Thượng úy 25 tuổi
Theo giấy báo tử số 03-CB do thượng tá Nguyễn Ngọc San (khi đó là Phó chính ủy Sư đoàn 3) ký ngày 25.5.1979, thì anh hùng Hoàng Quý Nam (quê xã Thọ Xương, H.Thọ Xuân, Thanh Hóa), sinh ngày 18.5.1954, cấp bậc thượng úy và hy sinh ngày 22.2.1979.
Bà Hoàng Thị Hà (em gái anh hùng liệt sĩ Hoàng Quý Nam) rành mạch: Bố tôi là Hoàng Quý Châu và mẹ Hà Thị Tiến sinh được 4 người con. Chị cả sinh 1950 (mất 1981), chị thứ 2 sinh 1952 anh Nam thứ 3 là con trai độc nhất sinh năm 1954 và út là tôi, sinh 1961.
Di ảnh anh hùng - liệt sĩ Hoàng Quý Nam |
Nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi, chiến sĩ Hoàng Quý Nam vào miền Nam chiến đấu trong đội hình Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 (thời điểm đó là đơn vị chủ lực của Quân khu 5, hoạt động chủ yếu ở các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk).
Bà Hà mở tủ đưa tôi xem các di vật liệt sĩ: Giấy khen thành tích chiến đấu trong trận đánh Núi Một (Hoài Ân, Bình Định) tháng 10.1974, giấy khen chiến đấu trong chiến dịch thu năm 1974, bằng khen hoàn thành nhiệm vụ năm 1976… do thượng tá Nguyễn Khắc Hào (khi đó là Chính ủy Sư đoàn 3) ký…
Giấy khen của Sư đoàn 3 tặng cho chiến sĩ Hoàng Quý Nam do đã có thành tích chiến đấu trong chiến dịch thu 1974 |
Chiến sĩ Hoàng Quý Nam vào miền Nam chiến đấu chưa lâu thì ở quê nhà, bố anh và chị gái thứ 2 mất trong vòng chưa đầy 2 tháng vì dịch tả. Sau ngày thống nhất 30.4.1975, đơn vị anh Nam đóng quân ở Bình Định và tháng 6.1976 được điều ra Bắc, trực thuộc Quân khu 3 vừa làm nhiệm vụ kinh tế, vừa sẵn sàng chiến đấu.
Thời điểm này, anh Nam đã được cử đi học Trường Sĩ quan lục quân 1 (nay là Đại học Trần Quốc Tuấn) và cưới vợ là y tá Trịnh Thị Quảng. Cuối 1977, Hoàng Quý Nam tốt nghiệp, về lại Sư đoàn 3, được phong vượt cấp lên thượng úy - đại đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12. Tháng 7.1978, Sư đoàn 3 về Quân khu 1 làm nhiệm vụ phòng thủ Lạng Sơn.
"Hồi ấy, anh Nam nổi tiếng cả huyện vì 25 tuổi đã đeo hàm thượng úy. Anh hy sinh ngày 22.2.1979 và gia đình biết tin qua câu chuyện trên đài Tiếng nói Việt Nam. Giấy báo tử ký ngày 25.5.1979 nhưng cuối năm 1979, gia đình mới nhận được. Năm 1995, Sư đoàn 3 tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày thành lập và cho xe đón gia đình ra Lạng Sơn. Lúc ấy cả nhà mới có điều kiện lên thăm mộ anh nằm ở Nghĩa trang liệt sĩ H.Cao Lộc", chị Hà kể vậy.
Bà Hoàng Thị Hà (em gái liệt sĩ Hoàng Quý Nam) với tấm bằng Tổ quốc ghi công của anh trai |
Xé vòng vây vào với anh em
3 giờ 30 sáng thứ bảy, ngày 17.2.1979, pháo binh Trung Quốc đồng loạt bắn phá các huyện Trà Lĩnh, Hà Quảng, Quảng Hòa (Cao Bằng). Ngay lập tức, cán bộ chủ trì các cấp đang tập huấn ở Sư đoàn 3 và Quân khu 1 được lệnh về ngay đơn vị. Trong số đó, có thượng úy Hoàng Quý Nam.
Trưa 17.2.1979, về đến tiểu đoàn nhưng chỉ thấy mấy chiến sĩ nuôi quân đang nấu cơm, Hoàng Quý Nam mượn 1 khẩu AK và cùng cấp dưới của mình là trung đội trưởng Phạm Hồng Minh ngược lên điểm cao. Vừa tới ngã tư đường sắt cắt đường 1B thì gặp 3 chiếc xe tăng địch đang bắn phá trường cấp 1. Hoàng Quý Nam lại hỏi mượn mượn khẩu B.40 và 3 quả đạn của 1 đơn vị bạn đang phòng ngự ven suối, chạy vòng đón đầu và bắn 2 quả đạn, diệt 2 xe tăng địch. Quả đạn thứ 3 bị hỏng, nên chiếc tăng còn lại chạy thoát.
Sau 3 ngày 2 đêm len lỏi qua vòng vây của địch, đêm 19.2.1979, đại đội trưởng Hoàng Quý Nam và trung đội trưởng Phạm Hồng Minh mới lên được pháo đài Đồng Đăng và điều chỉnh lực lượng, thống nhất phương án chốt giữ.
Ngày 20.2.1979, địch dùng thủ đoạn đánh dần từng bước (thay cho việc đánh ào ạt) và mục tiêu đầu tiên là pháo đài. Hoàng Quý Nam chỉ huy đơn vị kiên cường đánh trả, bắn cháy 2 xe tăng, 1 xe kéo pháo...
Khu vực tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ đại đội 42 đã hy sinh trong khi bảo vệ pháo đài Đồng Đăng, tháng 2.1979 |
Ngày 21.9, địch dồn quân quanh pháo đài và bắn pháo dữ dội hơn. Hoàng Quý Nam chỉ huy ở trận địa hỏa lực chiến đấu, và hy sinh anh dũng ở tuổi 25.
Sau khi Hoàng Quý Nam hy sinh, địch liên tục tấn công và chiếm được mỏm đồi phía tây - bắc pháo đài của ta. Vào ngày cuối cùng, trung đội trưởng Phạm Hồng Minh thay thế Hoàng Quý Nam chỉ huy đại đội, đã huy động toàn bộ lực lượng bám giữ pháo đài. Không chỉ đánh giáp lá cà, có lúc phải gọi pháo ta bắn trùm lên pháo đài để đẩy lùi địch. Một số thương binh nặng cũng dốc sức chiến đấu. Mọi người xác định: "Thà chết chứ không để địch bắt sống".
Sau nhiều lần tấn công bằng súng phun lửa, địch đã tràn lên được bề mặt pháo đài và dùng bộc phá đánh sập cửa chính, dùng súng phun lửa, thả lựu đạn, bắn đạn hóa chất độc vào các lỗ thông hơi, giết hết mọi người. Chỉ một số chiến sĩ bị thương nhẹ, dưới sự chỉ huy của trung đội trưởng Phạm Hồng Minh đã mở đường máu, rút ra khỏi pháo đài về tuyến sau…
Những ngày đầu tháng 2.2024, chúng tôi quay trở lại Lạng Sơn, vào Nghĩa trang liệt sĩ H.Cao Lộc, vẫn thấy phần mộ liệt sĩ ghi "liệt sĩ Hoàng Quý Nam, sinh năm 1954, nguyên quán Thọ Xương, Thanh Hóa; thượng úy - đại đội trưởng; đơn vị D4E12F3, hy sinh ngày 22.2.1979"…
Chiếc khăn xanh dành tặng người yêu
Chúng tôi về xã Tế Nông, H.Nông Cống, Thanh Hóa tìm gia đình anh hùng liệt sĩ Phan Bá Mạnh. Anh Lê Hùng Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Tế Nông rất nhiệt thành giúp đỡ, đưa đến tận thôn Hợp Nhất, vào căn nhà cấp 4 xưa cũ cạnh cánh đồng lúa: "Em trai Phan Bá Cường đang thờ cúng liệt sĩ Phan Bá Mạnh".
Di ảnh anh hùng - liệt sĩ Phan Bá Mạnh |
Trong giấy chứng nhận trúng tuyển kỳ thi hết cấp 2 phổ thông, do ông Mai Ngân (Trưởng ty giáo dục tỉnh Thanh Hóa) cấp 15.6.1970, thì anh Phan Bá Mạnh sinh ngày 15.12.1955. Tuy nhiên, trong giấy báo tử số 003, do thượng tá Nguyễn Ngọc San (khi đó là Phó chính ủy Sư đoàn 3) ký ngày 25.2.1979 thì ghi: Sinh 1952, nhập ngũ 12.1972, hy sinh ngày 27.2.1979 tại xã Thụy Hùng A, H.Văn Lãng, Lạng Sơn. Chôn cất tại Nghĩa trang liệt sĩ địa chất Tam Lung.
Biên bản kiểm kê di vật liệt sĩ của anh hùng Phan Bá Mạnh |
Hy sinh ngày 27.2.1979, nhưng hơn nửa năm sau, đầu tháng 2.1980, giấy báo tử mới đến nơi, để gia đình và địa phương chính thức làm lễ truy điệu. Di vật của liệt sĩ Phan Bá Mạnh gửi về Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nông Cống nặng 2,5 kg, gồm quần - áo - gối chăn - màn - sổ tay, mỗi thứ chỉ còn 1 chiếc. Ngoài ra còn 1 khăn len màu mận chín do người yêu tặng và số tiền 318 đồng 9 hào, anh dành định gửi cho mẹ.
Ông Phan Bá Cường (sinh 1965, em trai đang thờ cúng anh hùng - liệt sĩ Phan Bá Mạnh) kể: Ông Phan Bá Hưng và bà Đỗ Thị Miễn sinh được 8 người con, anh Mạnh là con thứ 3. Anh Mạnh nhập ngũ tháng 12.1972. Sau ngày thống nhất 30.4.1975, anh ra Bắc học sĩ quan. Tốt nghiệp Trường Sĩ quan lục quân 1 (nay là Đại học Trần Quốc Tuấn), anh được phong vượt cấp lên thượng úy và làm Đại đội trưởng Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3.
Giấy báo tử anh hùng - liệt sĩ Phan Bá Mạnh |
"Đầu năm 1979, gia đình dự kiến tổ chức đám cưới cho anh Mạnh và chị Nguyễn Thị Châu, là y tá ở Bệnh viện thị xã Thanh Hóa (nay là Bệnh viện đa khoa TP.Thanh Hóa. Nhưng do tình hình biên giới căng thẳng, anh Mạnh không được về phép, nên đám cưới hoãn lại và chiếc khăn len di vật là chị Châu gửi lên biên giới cho anh", ông Cường nhớ lại vậy và kể: "Cuối năm 2008, gia đình đã lên Lạng Sơn, đưa phần mộ anh về quê nhà".
Các cựu chiến binh Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 kể lại: Ngày 22.12.1979, sau khi mất các điểm cao trên hướng chủ yếu Đồng Đăng, Sư đoàn 3 lập trận địa mới ở hướng đường 1B (Nà Pia - Lũng Pảng).
Sáng 23.2, phía Trung Quốc đánh vào khu vực phòng ngự của Sư đoàn 3 Sao Vàng ở Tam Lung. Sau khi bắn đạn thật, pháo binh Trung Quốc chuyển sang bắn đạn giấy, để bộ binh tràn lên hòng bất ngờ đánh chiếm Phai Môn - mắt xích trọng yếu trong trận địa phòng ngự bảo vệ Lạng Sơn của sư đoàn.
Ông Phan Bá Cường, em trai liệt sĩ Phan Bá Mạnh |
Tuy nhiên, chiêu trò này đã bị bộ đội ta phát hiện. Đại đội 10 (Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3) chốt giữ trên điểm cao, đã đồng loạt nổ súng.
14 giờ, địch được bổ sung lực lượng, điên cuồng tấn công lên Phai Môn. Giữa bốn bề là địch, Đại đội 10 dưới sự chỉ huy của đại đội trưởng Phan Bá Mạnh và chính trị viên Nguyễn Xuân Phúc đã bình tĩnh đánh trả các đượt tấn công của địch. Đại đội trưởng Phan Bá Mạnh anh dũng hy sinh. Chính trị viên Nguyễn Xuân Phúc thay thế, tiếp tục chỉ huy đơn vị đánh hất địch xuống chân đồi, giữ vững trận địa.
Anh hùng nghỉ hưu ở tuổi 38
Anh hùng Kiều Xuân Thành sinh ngày 19.5.1955, tại xã Nhân Mỹ, Lý Nhân, Hà Nam. Học đến lớp 7, ông nhập ngũ vào Sư đoàn 316, Quân khu 2 và cuối 1974 hành quân vào phía Nam, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, vào Sài Gòn đúng 30.4.1975.
Đầu năm 1977, Trung đoàn 98 hành quân từ căn cứ Lai Khê (Bến Cát, Bình Dương) ra đóng quân ở Bình Lư (Lai Châu), bảo vệ biên giới phía Bắc.
"Ngày 17.2.1979, khi Trung Quốc đánh sang, chúng tôi mới chỉ được nghe loáng thoáng. Mãi đêm 26.2, nhận lệnh hành quân cơ giới từ Bình Lư lên Phong Thổ, mới biết là mình lên thay đơn vị bạn, giữ điểm cao 805 nằm trên trục đường từ cửa khẩu Ma Lù Thàng về thị trấn Phong Thổ", anh hùng Kiều Xuân Thành nhớ lại.
Kiên cường chiến đấu, Kiều Xuân Thành bị thương do đạn pháo, nằm trong số 16 thương binh của trung đội, được chuyển ngay về phía sau cấp cứu. Sau 6 tháng điều trị tại Bệnh viện 109 (Quân khu 2), anh được xác định mất 42% sức khỏe và lại đưa sang Đoàn an dưỡng 235 ở Hương Canh, Vĩnh Phúc.
Anh hùng Kiều Xuân Thành nghỉ hưu khi mới 38 tuổi |
Khi được phong danh hiệu anh hùng, trung sĩ Kiều Xuân Thành vẫn đang điều trị và ông bố Kiều Xuân Nghị, phải từ Hà Nam lên nhận thay.
Tháng 5.1980, Kiều Xuân Thành được phong quân hàm chuẩn úy, đi học hoàn thiện văn hóa cấp 3 ở Tuyên Quang. Tháng 6.1982, anh được phong hàm thiếu úy, Chính trị viên Đại đội 6, Tiểu đoàn 8. Từ 1986 - 1988, Kiều Xuân Thành làm trợ lý tuyên huấn của Trung đoàn 98. Từ 1988 - 1989, đại úy Kiều Xuân Thành làm trợ lý chính sách, tham gia chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên.
Kỷ vật duy nhất mà anh hùng Kiều Xuân Thành còn giữ được là chiếc cặp da được tặng khi phong danh hiệu anh hùng |
Năm 1990, Kiều Xuân Thành xin chuyển công tác về Ban Chỉ huy Quân sự H.Lý Nhân, Hà Nam. Sau 3 năm đánh vật với đủ mọi công việc của trợ lý chính trị, ông làm đơn và được nghỉ hưu ở tuổi 38, với quân hàm thiếu tá.
Rời quân ngũ về quê, ông cương quyết từ chối tham gia các chức vụ địa phương mời gọi, tập trung vào việc nuôi gà, trông coi ao cá. Do thương binh sức khỏe yếu, lại không có kinh nghiệm, nên việc "làm kinh tế" của ông, đa phần là thất bại, gia đình phải cho tiền để trả nợ. Mãi về sau, ông mới tham gia công tác cựu chiến binh và do có uy tín, được bà con quý mến, nên ngân hàng chính sách xã hội địa phương mời ông tham gia... "tổ vay vốn".
Anh hùng Kiều Xuân Thành với món quà tặng của Báo Thanh Niên, tháng 2.2024 |
Năm 2000, anh hùng Kiều Xuân Thành mới cưới vợ và sinh đôi 2 cô con gái. Một cô học ngành điều dưỡng, ra trường không có việc làm, nên chuyển sang bán hàng trên mạng. Cô còn lại tốt nghiệp đại học - chuyên ngành tiếng Trung, làm phiên dịch cho công ty tư nhân.
Chia tay tôi, ông bảo: "Tớ vẫn là lao động chính trong nhà đấy" và cười giải thích: "2 đứa con vẫn xin tiền sinh hoạt. Vợ thì làm công nhân may dưới Phủ Lý, lương tháng 5 triệu"...