TP Pleku: Đầu tư 6 tỷ đồng xây chợ nhưng không ai vào buôn bán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chợ Chi Lăng (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) được Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Minh Phú-Gia Lai đầu tư khoảng 6 tỷ đồng và hoàn thành vào năm 2015 trên quỹ đất rộng gần 1 ha. Chợ có 22 ki-ốt và khu nhà lồng thoáng đãng cùng hệ thống bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, nhà bảo vệ, rãnh  thoát nước, khu vực xử lý rác thải, có thể phục vụ khoảng 200 hộ kinh doanh. Tuy nhiên chợ lại bị bỏ hoang hơn 2 năm nay và trở thành nơi chăn thả bò, dê của các hộ gần đó.

Ông Hoàng Minh Trượng-Chủ doanh nghiệp tư nhân Hoàng Minh Phú-Gia Lai, cho biết, khi chợ xây xong, 22 ki-ốt và các khu vực trong nhà lồng được tiểu thương, hộ gia đình đăng ký hết. Nhưng đến nay, nhiều người đã trả lại mặt bằng, ki-ốt cho doanh nghiệp. Vì vậy, hàng tháng ông Trượng phải gồng mình trả lãi ngân hàng vốn đầu tư ban đầu.

 

Chợ Chi Lăng bị bỏ hoang nhiều năm nay. Ảnh: A.T
Chợ Chi Lăng bị bỏ hoang nhiều năm nay. Ảnh: A.T

Trong khi chợ Chi Lăng bị bỏ hoang thì cách đó chưa đầy 1 km, tại ngã ba đường Trường Chinh và đường Trường Sa (thuộc phường Chi Lăng, TP. Pleiku), các tiểu thương lại tự làm sạp, dựng ô buôn bán tấp nập. Đường Trường Sa là đường tránh thành phố, còn đường Trường Chinh là một đoạn trên quốc lộ 14-cửa ngõ ra vào TP. Pleiku nên lưu lượng phương tiện giao thông lớn, nguy cơ mất an toàn luôn hiện hữu. Người dân sống xung quanh khu chợ tự phát này cũng không đồng tình với việc họp chợ ở đây vì hàng ngày họ phải chịu sự tra tấn của tiếng ồn, mùi tanh của thực phẩm và rác thải gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe. “Ai cũng bất bình với việc họp chợ ngay dưới lòng đường, nhưng chính quyền địa phương không làm gì nên  chúng tôi đành chịu vậy”-chị Nguyễn Thị Xuân Hương-một người dân sống gần khu chợ tự phát này, bức xúc.

Theo ông Hoàng Minh Trượng, nguyên nhân các chợ xây dựng tiền tỷ trên địa bàn TP. Pleiku bị bỏ hoang, một phần do chính quyền địa phương chưa cương quyết dẹp bỏ chợ cóc, chợ tạm; khi ra quân dẹp bỏ chợ cóc, chợ tạm còn có biểu hiện làm chiếu lệ theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”. Phường Chi Lăng “mạnh tay” thì các tiểu thương di chuyển về địa phận xã Chư Hdrông (TP. Pleiku) và ngược lại, xã Chư Hdrông “đuổi” thì tiểu thương lại sang địa phận phường Chi Lăng.

Thiết nghĩ, để khắc phục tình trạng nêu trên, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tiểu thương và bà con nên mua bán, trao đổi hàng hóa tại những khu chợ được xây dựng khang trang, đồng thời kiên quyết xử lý, dẹp bỏ chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn. Bên cạnh đó, nhà đầu tư khi xây dựng chợ cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền và nhân dân địa phương để lựa chọn vị trí phù hợp, cũng như có các chương trình hỗ trợ, khuyến khích tiểu thương và người dân vào chợ buôn bán.

Anh Tùng

Có thể bạn quan tâm