản lý, Nguyễn Văn Hiền đã thực sự liêm khiết và tận tụy chăm sóc các bữa ăn cho đơn vị. Được giao nhiệm vụ làm công tác cơ sở, ông đã khắc phục khó khăn, tích cực động viên người dân định canh định cư, cải tiến kỹ thuật, nâng cao dần đời sống vật chất và tinh thần, xây dựng phong trào bảo vệ trật tự trị an biên giới.

Sáng 17.2.1979, quân xâm lược có xe tăng, pháo yểm trợ, ồ ạt tấn công Đồn biên phòng 33, Lai Châu, Nguyễn Văn Hiền chỉ huy một phân đội dũng cảm chặn đánh địch ở mũi chính diện. Dưới sự chỉ huy của ông, phân đội đã đẩy lùi 15 đợt tấn công của địch.

Địch tăng quân, ồ ạt tấn công. Nguyễn Văn Hiền chỉ huy đơn vị ngoan cường chiến đấu. Bị thương vào tay, ông tự băng bó, tiếp tục chỉ huy chiến đấu. Lần thứ ba, bị thương gãy cả hai chân, Nguyễn Văn Hiền vẫn không rời vị trí, tiếp tục động viên chiến sĩ phản kích địch. Địch dùng chiến thuật biển người ào lên. Đạn sắp hết, ông lệnh cho 12 chiến sĩ phá vây, rút về tuyến sau. Một mình ông ở lại ghìm chân địch và anh dũng hy sinh.

Ngày 19.12.1979. liệt sĩ Nguyễn Văn Hiền được truy tặng danh hiệu anh hùng.

Anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Vũ Tráng

Anh hùng Nguyễn Vũ Tráng sinh năm 1948, quê xã Minh Đức, H.Việt Yên, Bắc Giang. Khi hy sinh là trung úy, Chính trị viên phó Đồn 1, Công an nhân dân vũ trang Lai Châu (nay là Đồn biên phòng Sì Lờ Lầu, Bộ đội Biên phòng Lai Châu). Năm 1968, Nguyễn Vũ Tráng nhập ngũ, được cử đi làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào và lập nhiều thành tích xuất sắc.

Đại tá Nguyễn Quang Phương (thứ 2 từ trái qua) và cán bộ Trường cao đẳng Biên phòng thăm hỏi thân nhân anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Vũ Tráng

Đại tá Nguyễn Quang Phương (thứ 2 từ trái qua) và cán bộ Trường cao đẳng Biên phòng thăm hỏi thân nhân anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Vũ Tráng

Về nước, ông được cử đi học Trường Sĩ quan biên phòng (nay là Học viện Biên phòng) và tốt nghiệp ra trường, lên Lai Châu nhận công tác tại địa bàn biên giới Sì Lờ Lầu (Phong Thổ, Lai Châu).

Sáng 17.2.1979, quân xâm lược bắn hàng ngàn quả pháo, rồi cho bộ binh ồ ạt tấn công Đồn 1. Nguyễn Vũ Tráng chỉ huy mũi chính diện, kiên cường đánh trả, đẩy lùi 15 đợt tấn công của địch.

Ngày 6.3.1979, lợi dụng sương mù, địch cho nhiều mũi tấn công vào Đồn 1 và Đại đội 5 của Công an nhân dân vũ trang Lai Châu. Nguyễn Vũ Tráng chỉ huy đơn vị đánh địch quyết liệt, bị thương gãy cả 2 chân.

Khi có lệnh lùi về phía sau, ông xin ở lại cản địch và anh dũng hy sinh. Ngày 19.12.1979, liệt sĩ Nguyễn Vũ Tráng được truy tặng danh hiệu anh hùng.

Có thể bạn quan tâm