Mùa mưa năm nay đến sớm và kéo dài hơn mọi năm. Mưa lớn, nước nhiều nên tình trạng ngập úng xảy ra trên một số tuyến đường của TP. Pleiku (Gia Lai). Dốc Hội Phú, đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn gần Siêu thị Co.op Mart Pleiku), trên một số đoạn quốc lộ 14, đường Lý Nam Đế đoạn gần Bến xe Đức Long, trước Nhà hàng Cung Hỷ-đường Wừu… gần như mùa mưa năm nào cũng gây úng ngập, nước bẩn, bùn đất nhão nhoét, rác rưởi gây ô nhiễm, hôi thối.
Ảnh: Thất Sơn |
Quan sát chỉ chừng một cây số trên quốc lộ 14 từ ngã tư Trường Trung học Lâm nghiệp đến cây xăng gần Công ty Chế biến Gỗ Hiệp Lợi đã có trên 20 tấm lưới sắt chắn rác nằm dọc con lươn và gần 10 nắp hố ga đã “không cánh mà bay”. Nhiều hố ga rộng đến mấy mét vuông sâu quá đầu người nhưng hố thì mất hết cả nắp, hố mất một phần. Còn lưới sắt lỗ thoát nước thì mất gần như toàn bộ. Chỉ chừng một cây số mà hố ga và lưới sắt chắn rác hai bên đường bị mất cắp như thế thì hàng trăm km đường trên địa bàn thành phố có bao nhiêu nắp hố ga, nắp cống, lưới sắt bị đánh cắp? Một số đoạn, kẻ xấu lại khuân luôn cả tấm bê tông hàn trên cống thoát nước để lộ những con mương trống huơ trống hoác, rình rập tai nạn chết người. Nhưng vấn đề là hình như việc này chẳng mấy ai mảy may bận tâm, vì từ nhiều tháng rồi mà chẳng thấy chúng được khắc phục, che chắn, lắp đặt trở lại.
Theo một nhân viên Công ty Công trình Đô thị, nắp hố ga, nắp cống, lưới sắt chắn rác bị mất vẫn thường xảy ra. Một số kẻ xấu đã trộm để dùng vào việc riêng nhưng chủ yếu là lấy sắt bán phế liệu. Ngành chức năng, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần ra quân chấn chỉnh nhưng sau một thời gian thì nạn mất trộm lặt vặt kiểu này lại tiếp diễn. Do không có nắp đậy hay lưới sắt ngăn cản nên vô hình trung các lỗ ga, lỗ cống trở thành nơi đổ rác thuận lợi cho nhiều người, nhất là quán xá bên cạnh. Rác nhiều, đất bùn bồi lấp nên mỗi khi mưa xuống thì nước không sao chảy thoát và cảnh úng ngập dơ bẩn lại diễn ra.
Theo sự phát triển chung, TP. Pleiku đã, đang từng ngày biểu hiện sự văn minh, hiện đại, thành trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh. Đặc biệt, từ khi được công nhận là đô thị loại II, công tác chỉnh trang đô thị càng được tỉnh, thành phố chú trọng. Nhiều tuyến đường được nâng cấp, mở rộng, vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước đồng bộ khép kín, cùng với các công trình, nhà ở xây dựng mới góp phần làm cho bộ mặt đô thị, mỹ quan thành phố trở nên khang trang, ngăn nắp, đẹp đẽ hơn lên.
Tuy nhiên như đã đề cập, “ngoại hình” thành phố cũng còn nhiều điều đáng nói, mà trước tiên là việc đảm bảo vệ sinh môi trường, xử lý nước thải. Đặc biệt là công tác đảm bảo vệ sinh môi trường. Không còn cách nào khác là đi đôi tăng cường tuyên truyền thì siết chặt quản lý, xử phạt đối với các trường hợp vi phạm vừa để bảo vệ kỷ cương trật tự vừa giữ gìn mỹ quan đô thị.
Thất Sơn