Tôn vinh những giá trị của gia đình Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được gầy dựng từ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn bó bền chặt với phong trào “Xây dựng gia đình ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” và “Xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học”, phong trào xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) được đánh giá là một trong những việc làm cụ thể trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về giữ gìn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Qua phong trào này, rất nhiều người dân đã có thêm hiểu biết về gia đình và hạnh phúc gia đình, từ đó biết kính trên, nhường dưới, lễ phép với ông bà, cha mẹ, chăm sóc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ chu đáo hơn. Đây cũng là tiền đề, là nhân tố để cho con cháu học tập, rèn luyện trưởng thành, bổ sung những giá trị mới cho gia đình Việt, là nền móng xây dựng xã hội văn minh, thân thiện.

Những gia đình văn hóa tiêu biểu

 

 

Gia đình ông Nguyễn Văn Gác (thôn Grang 2, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) được người dân địa phương nhắc đến với sự ngưỡng mộ. Bởi lẽ, gia đình ông không chỉ gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào của địa phương mà còn là một trong số ít hộ có kinh tế đặc biệt phát triển, với mức thu nhập bình quân khoảng 6 tỷ đồng/năm; đi đầu trong việc đóng góp xây dựng phong trào đền ơn đáp nghĩa của địa phương và tích cực giúp người dân trong làng phát triển kinh tế.

Đó là gia đình ông Nguyễn Văn Tiến (thôn Thắng Trạch 1, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai)-một trong những gia đình 5 năm liền đạt danh hiệu GĐVH tiêu biểu (2008-2012). Cùng với việc làm ăn hiệu quả, có thu nhập 300 triệu đồng-400 triệu đồng/năm, ông Tiến luôn chia sẻ với bà con trong thôn kinh nghiệm làm ăn và cho vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, đồng thời tạo việc làm cho 5-10 nhân công lao động trong năm.

Được bà con trong thôn tín nhiệm, ông được bầu làm đại biểu hội đồng nhân dân, làm trưởng thôn từ năm 2000 và từ năm 2010 đến nay, ông kiêm luôn chức Bí thư chi bộ thôn. Đó còn là gia đình bà Kpă H’My-một trong những nếp nhà thuận hòa, hạnh phúc của Plei Djriek, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh. Bà H’My còn làm tốt vai trò của một chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn, kiêm cán bộ dân số.

Bà luôn đi đầu trong việc vận động dân làng, nhất là các gia đình hội viên trong chi hội thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt cuộc vận động “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi nên kinh tế gia đình bà luôn ổn định, thu nhập bình quân 150 triệu đồng/năm.

Trao đổi với chúng tôi khi đang chăm sóc người nhà tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ông Siu Brul (thôn A Ma Rin 1, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa)-một trong những hòa giải viên có uy tín trong thôn, người đi đầu trong phong trào xây dựng GĐVH của xã Ia Ma Rơn vui vẻ cho biết: Gia đình tôi từ năm 2005 đến nay, năm nào cũng đạt danh hiệu GĐVH. Tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, tôi luôn làm hết trách nhiệm, được bà con trong thôn yêu mến, tin tưởng.

Vì sự phát triển bền vững của gia đình Việt

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh, phong trào xây dựng GĐVH trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan, từ việc vận động các gia đình gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào của địa phương; tổ chức lao động, sản xuất kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả đến việc xây dựng gia đình thuận hòa, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng.

 

Nếu năm 2007 toàn tỉnh có 76.500/219.927 GĐVH (đạt 34,78%) thì đến năm 2009 đã công nhận 169.575/288.GĐVH (đạt 58,86%). Năm 2010, số GĐVH là 170.032/288.141 (đạt 60%), tăng 0,16% so với năm 2009. Năm 2011 công nhận 182.819/288.151 GĐVH (đạt 63,44%), tăng 3,44% so với năm 2010 và năm 2012, toàn tỉnh có 195.978/292.703 GĐVH (đạt 67%).

Tại Hội nghị tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn tỉnh và toàn quốc năm 2007, Gia Lai có 17 gia đình được Chủ tịch UBND tỉnh và Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch khen thưởng. Trong lễ tổng kết 10 năm phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2000-2010, Gia Lai có 2 gia đình được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tặng bằng khen; 4 gia đình được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.

Có thể khẳng định, phong trào xây dựng GĐVH ở tỉnh ta đã trở thành một trong những nội dung trong chương trình hoạt động của các cấp ủy đảng và chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội và đã đạt được một số thành tựu nhất định, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Các hoạt động về gia đình đã được triển khai tương đối rộng khắp; đã xây dựng các mô hình, các buổi giao lưu, nói chuyện tọa đàm, thi nữ công gia chánh, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao…

Trao đổi với P.V, ông Phan Xuân Vũ- Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh cho biết: Với tiêu chí “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững”, Gia Lai đã và đang có nhiều hoạt động để thúc đẩy phong trào xây dựng GĐVH phát triển cả về lượng và chất; phấn đấu đến năm 2015 có trên 75% và định hướng đến năm 2020 có 85% trở lên gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu GĐVH.

Theo đó, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình cũng sẽ tiếp tục được coi trọng; tập trung làm tốt việc vận động các gia đình tích cực tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, quy chế dân chủ cơ sở; phát triển các tổ hòa giải, các câu lạc bộ phòng-chống bạo lực gia đình tại cộng đồng; giữ gìn và phát huy văn hóa gia đình và truyền thống tốt đẹp của những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội; đồng thời nhân rộng các mô hình kinh tế hộ tiên tiến, GĐVH tiêu biểu; bảo đảm kết quả bền vững của chương trình xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn toàn tỉnh...

Thái Bình

Có thể bạn quan tâm