Cụ thể, cô gái này kể về một cuộc nói chuyện giữa chồng mình và con trai. Trong đó, cậu con trai hỏi người thợ học gì để làm thợ xây. Cha của cậu bé liền đáp: “Mấy chú không đi học mới đi làm thợ xây đó con”. “Vậy nhà mấy chú thợ có máy lạnh không bố?”. “Không có”. Cậu bé nghe vậy liền thốt lên: “May quá. Con là con của bố mẹ chứ không phải con của mấy chú thợ”. Câu chuyện những tưởng chỉ là tâm sự thường ngày của một hot Facebooker bỗng khiến cộng đồng mạng dậy sóng bởi chạm vào “tự ái” nghề nghiệp.
Status này bị xóa ngay sau đó. Dù vậy, ảnh chụp màn hình vẫn được lan truyền khắp các diễn đàn. Và, gia đình này đã phải nhận không ít “gạch đá” từ cộng đồng, nhất là từ những người có người thân làm nghề thợ xây. Khi nghề thợ xây phút chốc bị đánh đồng là “không cần học”, thu nhập không đủ cao để có thể mua sắm những vật dụng thiết yếu trong gia đình thì hẳn nhiên có thể hiểu được cơn “thịnh nộ” của cộng đồng mạng. Nhất là phát ngôn ấy lại được đăng tải trên Facebook của một người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng nhất định.
Nhìn chung, trong tư tưởng của nhiều người vẫn có xu hướng coi thường nghề nghiệp lao động chân tay. Một cách vô hình, một số nghề mặc nhiên bị xếp ở vị trí thấp trong xã hội cũng do tư tưởng này. Từ bán vé số, công nhân vệ sinh môi trường, chạy xe ôm công nghệ, shipper… là những nghề dễ nhận được sự cảm thông song cũng phải chịu không ít ánh mắt dò xét, kỳ thị. Bên cạnh đó, một số hiện tượng tiêu cực của một bộ phận nhỏ trong quá trình làm việc cũng khiến nhiều nghề trở nên không mấy thiện cảm trong suy nghĩ của không ít người. Quan điểm của cha mẹ cậu bé nói trên chắc chắn có chút lệch lạc, phỏng đoán tiêu cực và “vơ đũa cả nắm” về một nghề mà mình chưa hiểu rõ hoặc chỉ mới thấy có một phần nhỏ. Giống như cách đây không lâu, một Facebooker khác ở TP. Hồ Chí Minh cũng thản nhiên đăng status “vơ đũa”, “nói xấu” nhà báo, phóng viên rằng: “Bọn báo thời nay, mình có tiền, mình bảo bọn nó làm gì cũng làm”. Status này dĩ nhiên sau đó bị xóa nhưng Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh đã đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xác minh, làm rõ và xử lý hành vi xúc phạm nghề báo, nhà báo của người này. Hoặc, không ít lần, nghề Cảnh sát Giao thông cũng bị nhắc đến với lời lẽ khó nghe khiến bản thân những người làm nghề và cả người thân không khỏi cảm thấy chạnh lòng.
Lao động là vinh quang. Dù ít hay nhiều, bất kỳ nghề nghiệp nào đã được xã hội công nhận cũng đều có hàng ngàn người đang làm việc nghiêm túc, tạo ra của cải, vật chất, giá trị tinh thần cho gia đình và xã hội. Vì thế, nghề nghiệp nào cũng đáng được tôn trọng. “Người chọn nghề” nhưng cũng có “nghề chọn người”. Mỗi người không thể hiểu hết được hoàn cảnh và lý do lựa chọn nghề nghiệp của người khác nên thay vì miệt thị, chê bai, hãy có cái nhìn thiện cảm, chia sẻ hơn khi nói về một ngành nghề nào trong xã hội.