Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Tổng kết 5 năm công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hội nghị tổng kết diễn ra sáng 26-11 tại trụ sở UBND tỉnh Gia Lai với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các tỉnh khu vực Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước; các doanh nghiệp và đại diện các sở, ngành trên địa bàn tỉnh. Đại tướng Trần Đại Quang-Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên; ông Trần Việt Hùng-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Ngọc Đông và Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành đồng chủ trì hội nghị.
 

Đại tướng Trần Đại Quang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Hà Duy
Đại tướng Trần Đại Quang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Hà Duy

Báo cáo cho biết, trong giai đoạn 2010-2015, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên đã được quan tâm đầu tư với tổng số vốn bố trí và huy động gần 60.700 tỷ đồng. Nhiều công trình giao thông trọng yếu đã được đầu tư hoàn thành làm thay đổi bộ mặt của vùng như: đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; các tuyến quốc lộ 19, 20, 28...; các cảng hàng không Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Pleiku. Cùng với đó, hoạt động vận tải đã từng bước được quản lý chặt chẽ; từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện cho vận tải hành khách, hàng hóa được thông suốt.

Trong 5 năm qua, được sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Gia Lai đã từng bước nâng cấp, xây dựng. Tổng số vốn huy động để đầu tư xây dựng, nâng cấp các quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2015 là khoảng 6.022 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách nhà nước khoảng 3.431 tỷ đồng, vốn BOT khoảng 2.590 tỷ đồng). Hệ thống quốc lộ 14, 19, 25, đường Trường Sơn Đông đã kết nối hoàn chỉnh 12 tỉnh lộ và hệ thống đường giao thông nông thôn. Đầu tư kéo dài đường băng Cảng Hàng không Pleiku, nâng cấp và mở rộng đạt cấp 4C, có khả năng phục vụ 800.000-1.000.000 khách/năm. Cùng với hệ thống quốc lộ và cảng hàng không, hệ thống đường tỉnh cũng được quan tâm đầu tư xây dựng với tổng số vốn gần 3.340 tỷ đồng; xây dựng mới gần 430 km đường địa phương; nâng cấp, sửa chữa khoảng 1.900 km đường; 55 cầu xây mới...  

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Trong giai đoạn tiếp theo, các địa phương cần tập trung đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông tăng khả năng liên kết vùng, liên kết giữa các phương thức vận tải, ưu tiên một số công trình quan trọng có tính kết nối; xây dựng kế hoạch đầu tư theo thứ tự ưu tiên cho các công trình giao thông phải tuân thủ các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch vùng, tránh tình trạng lãng phí, tăng tổng mức đầu tư; tăng cường công tác quản lý bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo trì đường bộ. Các địa phương cần huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn để đầu tư vào các công trình giao thông... Đối với các giải pháp về vận tải, các địa phương cần khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, hiện đại hóa các phương tiện vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông; nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành luật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông Đường bộ...”.

 

21 tập thể được khen thưởng. Ảnh: Hà Duy
21 tập thể được khen thưởng. Ảnh: Hà Duy

Nhân dịp này, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tặng bằng khen cho 21 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010-2015.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm