Phóng sự - Ký sự

Tìm lại những anh hùng: Những chiến sĩ Công an Lạng Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chúng tôi có may mắn vài lần gặp ông, đi với ông, nên những câu chuyện về ông đều là chuyện ít người biết. Những ngày đầu tháng 2.2024 này, ở tuổi 65 ông vẫn mạnh khỏe cường tráng và lái xe hơi chạy khắp nơi, làm việc thiện.

Có chết cũng phải cứu dân

Sinh năm 1959, là người dân tộc Nùng, mới 5 tuổi, cậu bé Triệu Văn Điện đã mồ côi mẹ. Năm 14 tuổi, quãng thời gian đi trọ học ngoài huyện của cậu bé, cơ hàn vất vả, đói rét.

Giữa năm 1978, địa phương tuyển quân, Triệu Văn Điện xung phong nhập ngũ, nhưng lãnh đạo xã không đồng ý: "Đang học lớp 7, chuẩn bị lên cấp 3, phải giữ lại để sau này đi học thủy lợi về giúp quê hương". Suốt mấy tháng trời xin xỏ, cuối cùng anh Điện cũng được xét vào cảnh sát bảo vệ cơ động.

Anh hùng Triệu Văn Điện nhận quà lưu niệm từ Báo Thanh Niên

Anh hùng Triệu Văn Điện nhận quà lưu niệm từ Báo Thanh Niên

Ngày 10.10.1978, chàng trai Triệu Văn Điện nhập ngũ vào tiểu đoàn cảnh sát bảo vệ cơ động (Công an tỉnh Cao Lạng), sang huấn luyện ở thị trấn Nước Hai, Hòa An, Cao Bằng.

Cuối tháng 12.1978, tình hình biên giới phía Bắc căng thẳng, tỉnh Cao Lạng được chia tách, tái lập lại Lạng Sơn và Cao Bằng, khóa tân binh của Triệu Văn Điện được đưa về Công an tỉnh Lạng Sơn và lên ngay thị trấn Đồng Đăng (H.Cao Lộc) làm nhiệm vụ, khi chưa huấn luyện xong.

"Nhiệm vụ của chúng tôi là giữ gìn an ninh trật tự, vận động người Hoa kiều đang dồn ứ ở khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, nên trang bị rất sơ sài. Cả đơn vị chỉ có 3 khẩu súng AK, còn lại là K50 băng tròn. Hỏa lực duy nhất là khẩu súng trung liên M60", ông Điện rành mạch: "Khẩu trung liên được giao cho tôi. Sau chiến tranh biên giới, khẩu súng được trưng bày ở Bảo tàng Công an nhân dân và nay thì đã cất trong kho lưu giữ".

Tài liệu ghi lại: Trong trận chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc ngày 17.2.1979, khi địch ồ ạt tiến công vào thị trấn Đồng Đăng, Triệu Văn Điện đã linh hoạt, mưu trí chiếm lĩnh điểm cao, lợi dụng địa hình, địa vật và đã góp phần bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch, giữ vững trận địa.

Khi bị địch bao vây, Triệu Văn Điện đã dũng cảm mở đường vượt vòng vây, cõng 1 thương binh nặng, dìu 1 đồng đội trong 4 ngày đêm vượt hơn chục cây số đường rừng về tuyến sau an toàn… Ngày 13.8.1980, Triệu Văn Điện được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Những dấu tích chiến tranh cách đây 45 năm, giờ là chỗ vui chơi của con trẻ

Những dấu tích chiến tranh cách đây 45 năm, giờ là chỗ vui chơi của con trẻ

"Khi pháo bên kia biên giới bắn sang, chúng tôi vẫn không biết là họ tấn công, cứ nghĩ là đốt pháo. Lúc nhận lệnh về khu vực Đền Mẫu (thị trấn Đồng Đăng) giúp dân vào hang trú ẩn, mới biết là lính Trung Quốc đánh ta", anh hùng Triệu Văn Điện nhớ lại.

Anh hùng Triệu Văn Điện kể: Cầm cự từ sáng 17.2 đến ngày hôm sau thì hết đạn. Đêm 18.2.1979, chúng tôi được lệnh đưa gần 500 người dân trú ẩn trong hang, tìm đường trong vòng vây quân địch về phía sau.

Riêng binh nhì Triệu Quang Điện, trong 4 ngày đêm đã cõng tiểu đội trưởng Hà Sỹ Điềm bị thương nặng và dẫn thương binh nhẹ Phùng Văn Hiền (sau này là cán bộ Công an H.Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) về hậu cứ an toàn.

"Lúc ấy mình chỉ nặng 53 kg, mấy ngày kiệt sức vì đánh nhau, không cơm ăn nước uống, nhưng vẫn cố sức vì nghĩ: Không thể để anh em chết trước mắt", ông Điện kể.

Anh hùng Triệu Văn Điện thăm đồng đội cùng chiến đấu tháng 2.1979

Anh hùng Triệu Văn Điện thăm đồng đội cùng chiến đấu tháng 2.1979

Lên thượng sĩ thích hơn… anh hùng

Sau trận chiến đấu tháng 2.1979, chiến sĩ Triệu Văn Điện thích nhất là được phong quân hàm vượt cấp từ binh nhì lên trung sĩ. Khi được cấp trên yêu cầu viết báo cáo thành tích để phong anh hùng, Triệu Văn Điện còn ngại: "Hay là cho em thêm cấp nữa lên thượng sĩ, chứ làm anh hùng thì không biết đâu".

Cuối năm 1980, trung sĩ Triệu Văn Điện nhận lệnh: "Ăn mặc tươm tất, xuống Hà Nội nhận danh hiệu anh hùng". Đôn đáo cả ngày, anh mới mượn được đôi giày vải, chiếc mũ cứng và bộ quân phục, để xuống Hà Nội.

Sau khi nhận danh hiệu, anh hùng Triệu Văn Điện phải đi học hết lớp 8, 9, 10 (hệ 10 năm), sau đó hoàn thiện hệ trung cấp tại Công an Lạng Sơn, từ 1983 - 1984. Tháng 9.1984, thiếu úy Triệu Văn Điện về Suối Hai, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) học lớp chuyên tu 9A chuyên ngành điều tra tội phạm của Đại học Cảnh sát (nay là Học viện Cảnh sát nhân dân). Tháng 9.1988, Triệu Văn Điện tốt nghiệp, về công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lạng Sơn và trưởng thành từ trinh sát, đội trưởng lên phó trưởng phòng.

Từ 1992 - 2002, anh hùng Triệu Văn Điện là Trưởng phòng Cảnh sát hình sự. Từ 2002 - 2010, ông là Trưởng phòng Cảnh sát cơ động. Từ 2010 - 2017, ông là Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Lạng Sơn. Ngày 1.3.2017, anh hùng Triệu Văn Điện nghỉ hưu với quân hàm đại tá.

Một góc công sự chiến đấu còn sót lại ở pháo đài Đồng Đăng

Một góc công sự chiến đấu còn sót lại ở pháo đài Đồng Đăng

Gần 40 năm công tác trong lực lượng Công an tỉnh Lạng Sơn, anh hùng Triệu Văn Điện không chỉ nổi danh vì danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang khi mới 21 tuổi, mà tên ông còn gắn liền với những thành tích trấn áp tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự vùng biên.

Thời gian ông công tác, tập thể Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn đã 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Riêng đại tá Triệu Văn Điện, được tặng 2 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 2 bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an.

Nghỉ hưu, đại tá Triệu Văn Điện tập trung kế thừa, bảo tồn, phát huy, phát triển các bài thuốc quý và phương pháp chữa bỏng rất hữu hiệu của đồng bào dân tộc Nùng. Từ năm 2019 đến nay, đại tá - lương y Triệu Văn Điện đã chữa khỏi cho hàng chục bệnh nhân bị bỏng nặng, trong đó có nhiều cháu nhỏ…

Ga Đồng Đăng, nhìn từ trên pháo đài

Ga Đồng Đăng, nhìn từ trên pháo đài

Ông Trần Văn Tuyến, Chủ tịch Hội Đông y Lạng Sơn cho biết: "Các bài thuốc của anh hùng Triệu Văn Điện rất dễ sử dụng và có hiệu năng cao do được pha chế đóng chai, giúp người bệnh tự chữa trị khi bị bỏng, dù nhẹ hay nặng".

Ít ai biết, mấy chục năm nay, cứ trước ngày 17.2, ông Điện tự tìm đến các gia đình liệt sĩ, anh em đồng đội đã cùng sát cánh chiến đấu vào tháng 2.1979, thăm hỏi động viên, tặng quà từ tiền cá nhân. Tháng 2.2024 này - 45 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17.2.1979 - 17.2.2024), ông vừa huy động kinh phí để làm lại mái nhà cho tiểu đội trưởng của mình, năm xưa.

'Hãy cắt chân tôi đi cho đỡ vướng'

Anh hùng Hoàng Văn Trai, sinh 1959, dân tộc Nùng, quê ở xã Thụy Hùng, H.Cao Lộc, Lạng Sơn. Khi hy sinh, là tiểu đội trưởng, thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn Cảnh sát bảo vệ cơ động, Công an tỉnh Lạng Sơn.

Bàn thờ anh hùng - liệt sĩ Hoàng Văn Trai tại gia đình

Bàn thờ anh hùng - liệt sĩ Hoàng Văn Trai tại gia đình

Sau khi học Trường công an Cao Lạng, Hoàng Văn Trai về công tác ở huyện Bảo Lạc và Quảng Hà. Mặc dù địa bàn mới lạ, khó khăn, hiểm trở, ông vẫn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Khi chiến tranh biên giới sắp nổ ra, ông về tiểu đoàn cảnh sát bảo vệ cơ động, được đề bạt tiểu đội trưởng.

Sáng 17.2.1979, địch tấn công vào thị trấn Đồng Đăng (Lạng Sơn), ông chỉ huy tiểu đội đưa dân đi sơ tán, di chuyển và bảo vệ tài sản của nhà nước và người dân về nơi an toàn.

Phần mộ của liệt sĩ Hoàng Văn Trai tại Nghĩa trang liệt sĩ H.Cao Lộc (Lạng Sơn)

Phần mộ của liệt sĩ Hoàng Văn Trai tại Nghĩa trang liệt sĩ H.Cao Lộc (Lạng Sơn)

Ngày 18.2.1979, Hoàng Văn Trai cùng đồng đội bám chốt đánh lui hàng chục đợt tiến công của địch. Khi bị thương ở chân, ông yêu cầu đồng đội: "Hãy cắt chân tôi đi cho đỡ vướng" và tiếp tục chiến đấu. Do vết thương quá nặng, ông hy sinh ngay tại chiến hào.

Ngày 13.8.1980, liệt sĩ Hoàng Văn Trai được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Không được bỏ lại thương binh

Anh hùng Hoàng Văn Liên sinh năm 1959, dân tộc Nùng, quê ở xã Thiên Long, H.Bình Gia, Lạng Sơn. Khi được tuyên dương anh hùng, ông là Tiểu đội trưởng, Tiểu đoàn Cảnh sát bảo vệ cơ động, Công an tỉnh Lạng Sơn.

Vết đạn pháo vẫn còn in dấu trên tường pháo đài Đồng Đăng

Vết đạn pháo vẫn còn in dấu trên tường pháo đài Đồng Đăng

Sau khi tốt nghiệp Trường công an Cao Lạng, tháng 1.1979, Hoàng Văn Liên được điều về Đại đội 1, Tiểu đoàn Cảnh sát bảo vệ cơ động, Công an tỉnh Lạng Sơn. Là chỉ huy tiểu đội, ông luôn gương mẫu, có tinh thần trách nhiệm cao, dũng cảm mưu trí trong chiến đấu.

Ngày 17.2.1979, Hoàng Văn Liên cùng đồng đội chiến đấu chặn địch, đưa dân vượt vòng vây về phía sau an toàn.

Trong cuộc chiến đấu kéo dài nhiều ngày ở pháo đài Đồng Đăng, ta bị địch bao vây, dùng chất độc hóa học, đổ xăng đốt nhằm tiêu diệt lực lượng. Hoàng Văn Liên và nhiều anh em khác bị thương nặng, ngất đi tỉnh lại nhiều lần, nhưng vẫn kiên quyết chống trả địch, dùng lưỡi lê và tay không đào đường hầm bí mật thoát ra ngoài an toàn.

Lô cốt pháo đài Đồng Đăng bị đánh sập từ tháng 2.1979

Lô cốt pháo đài Đồng Đăng bị đánh sập từ tháng 2.1979

Khi quân ta thoát ra ngoài, phát hiện 1 thương binh còn nằm lại bên trong pháo đài, bất chấp nguy hiểm, ông vẫn dũng cảm quay trở lại đưa đồng đội ra ngoài an toàn.

Ngày 13.8.1980, Hoàng Văn Liên được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Dùng lưỡi lê đào hầm ngầm

Anh hùng Phan Tiến Dũng sinh năm 1960, dân tộc Tày, quê ở xã Quốc Việt, H.Tràng Định, Lạng Sơn. Khi được tuyên dương anh hùng là tiểu đội trưởng thuộc Tiểu đoàn Cảnh sát bảo vệ cơ động, Công an tỉnh Lạng Sơn.

Phan Tiến Dũng xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, vừa học hết lớp 7 phổ thông (10.1978) đã xung phong nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội 1, Tiểu đoàn Cảnh sát bảo vệ cơ động, Công an tỉnh Lạng Sơn.

PV Báo Thanh Niên trao quà tặng tới anh hùng Phan Tiến Dũng

PV Báo Thanh Niên trao quà tặng tới anh hùng Phan Tiến Dũng

Ngày 17.2.1979, ông vừa ngăn chặn địch, vừa hướng dẫn, bảo vệ dân vượt qua pháo kích của địch tại Đồng Đăng.

Sau đó, Phan Tiến Dũng còn cõng 2 thương binh vượt qua làn đạn địch về phía sau cấp cứu. Ông đã cùng đồng đội cố thủ nhiều ngày trong pháo đài Đồng Đăng. Tuy phải ăn gạo, mì sống, uống nước vũng hôi thối, thiếu không khí, ánh sáng…, ông vẫn chiến đấu dũng cảm, dùng lưỡi lê, tay không bới đường hầm bí mật thoát ra ngoài an toàn khi địch dùng chất hóa học, xăng định tiêu diệt toàn bộ lực lượng ta trong pháo đài.

Ngày 13.8.1980, Phan Tiến Dũng được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Có thể bạn quan tâm