Tổ hợp tác giúp nông dân Kbang thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 7 năm đi vào hoạt động, được sự hỗ trợ của Chương trình hợp tác trung hạn giữa Quỹ Phát triển nông nghiệp Quốc tế (IFAD) với các tổ chức nông dân khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Chương trình MTCP 2), 2 tổ hợp tác trên địa bàn huyện Kbang đã thu được những hiệu quả kinh tế thiết thực.
Năm 2013, Tổ hợp tác (THT) Bình An (thôn 3, xã Nghĩa An) và THT Thành Công (thôn 10, xã Đông) được thành lập với mục tiêu giúp người dân trồng cỏ nuôi bò, nuôi trùn quế và trồng rau màu để từng bước thoát nghèo. Nhằm hỗ trợ các hộ tham gia 2 THT trên, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tích cực hướng dẫn, kết nối với Chương trình MTCP 2 tài trợ cho THT Bình An 120 triệu đồng, THT Thành Công 119 triệu đồng để phát triển chăn nuôi bò, trùn quế và trồng rau màu. Đến nay, 2 THT đã có trên 160 con bò, hơn 700 m2 chuồng trại nuôi trùn quế và trên 10 ha rau màu các loại. Sản phẩm của 2 THT đã được bán ra thị trường nhiều năm nay, giúp tăng thu nhập cho hàng trăm lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Bồ đực Kbang. Ảnh: H.C
Bồ đực Kbang... Ảnh: H.C
Trao đổi với P.V, ông Thái Văn Hường-Tổ trưởng THT Thành Công-cho hay: Ban đầu, THT có 8 thành viên, nay đã phát triển lên 18 thành viên, trong đó có 10 thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số. Được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành và Chương trình MTCP 2, các thành viên của THT Thành Công đã có thêm nhiều kiến thức khoa học kỹ thuật về trồng cỏ nuôi bò, dùng phân bò nuôi trùn quế, thu hoạch trùn quế làm thức ăn cho các loại gia cầm, lấy phân trùn quế bón cho các loại rau màu. Nhờ tham gia chương trình, nhiều hộ người dân tộc thiểu số là thành viên THT như ông Đinh Khô, ông Đinh Liên, ông Đinh Bluh, chị Đinh Thị Nhi, ông Bế Văn Cày... đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cải thiện thu nhập. Ông Hường vui vẻ nói: “Nhờ nguồn vốn tài trợ của Chương trình MTCP 2 mà các thành viên THT có thu nhập ổn định hơn 5 triệu đồng/tháng từ việc trồng cỏ nuôi bò, nuôi trùn quế và trồng rau màu. Để mở rộng quy mô loại hình sản xuất kinh doanh này, tạo thêm nhiều việc làm hơn nữa, các thành viên THT Thành Công đang chủ động giúp đỡ lẫn nhau, nâng cao chất lượng lao động, tìm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm sau thu hoạch”.
Chuồng trại...Kbang. Ảnh: H.C
Chuồng trại...Kbang. Ảnh: H.C
Cũng nhận được sự quan tâm tạo điều kiện và tài trợ như THT Thành Công, các thành viên của THT Bình An đã mạnh dạn đầu tư phát triển chuỗi liên kết trồng trọt, chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm. Mỗi năm, THT Bình An xuất bán ra thị trường trung bình 12 con bò, hơn 700 kg sinh khối trùn quế, hơn 100 tấn rau tươi các loại. Từ nguồn thu nhập này mà nhiều thành viên như ông Trần Văn Nghị, ông Nguyễn Văn Dũng, bà Võ Thị An, ông Phan Hồng Cương... đã xóa được đói, giảm được nghèo, vươn lên làm giàu. Ông Phan Hồng Cương-Tổ trưởng THT Bình An-phấn khởi cho hay: “Mô hình trồng trọt, chăn nuôi khép kín này rất phù hợp với điều kiện đồng đất nông thôn ở xã Nghĩa An, trẻ già đều có thể làm được, cho hiệu quả kinh tế cao hơn, ổn định hơn các mô hình khác. Ngoài việc sử dụng trùn quế chăn nuôi các loại gia cầm, người nông dân còn biết sử dụng trùn quế nuôi cá, làm thuốc... Hiện THT Bình An đang đầu tư xây dựng đường dây điện 3 pha để đưa máy ép thức ăn gia súc do Chương trình MTCP 2 hỗ trợ vào sử dụng; bên cạnh đó hướng đến xây dựng thương hiệu thịt bò Bình An, trùn quế Bình An...”.
Qua nhiều năm theo dõi hoạt động của 2 THT trên, ông Phạm Nhuần-Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Trưởng ban Quản lý Chương trình MTCP 2-đánh giá: “Chương trình MTCP 2 thực sự đã làm đổi thay nếp nghĩ, cách làm nông nghiệp của bà con, cải thiện sinh kế cho các gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới. Với những thành quả đạt được, hy vọng thời gian tới, các thành viên THT Bình An và THT Thành Công nhanh chóng có tích lũy, chủ động nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, xây dựng thành công thương hiệu từ thịt bò, bò giống, trùn quế, rau màu của mỗi địa phương”.
HOÀNG CƯ

Có thể bạn quan tâm