"Tôi chỉ đang ở vạch xuất phát"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ Hàn Quốc-xứ sở không chỉ nổi tiếng về phong cảnh, ẩm thực và điện ảnh mà còn về công nghệ, Giáo sư nghiên cứu Nguyễn Văn Đức Long đã chia sẻ với chuyên mục “Tôi-người Gia Lai” câu chuyện thú vị của một người làm công tác nghiên cứu khoa học với những thành tích đáng nể.

Đáng nể hơn, Giáo sư nghiên cứu Nguyễn Văn Đức Long năm nay chỉ vừa tròn 31 tuổi. Dù vậy, với anh “vị trí này mới chỉ là sự khởi đầu trong việc theo đuổi con đường khoa học”.

Giáo sư tuổi 28

 

Giáo sư Nguyễn Văn Đức Long.
Giáo sư Nguyễn Văn Đức Long.

Cũng như bao bạn trẻ năng động khác, Nguyễn Văn Đức Long từng nghĩ rằng anh sẽ làm việc ở một công ty nào đó sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Vậy nhưng, năm 3 đại học, khi được một giảng viên trong khoa mời làm cùng một dự án, anh đã tình cờ tìm thấy tình yêu với việc nghiên cứu khoa học. Đó là nguyên do anh học tiếp thạc sĩ và tiến sĩ tại Hàn Quốc-một những nước tiên phong về các ngành công nghệ lúc bấy giờ. Với nghiên cứu về “Thiết kế quy trình trong công nghệ hóa học”, đặc biệt là các nghiên cứu thiết kế tối ưu để tăng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng của cột chưng cất trong các nhà máy hóa dầu và dầu khí, năm 2012-khi vừa tròn 28 tuổi-Nguyễn Văn Đức Long được giữ lại làm Research Professor (Giáo sư nghiên cứu) tại Trường Đại học Yeungnam-Hàn Quốc. Có thể nói, đến nay anh là người Gia Lai trẻ tuổi nhất được phong giáo sư ở nước ngoài.

Có một điều thuận lợi là tại Hàn Quốc luôn có sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học và các công ty. Vì vậy, Nguyễn Văn Đức Long cùng với các thành viên khác trong phòng nghiên cứu đã có cơ hội làm việc chung dự án với các tập đoàn lớn như Samsung, SK, KOGAS... trong quá trình làm nghiên cứu sinh. Với một chút may mắn, anh được nhận vào làm việc tại Công ty Samsung Cheil Industries (hiện đã sáp nhập vào Samsung SDI) với vị trí kỹ sư chính từ năm 2013 đến 2014. Những kiến thức từ sách vở, nghiên cứu và cả thực tế đã giúp anh có những giờ dạy thu hút hơn trên giảng đường đại học.

Đáng chú ý, đến nay giáo sư trẻ tuổi này đã có đến 20 bài báo đăng trên các tạp chí nổi tiếng nằm trong danh mục SCI và SCIE (danh mục trích dẫn khoa học với những tạp chí khoa học và công nghệ hàng đầu thế giới) và hơn 20 bài báo hội nghị quốc tế. Đó là những công trình nghiên cứu rất đáng “ngả mũ” đối với một nhà khoa học trẻ.

 

Là con trai của thầy giáo Nguyễn Văn Bửu-giáo viên Hóa học Trường THPT Pleiku, Nguyễn Văn Đức Long sớm được nuôi dưỡng tình yêu với Hóa học. Năm 2002, tốt nghiệp THPT ở Trường THPT Pleiku, với giải ba quốc gia môn Hóa học, Nguyễn Văn Đức Long được tuyển thẳng vào Khoa Công nghệ hóa học-Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Sau đó, anh lần lượt được nhận học bổng toàn phần để học thạc sĩ tại Trường Đại học Inha-Hàn Quốc và tiến sĩ tại Trường Đại học Yeungnam-Hàn Quốc.

“Hy vọng đóng góp một phần nhỏ bé cho xã hội”

“Làm sao ứng dụng những kinh nghiệm và kỹ năng đã học hỏi từ Hàn Quốc vào công việc và cuộc sống tương lai ở Việt Nam một cách tốt nhất?”-đó chính là câu hỏi mà Nguyễn Văn Đức Long nhiều lần trăn trở trong hoàn cảnh Việt Nam đang bùng nổ về kinh tế với nhiều cơ hội và thách thức.

Xác định mình chỉ mới ở vạch xuất phát trên con đường nghiên cứu khoa học, anh giãi bày: “Tôi không thích những từ to tát như “hoài bão”. Tôi chỉ nghĩ mình phải luôn phấn đấu, không ngừng học hỏi, trau dồi bản thân và nâng cao trình độ chuyên môn tại Hàn Quốc... để vài năm nữa có thể đóng góp một phần nhỏ bé cho xã hội, đặc biệt trong ngành thiết kế quy trình trong công nghệ hóa học vốn còn yếu”. Nguyễn Văn Đức Long cho biết, anh vẫn đang giữ liên lạc với một công ty dầu khí tại Việt Nam và dự định sẽ trở về nước công tác khi có cơ hội thuận tiện. Hiện anh đã quay lại Trường Đại học Yeungnam với mong muốn dành thời gian cho một đứa “con cưng” khác, đó là cuốn sách về chưng cất cùng những cải tiến và ứng dụng trong công nghiệp, sẽ được xuất bản bởi nhà xuất bản uy tín Springer (Đức).

Để sống và hòa nhập ở một đất nước khác đã là khó, để khẳng định bản thân lại càng khó hơn, đặc biệt là khi đã chọn đường nghiên cứu khoa học-một con đường không hề bằng phẳng. Giáo sư nghiên cứu Nguyễn Văn Đức Long chia sẻ quan niệm cùng các bạn trẻ: “Một khi đã lựa chọn thì nên cố gắng để hoàn thành thật tốt công việc. Đó là một triết lý sống khá đơn giản nhưng chắc hẳn là ai cũng sẽ ít nhiều nghiệm ra”.

Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm