Tình yêu không biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
30 năm trước, đất nước Chùa Tháp vẫn âm ỉ tiếng súng và những vết thương chiến tranh do bọn diệt chủng Pôn Pốt gây ra không ngừng rỉ máu. Thế nhưng, từ trong lửa đạn đã ươm mầm, nảy nở một mối tình trong sáng giữa anh bộ đội Quân Tình nguyện Việt Nam và cô gái Campuchia ở chiến trường vùng Đông Bắc. Vượt qua bao khó khăn, trở ngại, mối tình không biên giới ấy đã đi đến chương cuối với một kết thúc vô cùng có hậu...
Năm 1978, rời quê hương xứ Quảng-nơi “rượu hồng đào chưa uống đã say”, chàng trai trẻ Võ Văn Sung (SN 1960) khoác ba lô bước vào đời lính với lửa nhiệt tình của tuổi 18. Anh không bao giờ ngờ rằng, kể từ giây phút ấy, định mệnh đã gắn anh với đất nước và dân tộc Campuchia, gắn với miền biên giới Đức Cơ bằng một mối tình thẳm sâu vời vợi.
Gia đình anh Võ Văn Sung tại Campuchia.
Gia đình anh Võ Văn Sung tại Campuchia.
Trong những ngày tháng kề vai sát cánh với quân đội và nhân dân Campuchia chiến đấu chống Khmer Đỏ tại tỉnh Prết Vihear, chiến trường vùng Đông Bắc Campuchia (vốn là hậu cứ quan trọng của Khmer Đỏ), trong tâm trí Võ Văn Sung luôn đau đáu một câu hỏi “Tại sao một dân tộc có nền văn hóa tâm linh vĩ đại như Campuchia lại sản sinh ra chế độ kinh khủng, tàn bạo như Khmer Đỏ?”.
Để giải mã được vấn đề, anh đã âm thầm tìm hiểu về đất nước, con người xứ Chùa Tháp-bằng chính thứ ngôn ngữ Khmer bản địa. Như một mạch nguồn được khơi đúng chỗ, từ khi học tiếng Khmer, tìm hiểu nguồn cội của những vấn đề đang làm anh day dứt, anh lại tìm thấy tình yêu với Son Pholla-một cô gái Khmer thuần hậu và cũng là chiến sĩ Quân đội Nhân dân Campuchia.
Không sở hữu nhan sắc yêu kiều, mê hoặc như nàng vũ nữ trên những bức phù điêu đền tháp Angkor nhưng Son Pholla lại có một trái tim ấm áp yêu thương, có những sẻ chia chân thành đã khiến tình cảm đồng chí, đồng đội thăng hoa thành tình yêu đôi lứa.
Cho đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm một thời, anh Sung vẫn không nguôi bồi hồi xúc động “Pholla khéo tay lắm. Hồi đó sau mỗi đợt luồn rừng truy quét Khmer Đỏ về, quần áo bộ đội mình rách hết trơn. Cô ấy hay tình nguyện may vá lại cho anh em, may bằng tay mà khéo như may máy vậy. Mặc chiếc áo có tình cảm cô ấy gửi gắm trong đó thấy rất ấm áp”.
Trong gian khổ của đời lính, chỉ cần như vậy là đã có thêm sức mạnh tinh thần để đối diện và vượt qua những khó khăn, thách thức. Để đến với nhau trọn vẹn, Võ Văn Sung và Son Pholla phải vượt qua nhiều rào cản, định kiến do hoàn cảnh thời chiến tạo ra, thậm chí anh Sung bị hạ quân hàm từ Thiếu úy xuống Chuẩn úy, gia đình ở quê nhà cực lực phản đối nhưng năm 1981 hai người vẫn lén... đi đăng ký kết hôn bên phía chính quyền Campuchia!
Khi đã nên nghĩa đá vàng, đôi vợ chồng Việt- Cam sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác lại cùng nhau bôn ba khắp nơi, từ vùng Đông Bắc Campuchia đến Đức Cơ- Việt Nam để mưu sinh, chăm sóc 6 đứa con- kết quả của mối tình “vượt tuyến”.
Vợ chồng anh Sung đi chùa cầu phước.
Vợ chồng anh Sung đi chùa cầu phước.
Tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh- Đức Cơ, không ai là không biết đến bà Son Pholla- nàng dâu người Campuchia đảm đang, khéo léo; biết đến ông Sung- Trưởng thôn Cửa Khẩu- là người chồng hết mực yêu thương vợ. Hơn 10 năm sống trên quê chồng (1993-2003), mặc dù bị tai biến liệt nửa người nhưng bà vẫn gồng gánh chăm lo cho đàn con nhỏ, buôn bán mưu sinh hàng ngày với tiệm tạp hóa ngay cửa khẩu. Nhờ tài thu vén của người phụ nữ Khmer này, cả 6 đứa con của bà ngày nay đều học hành nên người. Sau nhiều năm vất vả mưu sinh đến đổ bệnh, năm 2003, Son Pholla đã mãi mãi ra đi...
Thế giới luôn ẩn chứa những điều kỳ lạ! Như là duyên tiền định, 9 năm sau ngày mất của mẹ, Thơ- con trai thứ 2 của anh Sung đã gặp tiếng sét ái tình với Heng Rina- một cô gái Campuchia xinh đẹp ngay trong lần đầu gặp mặt.
Mối tình Việt- Cam thế hệ 8x đã được hai gia đình- vốn là những người đồng chí anh em thân thiết ủng hộ, tác thành bằng một đám cưới đầm ấm vào tháng 5-2010. Cũng như cha mẹ mình, Thơ và Heng Rina đã yêu nhau bằng tình yêu không lời- trước khi kịp hiểu biết tiếng nói, tính cách, phong tục tập quán của hai dân tộc. Sau hôn lễ, Heng Rina theo chồng về sinh sống ngay tại chợ Cửa khẩu Lệ Thanh, tiếp nối nghiệp buôn bán của gia đình.     
Cho dù ở nơi đâu, cho dù ở thời đại nào, tình yêu vẫn là món quà kỳ diệu nhất của cuộc sống, đặc biệt những mối tình không biên giới vẫn là những kết nối đặc biệt và tuyệt vời nhất!
Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm