Tổ chức Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ban chỉ đạo Trung ương Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động vừa ban hành Kế hoạch Tổ chức Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2018.

Theo đó, Ban chỉ đạo yêu cầu: Tổ chức Tháng hành động ATVSLĐ năm 2018 hướng về doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động cả trong khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí và thu hút được sự tham gia, phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan truyền thông, doanh nghiệp và người lao động.

 

Phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động.
Phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động.

Tháng hành động ATVSLĐ năm 2018 được tổ chức, từ ngày 1 đến 31-5-2018, trên phạm vi toàn quốc với chủ đề: “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”.

Tháng hành động ATVSLĐ cần chú trọng vào các nội dung chính:

Tổ chức các hoạt động truyền thông về ATVSLĐ gắn với chủ đề của Tháng hành động, trong đó, chú ý đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, nội dung trong công tác tuyên truyền Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật ATVSLĐ theo hướng đơn giản, dễ nhớ, dễ hiểu, tạo được hiệu ứng tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng.

Tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ trong một số ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, như: khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng; trong sử dụng nồi hơi, thiết bị nâng, hàn cắt kim loại, làm việc trong không gian hạn chế; Việc thực thi các quy định, chính sách theo Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành; công tác huấn luyện ATVSLĐ; trong sử dụng, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ trong các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, mở rộng, triển khai công tác thanh tra, kiểm tra trong khu vực không có quan hệ lao động, làng nghề. Ngoài ra, tổ chức các hoạt động, sự kiện chuyên đề về ATVSLĐ có sự tham gia của doanh nghiệp, người lao động: Tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại chính sách, hội nghị, hội thảo, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về ATVSLĐ; Tổ chức tư vấn, huấn luyện, khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động; thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Tổ chức các hoạt động khác như phát động phong trào thi đua, hội thi ATVSLĐ, giao lưu văn hóa, văn nghệ có nội dung tuyên truyền về ATVSLĐ…

An An/moitruong

Có thể bạn quan tâm