Tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiều 12-6, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện đã tổ chức lễ tôn vinh người hiến máu tình nguyện tiêu biểu Việt Nam 2011.

Đến dự buổi lễ có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; các thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương... Đặc biệt là có sự hiện diện của 100 gương mặt tiêu biểu trên khắp mọi miền đất nước của phong trào hiến máu và vận động hiến máu tình nguyện Việt Nam 2011.

Tình nguyện viên hiến máu.
Tình nguyện viên hiến máu.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhiệt liệt chào mừng các cá nhân và đơn vị; 100 gương mặt tiêu biểu nhất của phong trào hiến máu và vận động hiến máu tình nguyện Việt Nam 2011.

Phó Chủ tịch nước đánh giá cao hoạt động hiệu quả của Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, Bộ Y tế; các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, đơn vị đã tích cực tham gia phong trào mang tính nhân đạo và nhân văn cao cả.

Phó Chủ tịch nước chỉ rõ 17 năm qua, phong trào hiến máu ở Việt Nam không ngừng phát triển. Hiến máu tình nguyện đã trở thành nét đẹp trong văn hóa sống, một nghĩa cử đẹp của người Việt Nam. 100 gương mặt tiêu biểu tại buổi lễ tôn vinh là những điển hình cho mọi người học tập.

Đặc biệt, có nhiều người đã có không dưới 50 lần hiến máu trong năm; có người không chỉ tham gia tích cực hiến máu còn vận động được trên 200 người khác cùng tham gia; có những gia đình mà tất cả thành viên đều tham gia hiến máu. Những nghĩa cử cao đẹp, anh hùng đó đã góp phần cứu được nhiều người bệnh trong cơn hiểm nghèo cần có máu...

Hiến máu cứu người là một hành động có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần hy sinh, sự chia sẻ, tinh thần cộng đồng thương người như thể thương thân trong lối sống của người Việt Nam- Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh.

Để phong trào hiến máu tình nguyện tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới, Phó Chủ tịch nước yêu cầu cần tiếp tục kiện toàn và củng cố hoạt động của Ban chỉ đạo Quốc gia. Ngoài đối tượng học sinh, sinh viên, phong trào cần mở rộng đến các đối tượng là cán bộ, công chức đang công tác tại các cơ quan trung ương và địa phương, các đơn vị lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp... Cần nghiên cứu hoàn thiện chính sách chế độ đối với người hiến máu, những người cần được tôn vinh, khen thưởng...

”Mỗi giọt máu cho đi- Một cuộc đời ở lại”; dành sự quan tâm, ủng hộ việc hiến máu là mỗi người có thể mang cơ hội sống cho người bệnh cần máu. Một người khỏe mạnh cứ mỗi lần hiến máu là có thể cứu được ít nhất 3 người bệnh. Sự kiện tôn vinh người hiến máu nhân dịp 14-6 vừa thể hiện sự trân trọng của cộng đồng, xã hội dành cho người hiến máu vừa kêu gọi các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hiến máu vì sức khỏe của chính mình và người bệnh cần truyền máu.

Trong số 100 gương mặt tiêu biểu của cả nước trong phong trào hiến máu và vận động người đi hiến máu, dự lễ tôn vinh có nhiều người có trên 50 lần hiến máu như ông Lương Đình Chiêu (63 lần), ông Phạm Huỳnh Trung (52 lần), bà Phạm Thị Thu Hằng (51 lần), đều ở Thành phố Hồ Chí Minh. Có người đã vận động được hàng trăm người khác tham gia hiến máu như ông Nguyễn Hồng Trân (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã vận động được 210 người hiến máu. Đại biểu nữ ít tuổi nhất là chị Lê Thị Thu Hiền, sinh năm 1991, sinh viên Đại học Điều dưỡng Nam Định (7 lần hiến máu). Đại biểu nam ít tuổi nhất là các anh Nguyễn Quyết Chiến (sinh năm 1990), sinh viên Đại học Sư phạm Thái Nguyên (12 lần hiến máu); Trần Quốc Cường (sinh năm 1990), sinh viên Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau (7 lần hiến máu). Người cao tuổi nhất là ông Nguyễn Thành Nhân (sinh 1953, ở Vĩnh Long), 19 lần hiến máu; ông Hà Đình Kính (sinh 1953, Vĩnh Phúc) đã 4 lần hiến máu…

Theo thống kê từ cơ quan chức năng, năm 2010, cả nước thu được 675.438 đơn vị máu, trong đó có 84,2% là từ người hiến máu tình nguyện. Nhờ đó, tổng số dơn vị máu thu được tăng 12,3% so với năm trước, gấp 3 lần so với năm 2000. Tuy nhiên, tỷ lệ hiến máu ở Việt Nam mới đạt 0,78% so với dân số cả nước, thấp so với mức tối thiểu đảm bảo an toàn cho điều trị (2% dân số); vì vậy, hơn lúc nào hết, phong trào hiến máu và vận động hiến máu tình nguyện để cứu người càng phải được đi vào trong suy nghĩ và hành động của mỗi người và toàn xã hội.

Từ năm 2005 đến nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều tổ chức sự kiện tôn vinh người hiến máu- ngày 14-6 hàng năm. Năm 2011, các tổ chức quốc tế lấy thông điệp “Mỗi giọt máu cho đi- Một cuộc đời ở lại” vừa để ghi nhận sự chia sẻ bằng máu của những người khỏe mạnh với người bệnh đồng thời khuyến khích ngày càng có nhiều người tham gia hiến máu.
Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm