Phóng sự - Ký sự

Tìm lại những anh hùng: Huyền thoại ở lòng hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mấy năm trời dò hỏi, mãi chúng tôi mới có thông tin của anh hùng Tòng Văn Chô. 

Tìm về xã Mường Cang (Than Uyên, Lai Châu), người dân bảo: "Ông ấy vào rừng sống từ lúc thủy điện Huội Quảng - Bản Chát bắt đầu xây dựng (tháng 1.2006)", và chỉ cách cho chúng tôi đến ngọn đồi nơi ông ở nằm ven hồ, đi cả xe ôm và thuyền máy, lạch tạch gần 2 tiếng.

Từ mép nước lên đỉnh đồi, anh lái thuyền liên tục động viên: "Ở đây thôi" và cất tiếng hú gọi. Cả chục phút sau mới thấy người đàn ông mặt vuông vức trong bộ quần áo dân tộc Thái vọng ra: "Chô đây. Hỏi gì đấy!", và tròn mắt nhìn chúng tôi: "Cán bộ cấp trên đến thăm hỏi động viên, toàn gọi tôi vào xã. Mỗi cậu dám ra tận đây".

Một mình giữ chốt

Sinh ngày 5.5.1957, mới 17 tuổi (1974), chàng thanh niên Tòng Văn Chô được gọi nhập ngũ. Nhưng lúc ấy gia đình nghèo đói, cả 2 anh trai Tòng Văn Sơn và Tòng Văn Kiên đã đi bộ đội, nên gia đình xin cho ông được hoãn, ở nhà lao động và vào rừng đào củ mài cứu đói các em.

Giữa năm 1976, thấy các anh mình nằng nặc xin về, Tòng Văn Chô bực mình: "Đi bảo vệ Tổ quốc bản làng, sao ai cũng sợ? Các anh ở nhà nuôi bố mẹ, các em, để tôi đi cho". Ông lên xã, xung phong nhập ngũ.

Anh hùng Tòng Văn Chô, năm 1979

Anh hùng Tòng Văn Chô, năm 1979

Ngày 2.9.1976, tân binh Tòng Văn Chô nhập ngũ vào Trung đoàn 254, Bộ đội địa phương tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai) đóng quân ở xã Bản Lầu, H.Mường Khương, Lào Cai.

Chữ không biết, tiếng phổ thông cũng không, nên mấy tháng tân binh, Tòng Văn Chô được huấn luyện qua các… phiên dịch. Do lớn tuổi hơn so với đồng đội, ở nhà quen mọi việc đi rừng leo núi nặng nhọc, thấy việc gì cũng lao vào làm giúp anh em, nên Tòng Văn Chô được đưa đi làm đường từ Bản Lầu lên Pha Long.

Đầu 1978, binh nhất Tòng Văn Chô về Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 254, đóng quân Làng Mạ (nay là thôn Nà Mạ 1 - 2, xã Bản Lầu, H.Mường Khương) và được giao chuyên trách chăn trâu bò, bởi "khỏe mạnh, quen đi rừng, dễ tìm trâu bò lạc"…

Cuối 1978, tình hình biên giới bắt đầu căng thẳng. Liên tiếp xảy ra các vụ xô xát giành giữ đất, thậm chí lính Trung Quốc còn vượt biên sang Việt Nam bắt cóc cán bộ, nổ súng khiêu khích bộ đội. Đầu tháng 2.1979, Tòng Văn Chô được lệnh "bàn giao nhiệm vụ chăn bò, ra biên giới đào hầm hào công sự".

Vợ chồng ông bà Tòng Văn Chô và Hoàng Thị Lại

Vợ chồng ông bà Tòng Văn Chô và Hoàng Thị Lại

Suốt ngày cặm cụi lao động nên Tòng Văn Chô được đồng bào dân tộc địa phương quý mến, tin tưởng. Trước ngày 17.2.1979, người dân thôn Nà Lốc (xã Bản Lầu, H.Mường Khương) chạy vào đơn vị tìm anh, báo việc tổ trinh sát 4 người bị lính Trung Quốc phục kích bắn chết, và còn dặn: "Sắp đánh nhau to rồi, tìm đường mà về nhà đi". Nhưng Tòng Văn Chô lắc đầu: "Bộ đội mà đào ngũ thì nhục lắm. Tao không về đâu". Ngày 28.1.1979, Tòng Văn Chô lên điểm cao 391 củng cố trận địa, chốt giữ khu vực Làng Mạ và bảo vệ nông trường Phong Hải ở phía sau.

Rạng sáng 17.2.1979, phía Trung Quốc đồng loạt nã pháo vào tuyến biên giới Lào Cai, binh nhất Tòng Văn Chô đang gác ca cuối…

"Chúng tôi triển khai đánh trả, thì lính nó đã tràn lên nửa quả đồi từ bao giờ. Đánh nhau khoảng 1 tiếng, thì mất chốt của Trung đội 1, 2. Từ 8 giờ sáng 17.2.1979, địch có pháo binh yểm trợ, ào ạt tấn công hòng chiếm điểm cao 391, mở thông đường từ thị trấn Mường Khương về Bản Phiệt để thực hiện ý đồ kéo về H.Bảo Yên và Yên Bái phía sau", Tòng Văn Chô kể.

Chốt giữ trận địa Trung đội 3, Tòng Văn Chô bị địch bắn sập công sự, ngất đi. Khi tỉnh dậy, thấy đất lấp đến cổ, anh dùng lưỡi lê đào đất, tự giải cứu mình và tìm đơn vị.

Sáng 20.2.1979, Đại đội 6 chỉ còn 26 đồng đội, bố trí ở khu vực đồi yên ngựa cạnh nông trường Phong Hải, mỗi người cách nhau 50 - 60 m. Riêng binh nhất Tòng Văn Chô được giao phụ trách khu vực nương lúa dài gần 100 m.

Lợi dụng khe núi gần đó, địch bí mật bò lên định đánh tạt sườn, nhưng Tòng Văn Chô ngay lập tức phát hiện, một mình đánh trả cả đại đội địch, từ rạng sáng đến 12 giờ trưa.

Công việc thường ngày của anh hùng Tòng Văn Chô

Công việc thường ngày của anh hùng Tòng Văn Chô

Học chữ khó hơn đánh nhau

"Ối giồi ôi! Đánh nhau thì không sợ, mà sau đánh nhau lại sợ quá!", ông Chô bật lên vậy giữa mạch kể chuyện.

Lần sợ đầu tiên là sau ngày 6.3.1979, khi lính Trung Quốc bắt đầu rút quân về nước, binh nhất Tòng Văn Chô phải về sở chỉ huy tiền phương của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hoàng Liên Sơn đóng trong hang đá ở Km 21, quốc lộ 4E (Phố Lu, H.Bảo Thắng, Lào Cai) để báo cáo thành tích chiến đấu.

"Các ông chuyên gia bắt tôi diễn lại quá trình chiến đấu, giải thích cả trên sa bàn. Lúc ấy tiếng phổ thông mình còn chưa sõi, nên cứ phải nói chuyện bằng động tác. Các ông ấy không hiểu, sau lại phải gọi đơn vị đưa người em biết tiếng phổ thông, lên phiên dịch", anh hùng Tòng Văn Chô nhớ lại vậy, và cười: "Tôi bảo cấp trên cho tôi về chiến đấu hoặc thu dọn chiến trường. Bắt tôi gặp chuyên gia là tôi trốn về quê đấy. Nghe thế, ai cũng cười".

Cười rất tươi khi nhận quà lưu niệm từ Báo Thanh Niên

Cười rất tươi khi nhận quà lưu niệm từ Báo Thanh Niên

Cuối năm 1979, binh nhất Tòng Văn Chô được về Hà Nội báo công và gặp mặt Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Trước hôm nhận danh hiệu anh hùng, ông ra điều kiện: "Không bắt phát biểu bằng tiếng phổ thông, tôi mới nhận".

Khi được đưa đi tham quan Liên Xô và Cuba, ông cũng ra điều kiện trên và đi đến đâu cũng hỏi "có người Thái mình ở bản nào gần đây không", khiến người phiên dịch lắc đầu quầy quậy.

Sợ thứ nhì là… học chữ. Tòng Văn Chô được đưa về trường văn hóa của Bộ Chỉ huy Quân sự Hoàng Liên Sơn (nay tách ra thành Lào Cai và Yên Bái), nhận lệnh "phải đọc thông viết thạo trong 8 ngày". Liên tục trong 1 tuần, nhóm giáo viên gồm 5 thầy cô giáo ăn ở cùng cậu chiến sĩ người Thái to vâm vấp nhưng chưa sõi tiếng phổ thông, cứ thấy người lạ là co rúm sợ hãi.

Mỗi ngày, ông Chô chỉ có 4 tiếng đồng hồ để ăn ngủ, vệ sinh cá nhân, còn lại là học và học. Hết tập đọc, tập viết đến cộng trừ nhân chia. "Có lúc mình định trốn đấy, nhưng vệ binh canh kỹ lắm. Với lại, mệnh lệnh thì mình phải chấp hành thôi", ông Chô cười.

Sau khi nhận danh hiệu anh hùng, Tòng Văn Chô được phong hàm vượt cấp từ binh nhất lên thiếu úy và lại nhận lệnh đi học ở trường quân chính Quân khu 2 trong 3 năm liền; mỗi năm học xong 3 lớp. Đầu 1983, thi xong tốt nghiệp lớp 9, thiếu úy Chô khoác ba lô chạy một mạch ra khỏi cổng trường, vừa chạy vừa van vỉ: "Cho tôi lên Vị Xuyên chiến đấu".

Góc hút thuốc lào của anh hùng Tòng Văn Chô

Góc hút thuốc lào của anh hùng Tòng Văn Chô

Thấy thiếu úy Chô cương quyết đi chiến đấu, cấp trên đành chuyển ông làm đại đội trưởng của Trung đoàn 819 Hoàng Liên Sơn và tháng 10.1984 về Ban Chỉ huy Quân sự H.Than Uyên (nay thuộc tỉnh Lai Châu) làm trợ lý động viên, dân quân tự vệ.

Đầu năm 1993, do không đáp ứng yêu cầu về trình độ và gia đình khó khăn, đại úy Tòng Văn Chô xin nghỉ phục vụ trong quân đội. Về địa phương, ông làm bí thư chi bộ, trưởng bản Pom Bó (xã Mường Cang, H.Than Uyên, Lai Châu) và đầu năm 2006, ông xin nghỉ các nhiệm vụ, chuyển hẳn vào ngọn đồi cạnh hồ thủy điện, ở đến bây giờ.

Năm 1985, anh hùng Tòng Văn Chô cưới bà Hoàng Thị Lại (sinh năm 1960) và sinh 4 người con: Tòng Văn Quyết (1986), Tòng Thị Thiết (1988), Tòng Văn Tưm (1990), Tòng Văn Tuyến (1993). Những người con của ông đều ở nhà làm nông nghiệp. Riêng cậu út Tòng Văn Tuyến thì đầu tư nuôi cá lồng ở khoảnh hồ nước trước ngọn đồi bố mẹ đang ở.

Anh hùng Hoàng Văn Khoáy

Hoàng Văn Khoáy sinh năm 1945, dân tộc Nùng, quê ở xã Thụy Hùng, H.Thạch An, Cao Bằng. Khi được tuyên dương anh hùng là thiếu úy, đại đội phó Đại đội 3, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Cao Bằng (nay là Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng).

Anh hùng Hoàng Văn Khoáy khi là thiếu tá, phó tiểu đoàn trưởng

Anh hùng Hoàng Văn Khoáy khi là thiếu tá, phó tiểu đoàn trưởng

Từ năm 1969 đến 1975, Hoàng Văn Khoáy lập nhiều chiến công trong các trận chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Là thương binh, sau ngày thống nhất, ông tình nguyện sang Công an nhân dân vũ trang, trực tiếp nham gia bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc.

Anh hùng Hoàng Văn Khoáy (trái) với các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp

Anh hùng Hoàng Văn Khoáy (trái) với các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp

Ngày 18.2.1979, Hoàng Văn Khoáy chỉ huy một trung đội chi viện cho phân đội giữ chốt Chông Mu (thuộc xã Đình Phong, H.Trùng Khánh), phá tan kế hoạch bao vây và làm tan rã 1 tiểu toàn địch.

Ngày 3.3.1979, Hoàng Văn Khoáy chỉ huy lực lượng phối thuộc, chặn đánh mũi càn quét của địch vào xã Thắng Lợi, H.Trùng Khánh…

Anh hùng Hoàng Văn Khoáy và con trai Hoàng Văn Việt, năm 2017

Anh hùng Hoàng Văn Khoáy và con trai Hoàng Văn Việt, năm 2017

Sau khi được phong anh hùng, Hoàng Văn Khoáy công tác ở Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng, đeo quân hàm thiếu tá - phó tiểu đoàn trưởng cơ động huấn luyện. Năm 1987 nghỉ hưu, anh hùng Hoàng Văn Khoáy về quê vợ ở xã Phú Hòa, H.Lương Tài, Bắc Ninh.

Ngày 8.4.2021, anh hùng Hoàng Văn Khoáy qua đời.

Khu vực đặt mốc giới số 108 (2) ở Bản Lầu, Mường Khương, Lào Cai, cách đây 45 năm là nơi giao tranh ác liệt trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc

Khu vực đặt mốc giới số 108 (2) ở Bản Lầu, Mường Khương, Lào Cai, cách đây 45 năm là nơi giao tranh ác liệt trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc

Có thể bạn quan tâm