(GLO)- Tự nhận là do “trời định” nên gắn liền với nghề giáo dục (vì sinh vào đúng ngày 20-11), Ths Giáo dục Phạm Phúc Thịnh có hơn 20 năm gắn bó với giáo dục Gia Lai ở nhiều vị trí công tác: Trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi, làm công tác quản lý chuyên môn, bồi dưỡng phương pháp dạy học cho giáo viên… Năm 2004, anh trở thành giảng viên Toán Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương và cộng tác với một số trường đại học khác tại TP. Hồ Chí Minh trong việc dạy các kỹ năng mềm cho sinh viên.
Ths Phạm Phúc Thịnh còn là cái tên quen thuộc trong các chương trình tư vấn của báo Vnexpress, Dantri, các kênh truyền hình HTV7, HTV9, VTV3, VTV9, VTV Cần Thơ, VTV Đà Nẵng trong những chương trình về giáo dục kỹ năng sống. Xung quanh những câu chuyện về giáo dục, anh đã chia sẻ với chuyên mục Tôi-người Gia Lai nhiều quan điểm thú vị.
Thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh (thứ hai phải sang) cùng với các học viên của một lớp kỹ năng sống |
* Là thạc sĩ giáo dục, lĩnh vực nào được anh quan tâm nhiều nhất?
- Có 2 lĩnh vực tôi quan tâm nhất, đó là dạy học sinh giỏi (cái này giúp cho ông thầy nổi tiếng rất nhanh) và giáo dục học sinh cá biệt, giúp các em học sinh yếu có thể trở thành học sinh khá giỏi với sự tự tin rằng bản thân mình có thể “vượt qua số phận” (dù lĩnh vực này khó nổi tiếng như lĩnh vực trên). Nhưng tính tôi thích làm cái gì đó có tính thách thức.
* Theo anh, một học sinh như thế nào thì được gọi là cá biệt? Vì sao anh lại quan tâm đến vấn đề giáo dục học sinh cá biệt, trong khi đây là đối tượng học sinh mà giáo viên nào cũng “ngán”?
- Theo quan điểm của tôi, học sinh cá biệt là những học sinh có tâm lý, hình thể, thói quen và phương cách tư duy không giống với những học sinh còn lại trong một cộng đồng học sinh. Học sinh cá biệt có thể là học sinh giỏi, học sinh yếu, học sinh chưa có nhận thức đúng về cách học, học sinh khuyết tật… Tóm lại là những học sinh “không bình thường”.
Tôi quan tâm đến vấn đề này xuất phát từ kinh nghiệm của chính bản thân. Khi còn học tiểu học, từ lớp 1 đến lớp 4 tôi toàn gặp trúng những giáo viên không tạo cho tôi được niềm vui trong học tập, nên tôi luôn đứng trong top 3 của lớp từ dưới lên. May mắn sao, năm học lớp 5, tôi gặp được một giáo viên với một phương pháp dạy học “hổng giống ai” nên tôi đã có được sự đam mê và yêu thích đối với việc học. Từ đó tôi cũng vẫn giữ vững danh hiệu top 3 của lớp nhưng theo… chiều ngược lại. Sau này khi gặp lại, tôi rất bất ngờ khi biết rằng người thầy đó chưa hề qua trường lớp sư phạm mà chỉ đậu Tú tài 2 (giống như tốt nghiệp THPT ngày nay). Vì thế, tôi nghĩ rằng, không có học sinh yếu (trừ các trường hợp bệnh lý) mà chỉ do người thầy chưa khơi gợi được năng lực của các em. Và tôi theo đuổi việc giáo dục học sinh cá biệt như một cách trả ơn người thầy giáo cũ đã giúp tôi được như ngày hôm nay.
Một suy nghĩ khác: Nếu giáo viên nào cũng chọn con đường dạy học sinh giỏi vậy thì các em học sinh yếu và trung bình biết “tầm sư học đạo” ở đâu ? Dạy học sinh giỏi không khó, nhưng “cải tạo” học sinh yếu thì chỉ những giáo viên giỏi thật sự mới có thể làm được.
* Ngoài vai trò giảng viên, anh còn xuất hiện đều đặn trong các chương trình tư vấn kỹ năng sống với rất nhiều nội dung tư vấn như: tình trạng trẻ em bị lạm dụng tình dục nơi công cộng, chuẩn bị tinh thần và vật chất cho con trước khi bước vào năm học mới, trẻ em và sách, games online… Vì sao mối quan tâm của anh lại rộng đến vậy?
- Thật ra, nếu bạn xem kỹ các chương trình thì sẽ thấy một điều, những nội dung tư vấn này cũng là những vấn đề giáo dục nhằm giúp cho các em học sinh, nhất là các em tuổi teen, có thể phát triển và hoàn thiện nhân cách để trở thành một con người thật sự, chứ không phải là một con người “khuyết tật” về mặt CON NGƯỜI trong một xã hội rất rộng mở về thông tin nhưng cũng nhiều mối lo ngại như hiện nay.
* Anh đã chuyển công tác vào TP. Hồ Chí Minh 10 năm nay nhưng dường như vẫn luôn để tâm đến giáo dục Gia Lai. Dưới con mắt của một Ths giáo dục và cũng là chuyên gia tư vấn, đâu là những điều khiến anh trăn trở nhiều nhất?
- Giáo dục Gia Lai-theo quan điểm cá nhân tôi-hiện vẫn nặng về điểm số, thành tích và cả sự phô trương. Có thể khi nói ra điều này, các bạn làm giáo dục ở Pleiku nói riêng và Gia Lai nói chung sẽ giận. Nhưng chúng ta cần nói thẳng nói thực với nhau. Phụ huynh Gia Lai cho con đi học thêm quá nhiều (có thể nói là đua nhau) để biến các em trở thành một cái computer di động chứ không giúp các em trở thành một con người có tư duy sáng tạo thực sự, để rồi khi con mình bước chân vào ngưỡng cửa đại học thì chúng gần như chỉ là những học sinh cấp 4 chứ không phải là một sinh viên đúng nghĩa. Lợi dụng tâm lý đó, hiện nay ở Pleiku tôi thấy bắt đầu xuất hiện một số “mô hình” giáo dục theo kiểu đi tắt đón đầu, chẳng hạn như chuyện “học toán siêu tốc”. Một số giáo viên thì lại “thương mại hóa” việc dạy học. Tất nhiên để đảm bảo cuộc sống ai cũng cần tiền, nhưng nếu biến nghề dạy học trở thành một cách kiếm tiền như học sinh chưa kịp đóng tiền không cho vào lớp học thêm… thì không còn giữ được hình ảnh đẹp của một người thầy. Rồi chuyện giáo viên chỉ nhận dạy học sinh khá giỏi... Tôi thấy thương các em học sinh ở Pleiku vì các em phải chịu một sức ép về việc học tập quá lớn từ bố mẹ, thầy cô và xã hội.
* Anh từng chia sẻ: “Phải làm sao để chuyện đi học của các em đúng là một niềm vui, hạnh phúc như ở các nước quanh ta: Singapore, Thái Lan hoặc xa hơn là Úc, Na Uy…”. Vậy theo anh đâu là giải pháp để đạt được mục tiêu này khi mà giáo dục trong nước vẫn đang mãi loay hoay với chuyện cải cách?
- Theo tôi, việc tạo cho học sinh niềm vui về học tập thật ra không hề có gì ghê gớm cao siêu cả, có lẽ chỉ cần một vài việc nhỏ thế này là có thể giúp các em cảm thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Thứ nhất là đừng quá đặt nặng vấn đề điểm số, tại sao lúc nào cũng phải là 8, 9, 10 điểm mà không được phép có những lúc 5, 6 hoặc thậm chí 2, 3? Ngay từ nhỏ hãy dạy cho các em nhìn nhận chuyện điểm thấp là một điều chưa hoàn thiện của bản thân và cách khắc phục. Kế đó, hãy cho phép các em được có cơ hội khắc phục những con điểm yếu bằng chính sức lực của bản thân các em (chứ không bằng cách chạy điểm). Thứ hai là hãy tạo ra một khung cảnh lớp học thật thú vị, thoải mái, các em được phép làm những gì mà nội quy nhà trường không cấm. Thứ ba, giáo viên hãy đặt mình vào vị trí của học sinh để THẤU HIỂU và CẢM NHẬN được những khó khăn các em gặp cũng như hãy khen các em một cách thật lòng với những tiến bộ nhỏ nhất của các em.
* Xin cảm ơn anh về cuộc chuyện trò thú vị này!
Phương Duyên (thực hiện)