Đàn cá sông ken đặc rủ nhau vùng vẫy làm nước bắn tung tóe, chộn rộn cả một khúc sông. Cảnh hàng ngàn con cá tự nhiên lớn nhỏ chen nhau há miệng đợi thức ăn khiến người dân miệt châu thổ hoài niệm lại mùa lũ xưa với cá lềnh đồng, khẳm ghe.
Đàn cá tra khoảng 10 tấn của ông Đặng được nhiều khách tới tham quan - Ảnh: THÀNH NHƠN |
"Cá nuôi không xiệt điện". "Cá nuôi xin đừng bắt". Mấy dòng chữ nguệch ngoạc trên tấm bảng cắm giữa dòng kênh thay cho lời nhắn nhủ của người giữ cá.
Đàn cá tự nhiên như cảm nhận được tình cảm người chăm sóc nên không rời đi mà kéo đến ngày một đông hơn. Người và cá gắn bó, khăng khít đến khó tin.
Kết duyên với cá sông
Chuyện người phụ nữ đưa đò ngang kênh Nguyễn Văn Tiếp (xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) quyết tâm bảo vệ đàn cá sông đang được người dân bàn tán râm ran cả mấy tháng nay.
Hằng ngày, bà Nguyễn Thị Nhàn (59 tuổi, xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười) chăm sóc đàn cá như thể chăm con cháu trong nhà đến mức nhiều người khó tin phải đến tận nơi, nhìn tận mắt.
Sự thật, đàn cá đến với bà Nhàn như cái duyên, ban đầu chỉ tập trung vài con phía dưới khu vực cầu đò đưa khách sang sông.
Thấy thương, bà hay gõ kẻng vứt cơm nguội cho chúng. Dần dà, cá mỗi lúc kéo đến đông hơn nên bà mua gạo nấu cơm cho ăn. Hồi đầu, bà nấu chỉ một lon gạo rồi hai, ba lon. Sau đó thì 1kg, 2kg và giờ là khoảng 5kg gạo mỗi ngày để lo miếng ăn cho "đàn con" háu đói.
"Cách đây vài tháng, ông nhà thấy đàn cá đến đông quá sợ kham không nổi nên rào lại không cho chúng vô thêm. Chúng không vô được nên ục mạnh vào lưới rào thấy tội lắm. Cầm lòng không đặng nên thôi mở lưới ra, nuôi hết. Chúng có duyên tìm đến với mình mà" - bà Nhàn nhẹ nhàng.
Bà Nhàn thân như “con cháu” với đàn cá sông - Ảnh: THÀNH NHƠN |
Cô không có ăn sáng nữa, để dành tiền đó mua gạo nuôi bầy cá. Bây giờ cô chú ăn sáng cũng tốn ít nhất 40.000 - 50.000 đồng, để tiền đó mua được 4,5kg gạo giá rẻ nấu cơm cho tụi cá ăn no cả ngày.
Bà Nhàn
|
Mấy năm nay, cầu Đốc Binh Kiều thông xe nên những chuyến đò ngang của bà Nhàn cũng thưa thớt khách hẳn. Dù vậy, bà vẫn quyết nuôi lớn đàn cá sông vì tình cảm quyến luyến lâu nay và lo cho chúng đủ bữa ăn mỗi ngày như con cháu ruột thịt trong nhà.
Nghe tiếng đàn cá bén tình người kỳ lạ nên nhiều người kéo đến để tận mắt ngắm nhìn. Họ còn mang cám công nghiệp cho đàn cá ăn, giúp bà san sẻ phần nào chi phí. "Người khác có tấm lòng thì mình nhận, mục đích cũng là giúp đàn cá lớn lên thêm" - bà Nhàn trải lòng.
Dù gắn bó với nghề đưa đò thiếu trước hụt sau, bà Nhàn vẫn muốn chăm sóc bầy cá sông tự tìm đến với mình. Hợp đồng khai thác đò gần mãn hạn, bà đang đau đáu tìm cách để có thể tiếp tục đưa đò và nuôi đàn cá ở đây.
"Nếu đấu thầu bến đò thất bại thì cô chú cũng tìm cách nào đó dẫn đàn cá ra sông cái để chúng tìm đường sống. Chứ chúng quanh quẩn ở đây, người ta tìm đến xiệt điện chết hết, tội lắm cháu ơi" - bà Nhàn chùng hẳn giọng.
Lo đàn cá như con cháu
Chào bà Nhàn, tôi chạy sang tuyến kênh Thần Nông (xã Phú Thành, huyện Phú Tân, An Giang). Khuất sau mấy gốc còng, gáo đang trổ bông, từ xa đã nghe âm thanh đàn cá sông vẫy vùng xõa nước.
Đến gần, bầy cá hiện ra đông đặc đến mức khó tin, chẳng khác mấy vuông cá của nông dân nuôi công nghiệp là bao. Nhiều người dân hiếu kỳ quanh vùng cũng tìm đến để "mục sở thị" đàn cá tra sông hiếm thấy này.
Ông Trần Văn Đặng (51 tuổi, xã Phú Thành), người dẫn dụ và chăm sóc đàn cá tra sông này, kể cơ duyên mình gắn bó với bầy cá cũng tình cờ. Ngay đoạn kênh trước nhà ông có một cầu cây nhỏ để người dân sử dụng tắm rửa, giặt đồ. Những lần vợ ông ra bờ kênh rửa chén, thức ăn rơi vãi xuống dòng nước thu hút cá bơi lại.
Ban đầu chỉ lác đác vài con cá diêu hồng nhỏ bằng ngón tay cái, sau những con cá tra, cá mè vinh kéo đến ngày một nhiều, lừ cả mặt nước. Trong đó, cá tra sông chắc do háu ăn nên kéo đến nhiều nhất...
Ông Đặng nuôi đàn cá sông tại kênh Thần Nông - Ảnh: THÀNH NHƠN |
"Thấy cá đến ngày một đông nên tui cắm cây, neo lục bình với rau muống cho chúng có nhà trú ngụ. Mớ lục bình cũng tạo bóng râm và tránh đàn cá đi xa ra ngoài dễ bị người ta đánh bắt" - ông Đặng chỉ tay về phía đàn cá.
Ông không làm lưới chặn đàn cá sông lại để sở hữu riêng cho mình mà mặc cho chúng ra vào tự do. Tuyệt nhiên ông không bắt lên nấu nướng làm thức ăn hay bán lại kiếm lời dù cũng có nhiều người ngã giá mua đàn cá.
Ông kể cách đây vài tháng có nhóm người nghe phong thanh chỗ này có nhiều cá nên tìm đến tận nơi để xiệt lén. Bắt gặp đàn cá nằm thoi thóp cả khoang xuồng, ông chết trân không nói nên lời. "Đau lắm, cứ như mất mát thứ gì đó thân thiết với bản thân mình" - ông Đặng ngậm ngùi nhớ lại.
Thương xót đàn cá bị hại, hôm sau ông Đặng mang cả mùng mền ra căn chòi ven mé kênh để canh giữ. Những hôm bận đi ruộng, ông nhờ vợ con canh giúp để không tay xiệt điện nào có thể bén mảng lại gần. Đàn cá tra hiện tại ước tính cả chục ngàn con, mỗi con có trọng lượng khoảng 0,5kg đến hơn 1kg.
Đặc biệt, ông thấy trong đàn cá có một con cá tra màu hồng và gần chục con cá tra đen như mực rất kỳ lạ. Thương chúng, ông cho chúng ăn cám thực phẩm, rau muống, cơm thừa và thức ăn người dân quanh vùng mang đến.
"Mỗi ngày tốn khoảng 5-6 bao thức ăn, ngốn cũng gần hết cả triệu đồng chứ không giỡn. Ngoài tiền túi thì bà con xung quanh cũng ghé tham quan, ủng hộ giúp duy trì bầy cá" - ông Đặng chia sẻ.
Thương đàn cá bén duyên người, nhiều nhà hảo tâm đã dang tay giúp đỡ ông Đặng. Lúc tôi ghé thăm, ông Võ Văn Cọp (59 tuổi, xã Phú Thành) đang khệ nệ vác hai bao rau muống to tướng đến cho đàn cá ăn.
Từ lúc đàn cá xuất hiện đến nay, bất kể nắng mưa ngày nào ông cũng đi ruộng cắt rau muống mọc hoang cho đàn cá. "Có hoài cắt hoài à, cắt chỗ này rồi đi chỗ khác cắt, ít hôm thì quay lại cắt tiếp. Thấy đàn cá tra sông ngày mỗi lớn mình cũng có niềm vui" - ông vui vẻ kể.
Hiện hai người con ông Đặng làm việc tại Bình Dương cũng dành dụm gửi chút tiền về giúp cha nuôi đàn cá. Dù không kiếm chác được chút lợi lộc gì từ việc duy trì bầy cá nhưng ông Đặng vẫn thương chúng.
"Mùa khô này, tôi sẽ tìm cách để đàn cá có thể sống được khi con nước ròng. Tui sẽ nuôi chúng đến chừng nào không nuôi được nữa thì thôi" - ông Đặng vừa tâm sự vừa nhìn đàn cá đang vui vẻ xõa nước đợi thức ăn từ ân nhân.
Hai ông bà xàm láp
Nhiều người ủng hộ việc nuôi đàn cá sông của ông Đặng, bà Nhàn, nhưng cũng không ít người cho là hai người rỗi hơi, làm việc bao đồng. "Nhiều người ghét cô lắm, họ nói cô làm chuyện ba xàm, ba láp.
Họ nói ai đâu nuôi cá không ăn, ổng bả bắt lên ăn hết trơn hết trọi à. Nghe vậy cũng buồn nhưng cô vẫn quyết giữ bầy cá sông này mặc họ dèm pha" - bà Nhàn tâm sự.
|
THÀNH NHƠN (TTO)