Phóng sự - Ký sự

Tình người nơi cách ly chống dịch: Bữa cơm nghĩa tình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các bếp ăn của siêu thị đỏ lửa từ sớm tinh mơ đến chiều muộn. Nhân viên làm việc gấp 10 lần ngày thường để giao cơm dẻo, canh nóng đến các khu vực cách ly
Từ đặt hàng ban đầu là cung cấp hơn 10.000 suất ăn cho các khu vực cách ly tại TP HCM mỗi ngày, nay các bếp ăn của siêu thị Co.opmart, Co.opXtra trực thuộc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) đã tăng gấp 3 lần công suất phục vụ.
"Vất vả nhiều nhưng ai cũng ráng!"
Hơn 9 giờ sáng, khu vực đóng gói trong bếp của Co.opXtra Linh Trung (quận Thủ Đức) rộng chưa đầy 30 m2 có hơn chục người đang khẩn trương làm việc. Ở khu bếp nấu phía trong, 2 đầu bếp túc trực bên những chảo lớn thức ăn đang sôi sùng sục. Hơi nóng bốc lên từ những lò lửa trộn lẫn với hơi dầu mỡ hừng hực phả vào người.
Một tay quệt vội mồ hôi rịn ra, tay còn lại đảo đều chảo cá chiên sốt cà, đầu bếp Đặng Thị Út đang làm gấp mẻ cá để kịp đủ lượng hàng giao cho khu cách ly ký túc xá ĐHQG TP HCM. Nhiều ngày nay, chị Út và một số chị em khác trong tổ bếp phải đi làm từ 3 giờ 30 phút và ra về lúc 16-17 giờ.
"Cả ngày quần quật bên bếp lửa nên đến cuối ngày là "tối tăm mặt mũi", về tới nhà chỉ muốn nằm thở cho lại sức" - chị Út chia sẻ.
Nhân viên Co.opXtra Linh Trung chuẩn bị cơm trưa cho khu vực cách ly
Bộ phận bếp chưa đến 20 người của Co.opXtra Linh Trung cùng với 5 nhân sự tăng cường từ các bộ phận khác trong siêu thị đã đảm nhận cung cấp hàng ngàn suất ăn cho người cách ly và nhân viên y tế, nhân viên phục vụ... tại khu cách ly ký túc xá ĐHQG TP HCM từ ngày 19-3 đến nay.
Số lượng đặt hàng tăng nhanh, từ 1.600 suất ban đầu đã vọt lên hơn 3.000 suất trong những ngày sau, riêng ngày 24-3 lên đến 4.200 suất. Từ đầu tuần này, mỗi ngày có thêm 10 nhân viên văn phòng Saigon Co.op tăng cường hỗ trợ.
"Ai cũng cực nhưng đều vui. Mọi người động viên nhau ráng làm để có cơm canh nóng, sạch sẽ, an toàn chuyển đến những người đang căng sức chống dịch. Chỉ mong bà con trong đó an toàn, đợi hết thời hạn cách ly về với gia đình" - chị Út nói.
Khệ nệ đặt khay bắp cải cắt nhỏ đã rửa sạch vào cho đầu bếp chế biến món xào, chị Bùi Oanh Yến chìa cho chúng tôi xem bàn tay đã nhăn nheo vì tiếp xúc nước quá nhiều. Với công việc phụ bếp, từ 4 giờ 30 phút, chị đã bắt đầu rửa thịt, cá, rau củ... Công việc cứ vậy tiếp diễn tới chiều, lúc nào ngơi việc chuẩn bị nguyên liệu thì quay sang đóng gói, chia phần thức ăn phụ mọi người. "Trước đây, mỗi ngày siêu thị chỉ phục vụ khoảng 200-300 suất ăn, giờ tăng lên hơn 10 lần nên rất cực" - chị Oanh Yến giải thích.
"Chị bầu" xốc vác
Uống vội ly nước lấy sức, chị Lại Thị Minh, trưởng nhóm bếp nấu chính, cho hay gần 1 tuần nay, bộ phận bếp hầu như không còn khái niệm làm việc theo ca, ai nấy làm hết việc mới về.
Trước đây, ai đi làm 5 giờ thì 13 giờ về, ai làm từ 6 giờ thì 14 giờ tan ca nhưng bây giờ đi làm từ 3 giờ đến 16 giờ là bình thường. Công việc quá nhiều nên mọi người tự nguyện ở lại hỗ trợ nhau, hầu như ai cũng làm 12-13 giờ.
"Siêu thị có tăng cường sữa, nước mát... Chị em làm mệt đến mức quên đói, quên cảm giác thèm ăn và chỉ uống nước, uống sữa cho qua bữa. Cực thì rất cực nhưng mọi người tích cực làm vì hiểu mình đang góp sức cùng thành phố chống dịch" - chị Minh vui vẻ.
Trong 1-2 ngày đầu, mọi người còn rối, ban giám đốc phải đích thân xuống bếp cùng làm để động viên tinh thần chị em và huy động toàn siêu thị xắn tay vào hỗ trợ. Đến nay, các nhân viên đã quen việc, tổ chức hợp lý nên rất trôi chảy.
Trong nhóm nhân viên bếp, "chị bầu" Phan Mai Trinh nổi bật hơn cả. Đang mang thai 6 tháng nhưng Mai Trinh xốc vác không kém các chị em khác, lại rất vui vẻ, hay cười hay nói. "Việc nhiều, ai cũng "chạy" nên em "chạy" theo, em bé trong bụng khỏe mà mẹ cũng khỏe. Ai nấy tranh thủ giờ nghỉ ra ngoài kiếm món gì có nước ăn cho đỡ mệt hoặc uống nước, ngồi thở rồi trở vô. Bận đến mức không có thời gian làm gì khác, kể cả "tám" điện thoại với người thân, bạn bè" - Mai Trinh kể.
Anh Lê Văn Út, tổ trưởng tổ thực phẩm tươi sống Co.opXtra Linh Trung, cho biết để ra được 3.000 phần ăn mỗi ngày, bếp cần dùng khoảng 200 kg gạo, 150 kg rau củ, 120 kg thịt heo, 80 kg cá... chỉ riêng công việc đặt hàng cũng đã mất 2-3 giờ. Thực đơn có gần 60 món, luân phiên mỗi ngày. Luôn có 2-3 món chính trong ngày, kèm thêm canh, rau sống, rau xào, tráng miệng. Món ăn sáng thì luân phiên bánh bao, mì xào, bánh dầy, bún chả cá...
"Khách bên khu cách ly khen chúng tôi nấu ngon, thực đơn đa dạng, nhiều người còn chụp hình đăng Facebook nói lời cảm ơn, khen ngợi... Chúng tôi nhận được những phản hồi tích cực như vậy thì mừng lắm" - anh Út bày tỏ.
Chị Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Co.opXtra Linh Trung, cũng không giấu niềm tự hào khi nói về đội ngũ của mình. Các nhân viên bộ phận bếp tuy nhiều việc và chịu áp lực thời gian nấu nướng, đóng gói thành phẩm các suất ăn nhưng luôn động viên nhau là "vẫn còn sướng hơn anh em giao hàng và những người đang phục vụ trực tiếp tại những khu cách ly".
Trời tháng 3 nắng như đổ lửa, bộ phận giao hàng phải trang bị bảo hộ từ đầu tới chân nên chịu nóng gấp đôi. Cũng trong bộ đồ bảo hộ đó, trước khi đi khuân hàng, xuống hàng... phải khử khuẩn toàn thân, xong việc về phải khử khuẩn lần nữa theo đúng quy trình, ai nấy mồ hôi nhễ nhại vì nóng lẫn vì mệt. 
Ngoài các suất ăn chính trong ngày, không ít lần Co.opXtra đã nhận lời cung cấp phần ăn “chữa cháy” vào buổi tối. “Có lần, 19 giờ, “bên đó” điện thoại đặt 500 ổ bánh mì chả lụa, yêu cầu 21 giờ giao để những người được đưa vào cách ly giờ đó lót dạ. Chúng tôi có 2 giờ để ủ bột, nướng bánh, cắt chả, dồn chả vào bánh mì... và huy động anh em cùng làm. Kết quả là giao kịp giờ, khách ăn xong còn phản hồi là rất ngon” - chị Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Co.opXtra Linh Trung, kể.
Kỳ tới: Nhật ký 7 ngày cách ly
Bài và ảnh: THANH NHÂN

Có thể bạn quan tâm