Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Tổng điều tra dân số và nhà ở: Cần sự hợp tác của người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng với cả nước, sáng 1-4, tất cả 17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Gia Lai đã đồng loạt thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Đây là một cuộc tổng điều tra quy mô lớn, với tổng số 3.624 địa bàn điều tra và huy động lực lượng điều tra viên lên tới trên 1.800 người.
Sẵn sàng cho Tổng điều tra
Theo ông Nguyễn Văn Tuyên-Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, Phó Trưởng ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, thời gian thu thập thông tin của cuộc Tổng điều tra là 25 ngày, bắt đầu từ ngày 1-4-2019. Trong quá trình điều tra, các thành viên của Ban chỉ đạo phải thường xuyên kiểm tra, cập nhật thông tin lên Trang thông tin điều hành tác nghiệp Tổng điều tra. So với cuộc Tổng điều tra năm 2009, cuộc Tổng điều tra năm 2019 có nhiều điểm mới trong phương thức thu thập thông tin. Đó là ứng dụng công nghệ thông tin ở hầu hết các công đoạn, từ thu thập thông tin đến khâu tiếp nhận, xử lý, tổng hợp, phân tích thông tin điều tra. Để công tác này đạt kết quả cao, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo và Văn phòng Ban chỉ đạo tỉnh; 17 Ban chỉ đạo và Văn phòng Ban chỉ đạo huyện, thị xã, thành phố; 222 Ban chỉ đạo xã, phường, thị trấn. Theo thống kê, tổng số địa bàn điều tra toàn tỉnh là 3.624 (trong đó có 3.389 địa bàn bình thường và 235 địa bàn đặc thù) với tổng số hộ là 368.866 hộ, tổng số nhân khẩu là 1.489.040 người. Tất cả thông tin của các hộ lập bảng kê đã được cập nhật đầy đủ vào Trang thông tin điều hành tác nghiệp Tổng điều tra để phục vụ công tác chọn mẫu và điều tra thực địa.
Điều tra viên cập nhật thông tin điều tra tại các hộ gia đình ở thị trấn Kông Chro bằng điện thoại thông minh. Ảnh: Phan Lài
Công tác chuẩn bị cho cuộc Tổng điều tra đã được lên kế hoạch từ những tháng trước, vì thế Ban chỉ đạo Tổng điều tra các cấp rất chủ động trong việc tổ chức thực hiện. Theo ghi nhận tại lễ ra quân ở một số địa phương, công tác điều tra diễn ra khá thuận lợi. Sáng 1-4, không khí ra quân ở trụ sở UBND phường Ia Kring (TP. Pleiku) rất nhộn nhịp. Những thông tin tuyên truyền về cuộc Tổng điều tra được phát trên loa phát thanh của phường để người dân nắm bắt kịp thời, sắp xếp thời gian cung cấp thông tin cho điều tra viên. Ông Bùi Kim Chánh-điều tra viên tổ dân phố 6-cho biết: “Sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của cấp trên, UBND phường đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, đồng thời tiến hành chọn ra 17 điều tra viên phục vụ công tác điều tra. Địa bàn do tôi phụ trách có nhiều khu nhà trọ, do vậy công tác chuẩn bị đã được triển khai từ nhiều tháng nay. Chúng tôi cũng đến từng nhà để vận động, nhắc nhở người dân nên cuộc Tổng điều tra sẽ diễn ra thuận lợi”.
Vào lúc 7 giờ 30 phút, không khí ra quân ở thị trấn Kông Chro (huyện Kông Chro) cũng hết sức khẩn trương. Cờ, khẩu hiệu được treo ở nhiều tuyến đường, xe tuyên truyền cổ động cũng chạy diễu hành từ sáng sớm để thông tin về cuộc Tổng điều tra đến người dân. Với địa bàn rộng, có 17 địa bàn điều tra, 2.307 hộ và 10.297 nhân khẩu đã được lập bảng kê, 10 điều tra viên của thị trấn Kông Chro đã nhanh chóng, đồng loạt tỏa xuống địa bàn để bắt đầu công tác điều tra. Chị Mai Thị Ngọc Anh-điều tra viên tổ 7-cho biết: “Do đã được tập huấn rất chi tiết nên tôi nắm chắc được các thao tác điều tra trên điện thoại thông minh. Việc điều tra bằng hình thức mới này cũng thuận lợi, thao tác nhanh và chính xác hơn điều tra bằng phiếu giấy”.
Cần sự hợp tác của người dân

Ông Nguyễn Văn Tuyên-Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, Phó Trưởng ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019: “Theo kế hoạch, kết quả sơ bộ của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 sẽ được công bố vào tháng 7-2019; kết quả điều tra mẫu công bố vào quý IV-2019; kết quả điều tra toàn bộ công bố vào quý II-2020; các báo cáo phân tích chuyên đề công bố vào quý IV-2020”.

Để công tác điều tra đạt kết quả cao, bên cạnh tinh thần trách nhiệm của các điều tra viên, điều quan trọng là sự hợp tác chặt chẽ của người dân trong việc cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin trong bảng hỏi. Theo chia sẻ của điều tra viên, khó khăn lớn nhất là bà con dân tộc thiểu số thường đi làm rẫy từ sáng sớm, vì thế công tác điều tra sẽ gặp một số khó khăn nhất định. Điều tra viên Lê Nữ Luận (xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) cho biết: “Xác định khó khăn đó, các điều tra viên đã chủ động thông báo với trưởng thôn, già làng để nhắc nhở người dân. Với những trường hợp người dân vắng nhà, các điều tra viên sẽ chủ động đi điều tra vào buổi tối để kịp tiến độ”. Trong khi đó, điều tra viên Mai Thị Ngọc Anh (thị trấn Kông Chro) thì chia sẻ: “Do đã được tuyên truyền từ trước, nhiều người vì một số lý do không thể ở nhà đã chủ động liên lạc với các điều tra viên để thống nhất thời gian phù hợp nhằm cung cấp thông tin”.
Theo chân các điều tra viên đến thu thập thông tin tại một số hộ dân trong ngày đầu ra quân, chúng tôi nhận thấy việc điều tra diễn ra khá thuận lợi. Ông Nguyễn Văn Đợ (thôn Hòa Hợp, xã Ia Drăng) cho biết: “Tôi đã được nghe thông tin về Tổng điều tra dân số và nhà ở trên hệ thống loa truyền thanh của xã. Việc cung cấp thông tin là trách nhiệm và có ý nghĩa hết sức quan trọng. Vì thế, tôi rất ủng hộ và sẵn sàng cung cấp thông tin một cách chính xác cho các điều tra viên”.  
Nhóm PHÓNG VIÊN

Có thể bạn quan tâm