(GLO)- Tròn 62 năm về trước, quân và dân ta chứng kiến giờ phút huy hoàng của lịch sử khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Trong khói lửa và sức hủy diệt tàn khốc của chiến tranh, nhiều chiến sĩ Điện Biên đã tìm thấy nhau. Những tình yêu đẹp đơm hoa kết trái ngay trên chiến địa bom cày, đạn xới. Trong niềm vui vỡ òa của giây phút chiến thắng, họ đã đón niềm vui hòa bình cùng niềm vui hạnh phúc lứa đôi. Từ chỗ là những người đồng đội trên chiến trường, họ trở thành vợ chồng của nhau trên chặng đường xây dựng cuộc sống mới.
Sau này, khi đúc kết lại chiến dịch Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhấn mạnh rằng: “Từ trong khói lửa chiến tranh, tình quân dân, tình đồng đội vẫn chứa chan, tình yêu và hạnh phúc lứa đôi vẫn đơm hoa kết trái, tạo thành sức mạnh tinh thần to lớn, góp phần vào chiến thắng chung vĩ đại của dân tộc”. Trong 56 ngày đêm lịch sử ấy, sức mạnh tình yêu đã trở thành động lực cho hành trình chiến đấu và giành chiến thắng.
Chuyện tình đẹp như thơ
Đồi A1-chiến địa ác liệt nhất của chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: L.H |
“Khi sinh ra các cụ đặt tên cho tôi là Vẻ. Sau này khi tham gia cách mạng, tôi lấy tên là Vỹ. Đến chiến dịch Điện Biên Phủ, các đồng chí trong đơn vị lại đổi tên thành Vẽ cho giống với công việc của tôi”-ông Nguyễn Văn Vẽ-một người lính quân báo chịu trách nhiệm vẽ bản đồ binh yếu địa chỉ thuộc Sư 304 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ-bắt đầu câu chuyện như thế. Sinh ra tại vùng đất Tĩnh Gia (Thanh Hóa), năm 1943 ông Vẽ tốt nghiệp Tú tài và tham gia công tác cách mạng tại địa phương. Năm 1946, ông là thành viên của tổ chức Việt Minh tham gia cướp chính quyền ở Tĩnh Gia. Cuối tháng 2, đầu tháng 3-1951, ông nhận lệnh cùng đơn vị di chuyển từ Đô Lương (Nghệ An) ra Tây Bắc để tiếp viện cho Điện Biên Phủ. Cũng chính từ đây, ông tìm thấy “một nửa” của cuộc đời mình. Bà cũng là người đồng hương, tham gia trong đoàn dân công hỏa tuyến chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ.
“Chặng đường hành quân từ Nghệ An lên Tây Bắc dài chừng 500 km đường đèo núi. Trong ký ức của tôi, nụ cười tươi rói duyên dáng của bà ấy khi gặp đoàn bộ đội chúng tôi hành quân trên đỉnh đèo Pha Đin dù trên vai là đôi quang gánh đang oằn nặng vẫn in đậm. Đẹp lắm! Tôi yêu và cảm nhận đây đích thực là một nửa của mình ngay từ giây phút ấy”-ông Vẽ bồi hồi nhớ lại. Dù chỉ là giây phút ngắn ngủi được gặp gỡ và trò chuyện, ông vẫn tin vào linh cảm của mình, tin vào chiến thắng ngày mai và cả cuộc sống tương lai phía trước. Họ vẫn giữ liên lạc với nhau dù cực kỳ khó khăn. Trong một lá thư gửi từ chiến trường, ông Vẽ đã viết tặng bà Lê Thị Trường (tên của vợ ông) một bài thơ kể về kỷ niệm lần đầu hai người gặp gỡ nhau:
“Gặp nhau trên đỉnh Pha Đin
Trao nhau ánh mắt, niềm tin, nụ cười
Chiến tranh ngăn cách hai người
Vầng trăng sẻ nửa, bầu trời chia đôi
Anh đi bảo vệ đất trời
Em giữ hạnh phúc bầu trời quê hương
Tình ta tắm nắng, gội sương
Bay trong khói lửa chiến trường Điện Biên
…Gặp nhau trên đỉnh Pha Đin
Hoa ban nở trắng, tình càng đắm say”.
“Chiến dịch kết thúc, cả 2 chúng tôi may mắn còn tìm được nhau. Chúng tôi đưa nhau về quê xin phép gia đình hai bên làm lễ cưới”-ông Vẽ tâm sự. Sau đó, do yêu cầu nhiệm vụ cách mạng mới, ông lại được tổ chức cử lên nhận nhiệm vụ ở Lai Châu, rồi đi du học chuyên ngành xây dựng hơn 10 năm tại Liên Xô. “Trong chiến dịch, tôi được giao vẽ sơ đồ trận chiến của các cứ điểm: Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, đồi A1, C1, D1. Chiến tranh kết thúc, sau khi hoàn tất việc du học và trở về nước công tác tôi lại có dịp trở lại Điện Biên và lần này là để vẽ thiết kế xây dựng trụ sở Tỉnh ủy, UBND và nhà khách của UBND TP. Điện Biên Phủ. Điện Biên là mảnh đất đầy kỷ niệm với tôi”-ông Vẽ xúc động nói.
Vợ chồng “Chiến sĩ Điện Biên”
Vợ chồng ông Lê Ngọc Quỳnh và bà Phan Minh Thúy. Ảnh: L.H |
Là người lính được đeo trên ngực tấm huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên” đó là một niềm tự hào lớn! Vợ chồng ông Lê Ngọc Quỳnh và bà Phan Minh Thúy (Phố Huế, Hà Nội) là một trong số những cặp vợ chồng-đồng đội có vinh dự ấy. Trong những ngày này 2 năm về trước, trong chuyến công tác tại Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi may mắn được gặp ông bà và lắng nghe câu chuyện thời hoa lửa. “Khi ấy tôi vừa tròn 19 tuổi. Tôi tham gia chiến dịch với vai trò là chiến sĩ quân y thuộc Trung đoàn 165, Đại đoàn 312, tham gia trong đợt tấn công đồi Độc Lập ngày 14-3. Không thể kể hết những hy sinh, mất mát của ta trong đợt tấn công này. Dọc tuyến đường từ Điện Biên Phủ về Tuần Giáo liên tục là những chiếc cáng đưa bộ đội bị thương lui về tuyến sau. Những cán bộ quân y dường như cả ngày lẫn đêm chẳng mấy phút được ngơi tay cấp cứu cho thương binh”-ông Quỳnh kể lại.
Bà Phan Minh Thúy khi ấy cũng là cán bộ quân y cùng đơn vị và chỉ vừa tròn 18 tuổi. Cả hai ông bà đều là những chàng trai, cô gái Hà Nội hào hoa. “Chúng tôi vừa học xong phổ thông đã tình nguyện xung phong ra chiến trường. Vì được học hành cơ bản nên chúng tôi được tổ chức cử đi học lớp sơ cấp về y tế, sau đó bổ sung ra chiến trường làm nhiệm vụ cứu thương ở tuyến sau. Tôi tham gia cứu thương ở các cứ điểm Him Lam-Độc Lập. Trạm y tế nằm ngay dưới những hầm bốt, cũng có lúc thương binh quá đông, việc cấp cứu phải thực hiện ngay trên giao thông hào. Bố và người anh rể của tôi cũng đã ngã xuống và vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này khi chưa chứng kiến được niềm vui ngày chiến thắng. Do đó, tôi và ông ấy gặp nhau, mến nhau nhưng cả 2 không ai dám nói về dự định tương lai, vì cuộc chiến quá ác liệt. Đến khi nghe loa phát tin quân ta toàn thắng, chúng tôi mới tin mình có ngày mai…”-bà Thúy kể lại.
Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, ông bà quay trở lại Hà Nội và được hai bên gia đình tổ chức lễ cưới. Cho đến tận bây giờ, dù đã “con đàn, cháu đống” nhưng cả hai ông bà vẫn không nguôi ký ức thuở đầu xanh. “Mặc dù tôi đã 2 lần bị tai biến, sức khỏe rất kém nhưng mỗi dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ và có điều kiện, chúng tôi lại cùng con cháu về thăm vùng đất này. Nơi ấy có máu xương của người thân và những người đồng đội đã đổ xuống trong cuộc chiến không cân sức ấy. Đó là cơ hội để gia đình tôi ôn lại kỷ niệm xưa, đồng thời nhắc nhở con cháu về truyền thống cha ông, để các cháu sống sao cho xứng đáng sự hy sinh của lớp thế hệ đi trước”-ông Quỳnh chia sẻ.
Lê Hòa