Tổng điều tra kinh tế và cơ sở hành chính năm 2021 ở Gia Lai: Khó tiếp cận thông tin doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời hạn tổng điều tra kinh tế và cơ sở hành chính năm 2021 (giai đoạn 1) đối với khối doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, hành chính và hiệp hội sắp kết thúc. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ kê khai thông tin khối doanh nghiệp đạt thấp. Ban Chỉ đạo các cấp khẩn trương thu thập thông tin tại các doanh nghiệp để hoàn thành theo đúng kế hoạch.
Gặp khó ở khối doanh nghiệp
Những ngày này, ngoài việc thường xuyên gọi điện nhắc nhở các doanh nghiệp khai báo, cung cấp thông tin để cuộc tổng điều tra diễn ra thuận lợi, bà Đoàn Thị Kim Thuận-cộng tác viên Chi cục Thống kê TP. Pleiku còn trực tiếp đến tận nơi hướng dẫn doanh nghiệp kê khai nhằm đảm bảo tiến độ. Tuy vậy, 105 doanh nghiệp được giao nhiệm vụ theo dõi, hỗ trợ thì còn đến hơn nửa chưa kê khai thông tin.
Theo bà Thuận, thời gian điều tra diễn ra trùng với thời điểm doanh nghiệp thực hiện quyết toán thuế quý và báo cáo quyết toán tài chính năm dẫn đến tiến độ kê khai chậm. Hơn nữa, đây là lần đầu tiên doanh nghiệp thực hiện việc tự cung cấp thông tin trực tuyến qua hệ thống website nên còn nhiều lúng túng, điều tra viên phải trực tiếp “cầm tay chỉ việc”.
Ngoài những nguyên nhân khách quan, nhiều doanh nghiệp hứa kê khai nhưng chờ mãi không thấy thông tin trên hệ thống, gọi điện đôn đốc thì tiếp tục lặp lại “điệp khúc hẹn”. Chính điều này khiến cho việc thu thập thông tin của doanh nghiệp trên địa bàn TP. Pleiku gặp khó, chỉ mới có 1.352 doanh nghiệp hoàn thành kê khai, đạt 42,37%.
Điều tra viên Chi cục Thống kê TP. Pleiku trực tiếp hướng dẫn doanh nghiệp kê khai thông tin phục vụ công tác tổng điều tra. Ảnh: Minh Nguyễn
Điều tra viên Chi cục Thống kê TP. Pleiku trực tiếp hướng dẫn doanh nghiệp kê khai thông tin phục vụ công tác tổng điều tra. Ảnh: Minh Nguyễn
Theo ông Dương Tiến Hạnh-Chi cục trưởng Chi cục Thống kê khu vực Chư Sê-Chư Pưh: Cuộc tổng điều tra trên địa bàn huyện Chư Pưh đang gặp nhiều trở ngại, tỷ lệ doanh nghiệp hoàn thành kê khai thông tin chỉ mới đạt 15% (trong tổng số 145 doanh nghiệp).
“Thậm chí, chúng tôi tham mưu UBND huyện ban hành công văn đôn đốc, nhắc nhở gửi đến tận nơi thì doanh nghiệp đồng ý ký nhận, nhưng vẫn chưa chịu kê khai. Bên cạnh đó, các điều tra viên mất quá nhiều thời gian truy tìm doanh nghiệp. Bởi lẽ, trên hệ thống thuế thì có thông tin địa chỉ doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi tìm đến thì nhiều doanh nghiệp không còn tồn tại. Chúng tôi cho lập danh sách những doanh nghiệp chưa kê khai để tiếp tục có biện pháp nhắc nhở, đồng thời làm cơ sở tham mưu xử lý sau này”-ông Hạnh nêu quan điểm.
Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Đăng Khoa-Phó Chi cục trưởng Chi cục Thống kê khu vực Chư Păh-Ia Grai cũng cho hay: Tỷ lệ doanh nghiệp kê khai đạt thấp là do gặp khó ở khâu tiếp cận để thu thập thông tin, hỗ trợ kê khai. Một phần là do doanh nghiệp nằm rải rác ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, nhất là ở các xã biên giới.
Cá biệt, tìm được địa chỉ doanh nghiệp đăng ký hoạt động thì “cửa đóng then cài”, điện thoại thường xuyên “nằm ngoài vùng phủ sóng”, lúc gọi được thì lại không xác nhận là chủ doanh nghiệp. Hay hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ở huyện, nhưng chủ doanh nghiệp lại ở Pleiku, kế toán thì cuối tháng mới đến thu thập số liệu làm báo cáo thuế.
Tăng cường giám sát, nhắc nhở
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Tuyên-Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh-phản ánh: Trước ngày 31-3, doanh nghiệp lấy lý do chưa hoàn thành báo cáo tài chính. Sang tháng 4, điều tra viên gọi điện đôn đốc thì doanh nghiệp cho rằng thời gian còn dài nên chưa vội kê khai.
Khó khăn nhất là việc một kế toán làm việc cho gần 20 doanh nghiệp nên điều tra viên phải chờ làm xong chỗ này mới làm tiếp được nơi khác. Hay nhiều doanh nghiệp không hợp tác, điều tra viên đi lại nhiều lần, doanh nghiệp nhiều lần chuyển địa điểm hoạt động nhưng không thông báo cơ quan chức năng, đăng ký địa điểm hoạt động mập mờ, không rõ ràng.
Điều tra viên Chi cục Thống kê TP. Pleiku trực tiếp hướng dẫn doanh nghiệp kê khai thông tin phục vụ công tác tổng điều tra. Ảnh: Minh Nguyễn
Việc tiếp cận thông tin doanh nghiệp phục vụ tổng điều tra còn nhiều khó khăn. Ảnh: Minh Nguyễn
Chính vì vậy, tính đến ngày 10-5, tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thông tin đạt rất thấp. Trong khi khối sự nghiệp, hiệp hội hoàn thành kê khai 100%, thì khối doanh nghiệp chỉ mới đạt hơn 40,23%. Trong đó, huyện Chư Pưh và thị xã An Khê chỉ mới đạt hơn 15%; tiếp đến là các huyện Đak Pơ, Đak Đoa, Ia Grai, Phú Thiện, Krông Pa đạt từ 23% đến trên 26%; Ia Pa, Mang Yang, Chư Sê, thị xã Ayun Pa và TP. Pleiku đạt tỷ lệ dưới 50%.
“Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương đôn đốc điều tra viên tăng cường hướng dẫn doanh nghiệp kê khai phiếu; thường xuyên kiểm tra, theo dõi tiến độ cũng như những nghiệp vụ phát sinh, vướng mắc trong quá trình điều tra để cuộc điều tra đạt hiệu quả cao nhất và tiến độ đề ra. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị nhắc nhở điều tra viên tích cực tìm đến doanh nghiệp hỗ trợ, hướng dẫn kê khai. Tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện tự cung cấp thông tin để cuộc tổng điều tra đạt kết quả cao nhất, đúng tiến độ đề ra”-Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh nêu giải pháp.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm