Nghề “lái bò” rày đây mai đó, khá là vất vả, vốn không dành cho những người tật nguyền, đi đứng khó khăn. Ấy vậy mà, dù chỉ còn đúng 1 cánh tay lành lặn sau một vụ nổ bom, cuối cùng anh cũng thành danh với nghề...
Anh Hoàng Thản trên đôi chân mới giúp anh "hồi sinh"
ẢNH: NGUYỄN PHÚC
“Khập khiễng, nhưng dù sao cũng là… đi”
Mới học lớp 9, Hoàng Thản (trú thôn Ái Tử, xã Triệu Ái, H.Triệu Phong, Quảng Trị) đã bỏ ngang rồi theo cái nghề được mệnh danh là “đùa với thần chết”: rà bom mìn. “Thời đó, cả làng tôi làm nghề “đông ri” (tức đi rông, nói lái để diễn tả ý lang thang rà mìn - PV). Bởi nghề này kiếm ăn rất được dù luôn đối mặt nguy hiểm. Cái thời mà mỗi ngày công chỉ được trả bốn nghìn đồng, rà phế liệu lại kiếm được năm mươi hoặc bảy mươi nghìn đồng, thì ai không ham?”, người đàn ông đang ở tuổi 48 và trải qua bao nhiêu cơ cực tự lý giải về nghề cũ.
Đôi chân lành lặn của anh từng lội hết rừng rú ở Triệu Phong, Cam Lộ, Đakrông để lùng tìm phế liệu. Có hôm say việc, anh lạc trong rừng mấy ngày sau mới tìm được đường về làng. Mải mê mưu sinh, cho đến một ngày tháng 4.1991, sau tiếng nổ chát chúa giữa rừng do cuốc phải quả bom, anh bị mất 2 chân và 1 cánh tay. “Lúc tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trong bệnh viện. Chân tay cụt lủn như thằng…Sọ Dừa trong truyện cổ tích. Tôi nghĩ, đời mình đến đây coi như xong”, anh Thản nhớ lại.
Hai tháng nằm tại bệnh viện và đến ngót 2 năm sau, khi đã trở về nhà, anh Thản vẫn không sao đối diện được với sự thật rằng mình chỉ còn duy nhất cánh tay lành lặn. Anh nhốt mình trong bốn bức tường nhà cũ nát, cứ sờ nắn cặp giò cụt chiếc dài chiếc ngắn và cánh tay phải mất hẳn bàn tay. “Có lúc tôi ghê sợ bản thân mình”, anh nói như khóc. Mãi đến năm 1993, anh mới có chiếc chân giả đầu tiên. Lúc đó, anh chỉ được cấp 1 chiếc thay vì cần được mổ can thiệp để có được cả cặp. Vậy mà cũng đủ để vui: “Khập khiễng, nhưng dù sao cũng là… đi”.
Thêm chiếc nạng gỗ hỗ trợ, anh bắt đầu ra ngoài, cố xoay xở để kiếm một công việc nào đó. Nhưng rất nhiều cái lắc đầu đầy ái ngại. Quả là khó khi nơi đây chỉ có hai việc cần đến, là làm ruộng hoặc làm rừng. Chưa tìm được kế sinh nhai, nhưng anh Thản lại may mắn tìm được... ý trung nhân. Qua mai mối, anh cưới chị Lê Thị Hiệp (lớn hơn anh 1 tuổi, người cùng làng). Giờ đây, anh có cớ để “nổ” rằng chỉ mất đúng 1 tuần để “cưa” đổ chị Hiệp, nhưng hỏi riết thì lại đổ cho duyên số. “Tôi què cụt nhưng người ta thương thì cứ thương, chứ biết sao!”. Nhưng phải đến 6 năm sau, họ mới có đứa con đầu tiên. Và 7 năm sau nữa, nỗi đau lại ập đến khi đứa con trai gặp nạn dưới gầm xe tải trên đoạn đường đất gần nhà, ngay trước mắt anh. Cái chết tức tưởi của con dù không phát ra tiếng nổ như quả bom dạo nọ, nhưng thậm chí còn khiến anh trọng thương và choáng váng nhiều lần hơn. “Nếu không có vợ ở bên, ngày đó chắc tôi đã chết”, anh đắng cay thừa nhận.
Chiếc xe lắc trở thành người bạn tri kỷ của người đàn ông này trong những chuyến đi xa
ẢNH: NGUYỄN PHÚC
1 người khuyết nuôi 3 người lành
Thế rồi qua thời gian, ông trời cũng thương tình ban cho anh chị món quà khác, 2 đứa con lần lượt chào đời khỏe mạnh. Từ đó, anh chưa bao giờ xem vợ con là gánh nặng, dù thực tế chỉ một mình anh cáng đáng cả gia đình.
"Tôi mất hơn 20 năm để tìm lại đôi chân của mình, để đứng dậy đi thẳng như bao người. Đó là một hành trình khá dài so với đời người ngắn ngủi" Anh Hoàng Thản |
Chỉ với 4 sào ruộng, thật khó để lo đủ 4 miệng ăn, cuối cùng anh rẽ sang nghề mới một cách tình cờ. “Anh ấy bảo họ làm được cái gì thì anh cũng làm được cái đó. Nên dạo ấy, ngoài lo “rau heo, cháo chó” ở nhà, anh cũng tập tành làm… lái bò. May được người ta thương nên bán anh bò rẻ, mua anh bò đắt”, chị Hiệp kể về nghề mới của chồng. Nhưng chị Hiệp cũng không quên cuộc mưu sinh nhọc nhằn cả chục năm qua, khi anh khổ sở sống chung với vết thương mưng mủ ở cái chân cụt còn lại… Cho đến ngày anh được RENEW, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh tại Quảng Trị, giúp đôi chân giả. Anh bảo, họ mang đến rất nhiều “món quà”, từ khoan giếng, sửa nhà đến tặng bò, heo, xe lắc… nhưng thứ đã làm thay đổi cuộc đời mình chính là đôi chân giả. “Họ đã hỗ trợ kinh phí để tôi phẫu thuật cắt hẳn cái chân lủng lẳng, mấy chục năm mưng mủ để gắn vào đó cặp chân giả hoàn hảo”, anh hào hứng nói.
Tháng 10.2012, sau 1 tháng nằm viện, lần đầu tiên kể từ sau tai nạn bom mìn, người đàn ông đó đã đứng thẳng lên bằng đôi chân của mình. Rất nhiều thay đổi tiếp nối, khi anh tự tin bước đi. “Tôi mất hơn 20 năm để tìm lại đôi chân của mình, để đứng dậy đi thẳng như bao người. Đó là một hành trình khá dài so với đời người ngắn ngủi”, anh Thản nói, giọng đầy mãn nguyện.
Dù cơ thể không lành lặn, nhưng anh Thản vẫn trở thành “lái bò” trứ danh
ẢNH: NGUYỄN PHÚC
6 năm qua, với 2 lần thay cặp chân giả, công việc lái bò trở nên khấm khá bởi anh không chỉ quanh quẩn ở Triệu Phong mà đi xa hơn, bươn lên tận Cam Lộ, Đakrông (Quảng Trị) hay vô đến Thừa Thiên - Huế, ra Quảng Bình. Anh tự tin bảo mình đã “đi nát” khu vực Bình Trị Thiên cũ. Giờ đây, dù không quá giàu sang nhưng anh cũng đã gầy dựng cho mình một tổ ấm.
Trong lúc vui chuyện, anh còn khoe mình từng có chuyến đi chơi xa ngót 300 km, đến tận Nghệ An. Với người mất đôi chân, đó có thể cho là kỳ tích. “Tất cả là nhờ đôi chân mới này!”, anh gõ bộp bộp vào cặp chân giả, miệng nở nụ cười hiền hậu. (còn tiếp)
Nguyễn Phúc (Thanh Niên)