Phóng sự - Ký sự

Tổng Biên tập Nghề "đặc biệt"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhiều người đã hỏi tôi rằng: “Làm tổng biên tập có phải là một nghề không?”. Tôi làm Tổng Biên tập Báo Tiền Phong trên 20 năm và với tôi đó là một nghề, nhưng là nghề “đặc biệt”. May sao khi tôi được mời tham gia viết cuốn “Tổng biên tập-Chuyện người trong cuộc” và cuốn sách đã được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, đã thực sự trả lời câu hỏi mà nhiều bạn đọc đưa ra.
Có lẽ đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có một tác phẩm do nhiều “cựu”, nhiều “nguyên” tổng biên tập báo, tạp chí viết hay kể lại cho người khác viết. Trong 34 bài viết, chỉ có 4 tác giả không phải là tổng biên tập. Trong số các tác giả là tổng biên tập, có người đã về cõi vĩnh hằng như: Hữu Thọ, Phạm Khắc, Võ Như Lanh... Thực ra, nhiều năm trước, Giáo sư Hà Minh Đức cũng đã có một cuốn sách tên là NGƯỜI VÀ NGHỀ do một số tổng biên tập đương chức viết.
“Ở các nước, tổng biên tập là một nghề đòi hỏi nhiều trách nghiệm, nhiều kỹ năng và phẩm chất, nhưng là một công việc thú vị. Con đường để trở thành “kiến trúc sư” của một phương tiện truyền thông (nhật báo, tạp chí, truyền thanh, truyền hình, trang mạng trực tuyến) là không hề đơn giản và dễ dàng. Không có chuyện ngủ một đêm (Hai lúa) trở thành thị dân... Khi được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập của The Atlantic, một tạp chí có 159 năm tuổi của Mỹ vào tháng 12-2016, Jeffrey Goldberg đã có một quá trình công tác đáng gờm: viết 11 bài báo thuộc loại “cover story” cho tờ The Atlantic, gần đây nhất là bài báo viết về “Học thuyết Obama” (trong đó đề cập đến chính sách ngoại giao đang diễn biến của vị tổng thống này), từng được giải thưởng tạp chí quốc gia của Mỹ vào năm 2003. Đã đóng góp nhiều công sức để định hình https:/ www.thealantic.com và tạo cho tạp chí trực tuyến này một tiếng nói riêng... (Nghề Tổng Biên tập, một tham khảo từ các nước-Đỗ Đình Tấn-nguyên Phó Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Tuổi Trẻ).
Vì là một nghề nên có cả hiệp hội nghề nghiệp: “... Hiệp hội báo chí thế giới có tên là World Association of  Newspapers (WAN). Vào năm 2009, nó sáp nhập với IFRA thành Hiệp hội Báo chí xuất bản thế giới (WAN-IFRA). WAN-IFRA là một tổ chức toàn cầu quy tụ các đại diện của 18.000 sản phẩm báo chí xuất bản của 120 quốc gia, cùng 60 hiệp hội báo chí xuất bản thành viên.
Thành lập từ năm 1948, WAN-IFRA chọn sứ mệnh là thúc đẩy việc hợp tác kinh doanh giữa các “publisher” chia sẻ những kinh nghiệm tốt nhất trong lĩnh vực kinh doanh và ứng dụng công nghệ, xây dựng chuẩn mực về chất lượng cho sản phẩm, đào tạo nghiệp vụ, xây dựng các mô hình, tổ chức các hoạt động thăm dò, hay thậm chí thiết lập các lộ trình nhằm thúc đẩy tính độc lập của báo chí...”-trích bài “Hiệp hội Báo chí xuất bản thế giới” của Nguyễn Tuấn Việt-nguyên Thư ký Tòa soạn Báo Tuổi Trẻ.
Bìa tập sách “Tổng biên tập-Chuyện người trong cuộc”.
Bìa tập sách “Tổng biên tập-Chuyện người trong cuộc”.
Ở nước ta, theo tôi, tổng biên tập cũng là một nghề, nhưng là nghề “đặc biệt”. Nói như nhà báo Hà Đăng-nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân và Tạp chí Cộng sản: “Tổng biên tập là nhà báo của các nhà báo, là người làm chính trị và nghề lãnh đạo” (Thắm tình hai tổng báo và chí).
Luật pháp nước ta quy định không có báo, tạp chí, các phương tiện truyền thông tư nhân, mà là của Nhà nước và các đoàn thể, tổ chức xã hội. Tổng biên tập vừa chịu sự chỉ đạo của cấp trên vừa bảo đảm sự đòi hỏi của người đọc. Cho nên, nói như nhà báo Phan Quang (nguyên Tổng Giám đốc-Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam): “Là cơ quan của Đảng, Nhà nước, chúng ta có sứ mệnh nói những điều cần nói, đồng thời phải nói những điều người dân cần nghe và muốn làm được điều này phải biết người nghe đang cần những thông tin gì” (Tự đổi mới để phục vụ đổi mới).
Theo nhà báo Bùi Văn Danh-nguyên Tổng Biên tập Báo Xây Dựng và Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học và Công nghệ, nước ta hiện có 990 tờ báo, tạp chí được phép hoạt động, như vậy cũng là có chừng ấy tổng biên tập. Tôi cũng trên 20 năm làm tổng biên tập nên tôi thấy nếu một nhà báo giỏi chưa hẳn đã là một tổng biên tập giỏi. Nhưng, nếu một tổng biên tập giỏi, đồng thời cũng là một nhà báo danh tiếng, tờ báo đó sẽ phát triển tốt, có uy tín trong công chúng và có nhiều người đọc.
Sinh thời, nhà báo Hữu Thọ là một cây bút có uy tín, có nhiều bài viết được bạn đọc đón nhận, nên khi làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân ông cũng luôn tâm niệm: “...Làm tổng biên tập rất bận công việc quản lý nên ít có thời gian, nhưng đã làm báo thì phải viết. Viết được thì nói anh em mới nghe. Trong đời, người ta nhớ tới cây bút chứ ai nhớ lãnh đạo tờ báo. Mà mỗi người cũng chỉ để lại trong lòng người ta một ấn tượng thôi” (Người hay cãi và những bài báo của Tổng Bí thư).
Tôi về làm phóng viên Báo Tiền Phong tháng 9-1975, sau khi nước nhà thống nhất. Từ một sĩ quan điều khiển tên lửa trong chiến tranh chống Mỹ, về Báo Tiền Phong, nhiều năm tôi làm phóng viên Ban Kinh tế, Ban Bạn đọc, Ban Công tác Đoàn, rồi Trưởng ban đại diện Báo Tiền Phong ở TP. Hồ Chí Minh. Năm 1985, tôi mới được đề bạt làm Phó Tổng Biên tập và năm 1987, tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V, tôi được bầu vào Ban Chấp hành, rồi Ban Thường vụ, được đề bạt làm Tổng Biên tập Báo Tiền Phong và được phân công phụ trách khối báo chí xuất bản của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Như vậy, tôi đã có gần 10 năm viết báo và khi làm tổng biên tập tôi vẫn viết, đến đầu năm 2009, tôi được nghỉ hưu và hơn 10 năm nay, tôi vẫn viết đều, viết cho nhiều tờ báo khác nhau. Tôi nói điều này để nói lên điều mà tôi tâm đắc với nhà báo Hữu Thọ lúc sinh thời. Đã là nhà báo dù ở cương vị nào thì không thể không viết báo khi trời còn cho anh sức khỏe.
Trong cuốn “Tổng biên tập-Chuyện người trong cuộc” có nhiều bài viết theo tôi là bổ ích không chỉ cho các tổng biên tập báo, tạp chí đương nhiệm mà còn bổ ích cho các nhà báo, các biên tập viên trong các tòa soạn.
Mỗi bài viết trong cuốn sách mà theo tôi là khá lý thú và bổ ích của các “cựu” tổng biên tập đã nói lên những suy nghĩ, những vấn đề, những khía cạnh khác nhau của nghề báo, nghề tổng biên tập. Nhà báo Hữu Ước-nguyên Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân-cho rằng: Bố trí một đội ngũ làm báo cũng giống như huấn luyện viên sắp xếp một trận bóng đá! Nhà báo Lê Hoàng thì tâm đắc: Cái tâm để tạo một đội ngũ làm báo trong sáng...
Nhà báo Dương Kỳ Anh (thứ 2 từ phải sang) tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập báo Tiền phong (16/11/1953-16/11/2003) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Dương Xuân Nam (thứ 2 từ phải sang) tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Báo Tiền Phong (16/11/1953-16/11/2003) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất. (Ảnh nhân vật cung cấp). (Ảnh nhân vật cung cấp)
Tôi tâm đắc với nhà báo Hồ Quang Lợi-nguyên Tổng Biên tập Báo Hà Nội Mới (hiện đang là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam) khi ông nhấn mạnh yếu tố sự thật và lẽ phải: “Sự thật và lẽ phải đang chờ ta lên tiếng” và rất chuẩn khi cho rằng: “Tổng biên tập nào, tờ báo đó”. Thực tế tổng biên tập chính là linh hồn của tờ báo, không chỉ là người quyết định đường hướng phát triển mà còn tạo ra bản sắc riêng của tờ báo hay tạp chí.
Nhà báo Lê Văn Nuôi-nguyên Tổng Biên tập Báo Khăn quàng đỏ và Báo Tuổi Trẻ trong bài viết “Tự bạch về nghề” cho rằng: “...Trong bối cảnh và những định chế về nghề báo ở Việt Nam, tổng biên tập báo, nhất là nhật báo chính trị, kinh tế, xã hội... là một nghề thử thách khắc nghiệt nhất về tâm huyết, trí tuệ và dũng khí.
...Bởi là người “Đứng mũi chịu sào”, tổng biên tập phải biết cách đi-biết giữ thăng bằng trên “đường dây thông tin”, những khi xảy ra tình huống mâu thuẫn giữa quyền được thông tin của người dân với lệnh cấp trên của báo hoặc của một cơ quan công quyền liên quan...”. Nhận định trên theo tôi là chuẩn, điều mà những tổng biên tập báo như tôi và Lê Văn Nuôi đã nhiều năm thực hiện để bảo đảm cho tờ báo có uy tín, có nhiều bạn đọc và không “chệch hướng!”.
Trong số những tổng biên tập nữ có bản lĩnh mà tôi quen biết có nhà báo Nguyễn Thế Thanh-nguyên Tổng Biên tập Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh. Trong bài viết “Tờ báo tốt là kết quả đồng hành của đội ngũ và tổng biên tập”, Thế Thanh cho rằng: Xây dựng những cây bút và các mối quan hệ là rất quan trọng: “...Công tác đầu tiên và tối quan trọng là phải tổ chức được những cây bút. Không có những cây bút thì đừng mơ có tờ báo tốt. Để có những cây bút thì thay vì quan tâm đến chuyện nên bao nhiêu người trong biên chế và ngoài biên chế, hãy quan tâm chuyện xây dựng không gian làm nghề cho tử tế (minh bạch, trung thực, chú trọng nghề nghiệp), xây dựng chính sách đãi ngộ (vật chất và tinh thần) và xây dựng nguồn lực để thực thi chính sách...”.
Đọc những tâm sự này của Tổng Biên tập Thế Thanh, tôi hiểu vì sao tờ báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh nhiều năm qua là một trong những tờ báo có uy tín, có nhiều bạn đọc ở phía Nam. Tôi rất đồng tình với Thế Thanh và muốn nói thêm: Cần xây dựng một đội ngũ cộng tác viên tốt, có nhiều cây viết xuất sắc trong nhiều lĩnh vực, trong cả nước khi chưa có điều kiện để có nhiều cây viết xuất sắc là cán bộ, phóng viên của bản báo. Đó cũng là kinh nghiệm của chính Báo Tiền Phong thời tôi làm Tổng Biên tập.
Hầu hết bài viết của các tổng biên tập báo, tạp chí, truyền hình, phát thanh trong cuốn sách này đều bày tỏ mong muốn xây dựng một cơ quan báo chí truyền thông có uy tín, có nhiều người đọc, người xem, người nghe. Quả thực đó là một điều rất khó. Theo tôi, điều cốt lõi là báo chí và các phương tiện truyền thông phải phản ánh đúng bản chất sự thật và dám bày tỏ chính kiến của mình trước sự thật. Các bài viết phải có đủ 5 yếu tố: mới, lạ, chính xác, hấp dẫn và bổ ích.
Vấn đề kinh tế báo chí cũng được đề cập đến trong cuốn sách này. Một trong những nguồn thu quan trọng khi mạng xã hội phát triển, báo giấy ngày càng ít người mua là quảng cáo cũng bị ảnh hưởng. Báo Tiền Phong cũng như một số tờ báo đã thành lập công ty cổ phần bên cạnh tờ báo, chính là sự hỗ trợ cho nguồn thu của tờ báo lâu dài và bền vững.
DƯƠNG KỲ ANH
 
Tổng Biên tập Nghề "đặc biệt" ảnh 3
 

Có thể bạn quan tâm