Phóng sự - Ký sự

Tình mẹ không biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thêm 'đứa con' là nữ sinh viên đến từ nước bạn Lào, các bà mẹ ở đất Đà thành lại thêm phần trách nhiệm, lo lắng nhưng chưa bao giờ thấy đó là gánh nặng.
Những cô gái Lào mang tên Việt
Biết có khách đến thăm, từ nhà dưới, Vongaloun Thipdavanh (lưu học sinh đang học tiếng Việt tại Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) nhanh nhảu bê đĩa trái cây lên mời. Cô gái vừa tròn 18 tuổi này đến từ tỉnh Luaongphabang (Lào). Cô vừa được bà Lưu Thị Nghĩa (Chủ tịch Hội LHPN P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu) nhận làm con vào cuối tháng 6.
“Chi ơi, con lấy giúp mẹ thêm ly nước để mời các anh”, bà Nghĩa nhờ con gái. Thấy tôi ngạc nhiên về cách gọi tên, bà Nghĩa lý giải: “Từ ngày nhận Thipdavanh làm con thông qua mô hình “Người mẹ thứ 2”, tôi lấy họ của mình làm họ của cháu và đặt một tên thân mật mới. Tên cháu giờ là Lưu Thị Chi”.

Gia đình mẹ Nguyện đến thăm và chúc Tết Bunpimay các con nuôi người Lào. Ảnh: S.X
Gia đình mẹ Nguyện đến thăm và chúc Tết Bunpimay các con nuôi người Lào. Ảnh: S.X
“Người mẹ thứ 2” là mô hình do Hội LHPN P.Hòa Khánh Nam thực hiện từ tháng 3.2019. Ngay từ khi các sinh viên (SV) Lào đến Đà Nẵng học tập, Hội LHPN phường đã làm việc với hội viên để đón các em đến với gia đình như một thành viên.
Trong đợt 1 vào năm 2019, có 22 SV Lào được 11 bà mẹ Việt nhận làm con. Đợt 2 tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua, thêm 26 SV nữa được những “Người mẹ thứ 2” dang rộng vòng tay bao bọc. Đa phần các mẹ đều lớn tuổi, nên để dễ nhớ, dễ gọi, họ đặt tên thân mật cho các con. Ngoài Chi, mẹ Nghĩa cũng nhận Keonunchan Kenvalin (21 tuổi) làm con với tên Châu. Trước Châu và Chi, mẹ Nghĩa đã nhận 2 SV khác và đặt tên là Trang và Linh.
Mẹ Trần Thị Nguyện (66 tuổi) lại đặt tên các con của mình theo tên những loài hoa. Năm 2019, khi nhận 2 con gái Khambai (SV Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng) và Nita (SV Trường ĐH Bách khoa), mẹ Nguyện đã đặt tên là Cúc và Hồng. Mới đây, ngay bữa cơm ra mắt 2 thành viên mới của gia đình là Lodjana Antany và Boudsana Onchan, mẹ Nguyện đặt tên lần lượt là Đào, Mai.
“Nghe mẹ gọi tên tiếng Việt, em vui lắm! Em có cảm giác gần gũi như ở quê nhà được người thân gọi tên thật của mình vậy”, Lưu Thị Chi tuy khó nhọc diễn đạt vì tiếng Việt chưa tốt nhưng mỗi câu nói đều toát lên sự chân thành.
“Mẹ ơi, con ốm rồi…”
Chi kể, những ngày đầu mới qua Việt Nam, lạ môi trường, lối sống… nên rất nhớ nhà. May thay, khi gặp mẹ Nghĩa, hằng ngày Chi được mẹ quan tâm, động viên; nhờ đó mà cô đã mạnh dạn trút bầu tâm sự với mẹ. Đôi lúc có chút khó khăn vì Chi chưa rành tiếng Việt nhưng cả hai đều cố gắng tìm được cách hiểu chung.
Bà Nghĩa góp chuyện: “Chi tuy mới đến Đà Nẵng nhưng tiếng Việt vậy là khá lắm rồi. Hồi mới nhận Linh và Trang, tôi nói chuyện với 2 con mà… mỏi cả tay vì cứ “múa” liên tục để làm sao cho hai đứa hiểu. Làm mẹ muốn hiểu con thì không cách nào tốt bằng phải thường xuyên nói chuyện”.
Cảm ơn những người mẹ Việt Nam
Phát biểu tại buổi giao lưu mô hình “Người mẹ thứ 2” giữa phụ nữ TP.Đà Nẵng và SV Lào vào ngày 4.7 vừa qua, Chủ tịch Hội LHPN Lào Inlavan Keobounphan chia sẻ rằng, buổi giao lưu mang nhiều ý nghĩa khi 2 nước đang hướng đến kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5.9.1962 - 5.9.2022) và 45 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (18.7.1977 - 18.7.2022).
Thay mặt phụ nữ Lào, bà Inlavan Keobounphan gửi lời cảm ơn chân thành đến những người mẹ Việt Nam, Hội LHPN TP.Đà Nẵng, Hội LHPN P.Hòa Khánh Nam đã tổ chức mô hình ý nghĩa này và dành cho SV Lào với sự giúp đỡ to lớn. “Chúng tôi cảm nhận được rằng, ở đâu những bà mẹ Việt Nam cũng luôn mở rộng vòng tay đầy thương yêu dành cho các SV Lào”, bà Inlavan Keobounphan nói.
Nói đoạn, bà Nghĩa cho biết có hẹn với nhóm bạn vào cuối giờ chiều, rồi giục Chi sửa soạn để đi cùng bà. Lộ trình của 2 mẹ con là đến chợ Hàn, chợ Cồn để mua sắm ít áo quần cho Chi rồi thưởng thức những món ẩm thực truyền thống.
Cũng giống như mẹ Nghĩa, tuy không đón các con về sống chung nhà nhưng trong thâm tâm mẹ Phạm Thị Phúc (trú tại đường Phạm Như Xương) lúc nào cũng có những đứa con người Lào. Lo cho con ruột thế nào thì bà cũng lo những những đứa con nuôi như thế. Nhớ nhất là những lần các con ốm đau, mẹ Phúc không thể nào chợp mắt vì lo. “Malisa Khounvongsa được tôi đặt tên là Xuân. Hồi mới sang vì không quen thời tiết, Xuân đau ốm miết. Cứ mỗi lần như thế, tôi lại đôn đáo đưa con đi bệnh viện, lo nấu cháo, mua đồ tẩm bổ cho con…”, mẹ Phúc nhớ lại.
Xuân năm nay là SViệt Namnăm thứ 4, Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng. Cô vẫn nhớ như in những ngày đầu bước chân sang Việt Nam với nhiều bỡ ngỡ. Vì thể trạng không tốt nên Xuân thường xuyên ốm đau. Người đầu tiên mà Xuân cậy nhờ chính là mẹ Phúc. “Em nghe giọng mẹ là báo tin liền: Mẹ ơi! Con ốm rồi… Thế là mẹ chạy tới ngay để đưa em đi bệnh viện. Đó là kỷ niệm mà em không bao giờ quên. Dù đi đâu, em cũng sẽ luôn nhớ về mẹ Phúc”, Xuân xúc động.

Các bà mẹ đưa con nuôi người Lào giao lưu với nhau nhằm thắt chặt tình cảm
Các bà mẹ đưa con nuôi người Lào giao lưu với nhau nhằm thắt chặt tình cảm
Những đứa con của bà Phúc cũng không bao giờ quên những ổ bánh mì, mì gói, đồ hộp… đầy ắp tình mẹ mà bà đã mang đến cư xá để tiếp tế trong những ngày đỉnh điểm chống dịch Covid-19 suốt 2 năm 2020 - 2021. Những bữa ăn gia đình cũng giúp 2 thành viên mới vừa tròn đôi mươi Vongkhamxao Latdaphone (tên thân mật là Lộc) và Chanthabandit Choulayphone (Phước) không thấy cô đơn ở xứ lạ. Sau bữa cơm đầm ấm từ cuối tháng 6, Phước và Lộc đã đến nhà mẹ Phúc thường xuyên hơn. Các em cũng dẫn bạn bè là những lưu học sinh Lào đến thăm mẹ. Nhà mẹ Phúc không khác gì tổ ấm của các em.
Nếp nhà trong gia đình Việt - Lào
Hiểu được văn hóa của nước bạn, mẹ Trần Thị Nguyện luôn tôn trọng ngôn ngữ và ứng xử của các con. Nhưng mẹ cũng nghiêm khắc khi đứa nào đến nhà mà không nói… tiếng Việt. Bà mong muốn các con sử dụng tiếng Việt trong lời nói hằng ngày để tiến bộ hơn, từ đó dễ dàng tiếp cận với bài giảng của thầy cô ở trường. “Còn nếu muốn nói tiếng Lào, các con có thể nói chuyện với “ba nó” - tức chồng tôi, Đào Trọng Sáu (67 tuổi). Ông là người thông thạo tiếng Lào nên mấy đứa ưng nói chuyện với ổng để hiểu sâu hơn về tiếng Việt”, bà Nguyện cười hiền.
Có gì thắc mắc, ông Đào Trọng Sáu sẵn sàng dùng tiếng Lào để cắt nghĩa. Ông cũng là người truyền thụ, giảng giải những nét văn hóa Việt cho các con. Ông khuyến khích các con tìm tòi, thích nghi văn hóa Việt nhưng cũng lưu ý các con gìn giữ nét truyền thống Lào. Bởi vậy mới có chuyện, bữa cơm nhà mẹ Nguyện “đa sắc màu”. Trên mâm có khi có cả mì Quảng, ram chiên, thịt kho… và cũng có cả món xôi, món sụm Lào cay xé lưỡi. Cả nhà vừa ăn vừa khám phá với những bỡ ngỡ thú vị đến từ văn hóa ẩm thực 2 nước.

Mẹ Trần Thị Nguyện cùng 4 đứa con nuôi người Lào trong trang phục áo dài truyền thống Việt Nam
Mẹ Trần Thị Nguyện cùng 4 đứa con nuôi người Lào trong trang phục áo dài truyền thống Việt Nam
“Mới đây, tôi gọi 4 đứa con về nhà rồi tặng 4 bộ áo dài truyền thống của Việt Nam. Nhìn chúng nó vừa mừng vừa lóng ngóng, lòng tôi lại rưng rưng”, mẹ Nguyện trải lòng. Còn mẹ Phạm Thị Phúc xúc động đến bật khóc khi nhận được bó hoa tươi thắm của 2 cô con gái Lào là Xuân và Nhi. “Đó là sinh nhật của tôi. Tôi quên, nhưng chúng nó nhớ. Hai đứa làm tôi không kìm được nước mắt…”, mẹ Phúc kể lại. Hạnh phúc của những người mẹ Việt đôi khi chỉ giản đơn như vậy.
Xuân bảo rằng, tuy mẹ Phúc không sinh ra em nhưng luôn là người quan trọng. Nhớ đến ngày sinh của mẹ cũng là cách mà em thể hiện sự tri ân những gì đã đón nhận từ mẹ. “Xa gia đình qua Việt Nam học tập, em rất mừng vì có thêm người mẹ thứ 2. Mỗi lần đến nhà mẹ, em được học hỏi rất nhiều thứ, từ tiếng nói đến văn hóa, lối sống… của người Việt. Cả nhà mẹ khi nào cũng quan tâm khiến em thấy ấm lòng lắm”, Xuân trải lòng.
Theo Hoàng Sơn (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm