Phóng sự - Ký sự

Trà My, nơm nớp sống trong nỗi lo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tai nạn do sạt núi, trôi nhà, người chết, mất tích ở Trà My nhiều đến mức mạng xã hội đăng không xuể, báo chí chưa tiếp cận hết hiện trường và người dân không kể hết chuyện...

Trời như sập xuống, núi đồi nứt toác ra, ầm ầm tiếng sấm động đất... - những gì người dân Bắc Trà My, Quảng Nam kể về những trận mưa trong các ngày 3 đến 5 tháng 11.

Con số 12 người chết, mất tích ở huyện miền núi này đã khiến dân chúng bàng hoàng. Năm trong 7 thi thể được tìm thấy san sát nhau trên nhà sinh hoạt thôn Đàn Bộ đã là hình ảnh kinh hoàng, nhưng thông tin hàng trăm người khác vừa thoát nạn trong gang tất vì núi lở, vùi lấp, càng khủng khiếp hơn. Hàng trăm điểm nguy cơ sạt lở núi còn tiềm ẩn ở khắp nơi...

 

Hiện trường vụ sạt núi ở bên kia sông Trường, khiến làng bên này trôi 4 nhà, làm 4 người bị thương, 1 người mất tích.
Hiện trường vụ sạt núi ở bên kia sông Trường, khiến làng bên này trôi 4 nhà, làm 4 người bị thương, 1 người mất tích.

Núi đè, chết người hàng loạt

Mất đi cả vợ, đứa con trai và 2 người con khác bị thương nặng còn nằm viện, ông Đỗ Hạnh ở Trà My dường như không còn nước mắt để khóc người thân. Vừa xuất viện với đôi mắt thâm quần, bị khâu gần 20 mũi, ông Hạnh ngồi ôm đứa cháu ngoại 16 tháng tuổi vừa thoát chết cùng mình trong vụ sạt núi, vùi chết và bị thương 9 người đêm 5.11. Hai người thân nằm đó, trong số 5 chiếc quan tài kê sát nhau trong nhà họp thôn Đàn Bộ chuẩn bị đưa ra đồng chiều nay, nhưng ông không kịp quấn chiếc khăn tang cho vợ con. Cả thị trấn Trà My thẫn thờ, chìm trong bầu không khí tang tóc.

Thấy chúng tôi thắp hương, chia sẻ với gia đình các nạn nhân thiệt mạng, ông Hạnh mới mở lời kể về nỗi đau của mình. Ông nói, “cả chính quyền và người dân thôn Đàn Bộ không ai nghĩ khu vực nhà của chúng tôi sẽ bị sạt núi, cuốn trôi nhà cả. Nhà chúng tôi cách ngọn đồi thấp phía trước gần 100m, thêm một con đường bê tông rộng nên không thuộc diện buột phải sơ tán theo khuyến cáo của chính quyền.

Tuy nhiên, thấy mưa lớn liên tiếp nhiều ngày, điện cúp tối đen, tôi lo ngại nhà sập nên sau bữa cơm chiều 5-11, tôi động viên vợ, 3 con và cháu ngoại sơ tán sang nhà bà Võ Thị Hồng để yên tâm. Nhà bà Hồng kiên cố và xa ngọn đồi phía trước hơn. Núi cũng thấp, rừng dày đặc cây trồng... Khi mọi người vừa yên vị ở nhà bà Hồng, tôi toan quay về nhà để dọn dẹp thì bỗng nghe một tiếng nổ lớn như trời sập. Tôi bị vùi trong bùn đất, trôi xa, ngất lịm.

Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đã nằm ngoài đồng xa. Đầu đau như búa bổ, nhưng tôi lao về phía nhà bà Hồng để tìm kiếm người thân. Đêm mịt mùng, bùn lầy ngập tràn, căn nhà không còn dấu tích.

Tôi gào thét gọi tên người thân. Tất cả chìm trong tiếng mưa. Một hồi sau, nghe trong bùn đất, tiếng khóc yếu ớt của đứa cháu ngoại 16 tháng tuổi. Tôi lao đến, dùng tay đào bới. Trời ơi, đứa cháu bé bỏng còn sống.

Để đứa cháu gào thét giữa đêm đem, dưới trời mưa to, tôi tiếp tục đào bớt vô định. Nhưng trời thương, tôi đã cứu thêm được đứa con gái, dù nó đã gãy cả chân, tay. Thằng con trai, sau đấy cũng được dân làng tìm thấy dù hiện nay nó đang bị thương nặng ở đầu, không biết sống chết ra sao...”

Gia đình bà Võ Thị Hồng - hàng xóm của ông Hạnh - cũng thê lương khi cùng lúc mất đi 3 người thân. Người con trai lớn của bà Hồng đi trực lũ, đứa thứ hai là kiểm lâm cắm rừng. Thấy mưa lớn, con dâu đã đưa đứa cháu nội đích tôn về bên mẹ nó từ chiều. Ba người lớn còn lại trong nhà cũng dọn dẹp, tính chuyện sơ tán.

Lúc này cả nhà ông Hạnh sang tá túc thì tai nạn ập đến. Cả bà Hồng, con dâu và đứa trai út đều không thoát nạn. Đội tang một lúc 3 người thân yêu nhất, anh Nguyễn Thanh Bình nói không nên lời: “Tôi là cán bộ dân quân tự vệ thị trấn. Trời mưa lũ, lo đi giúp dân sơ tán, nhưng đã không cứu được vợ, mẹ và em trai út của mình”.

Nguy cơ thảm họa giăng khắp nơi

Chen trong đám đông người dân đến thắp hương cho các gia đình nạn nhân, tình cờ gặp nhau, ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My - kéo chúng tôi ra ngoài, cung cấp thêm những thông tin chấn động hơn. Ông nói, hầu hết các gia đình ở Đàn Bộ không thuộc diện nguy cơ bị sạt lở núi.

Nếu nhà ông Đỗ Hạnh, bà Hồng mà đưa vào nhóm nguy cơ phải sơ tán thì chắc cả huyện Trà My này phải di dời. Trong số hàng trăm nhà với cả ngàn khẩu buộc phải sơ tán khẩn trong bão lũ, phần lớn nằm ở vùng sâu, vùng xa, khu vực ven sông. Ai ngờ giữa thị trấn, đồi núi thấp thế này lại xảy ra thảm nạn chết nhiều người như vậy.

Ông Tuấn cho biết, cũng trong đêm 5-11, 70 người dân của 10 gia đình trong xã Trà Bui vừa di dời đến nơi an toàn thì xảy ra sạt núi. Cả 10 ngôi nhà đó bị đẩy ra đồng, vùi lấp hoàn toàn. Nếu không có sự kiên quyết của chính quyền thì thảm họa còn khủng khiếp hơn.

Đi theo “lời kể” của ông Chủ tịch huyện, chúng tôi về Trà Giang, nơi 4 căn nhà kiên cố của người dân vừa bị sóng thần cuốn đi trong chiều 5-11, chứng kiến hiện trường, chúng tôi mới hiểu thấu nghĩa hai từ “thảm họa”. Bởi người có đầu óc suy tưởng phong phú mấy cũng khó nghĩ sạt lở núi ở bên kia dòng sông Trường Giang có thể gây thiệt hại cho một xóm làng bên này sông.

Ông Ngô Văn Tiên ngồi thẫn thờ bên “ngôi nhà”, giờ chỉ còn nền đất lở lói. Ông kể, cả 3 ngôi nhà liền kề đều vừa xây mới, kiên cố với tường dày, khung gỗ tốt của 3 cha con ông gồm Ngô Văn Tiên, Ngô Văn Mẫn và cha là Ngô Văn Thông đều bị lũ cuốn sạch, không còn dấu tích. Căn nhà bên kia đường của bà Lê Thị Nga chỉ còn trơ 3 bức vách. Trong khi vợ chồng bà Nga bị thương nặng, mỗi người bị đưa đi một bệnh viện khác tuyến nhau, thì bố chồng của bà hiện vẫn trong tình trạng mất tích.

Người vừa thoát lưỡi hát thủy thần - bà Phạm Thị Thuận - kể, “tôi vừa lùa đàn bò về thì bỗng nghe tiếng nổ lớn từ bên kia sông. Núi tụt xuống, dội qua sông đang cuồng lũ, tạo nên một cột sóng cao hàng chục mét, quét ầm về phía xóm làng bên này. Tôi chưa kịp định thần thì bị cột sóng thần đó cuốn phăng ra xa.

Vừa trồi lên mặt nước, tôi thấy đứa con gái mình ngoi ngóp giữa dòng. Tôi cố bơi ra, cứu được nó. Thất thần quay về thì cả nhà mình, nhà bố và thêm nhà em chồng chỉ còn trơ một cái nền đất. Đàn bò cũng mất tích. Thảm họa không thể tưởng thế này. Chỉ còn biết kêu trời...”

QL24C nối Bắc Trà My đi huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi bị tắc hoàn toàn. Trên suốt đoạn đường này có hàng chục điểm sụt trượt nặng. Nhiều nhà dân, trạm dân phòng trên tuyến bị đẩy trôi xuống dòng sông Trường. Thảm cảnh này xảy ra khắp nơi ở Trà Giang, Trà Bui huyện Bắc Trà My, và cả huyện Nam Trà My trên thượng nguồn sông Tranh. Nhưng nguyên nửa quả đồi từ bên kia dòng sông Trường sạt lở, đổ xuống sông, tạo sóng thần, quét trôi làng bên này sông thì quả là nằm ngoài “kịch bản” phòng tránh bão lụt của chính quyền, như lời ông Trần Anh Tuấn, chủ tịch huyện.

Sáng 7-11, QL1A đoạn qua xã Hòa Phước, Đà Nẵng đi Quảng Nam vẫn còn chia cắt bởi ngập lũ. Chúng tôi phải ngược lên đường cao tốc để đến được Trà My. Tuy nhiên, trên suốt cung đường quanh co lên huyện miền núi này, nhiều đoạn phải dừng lại, chờ máy ủi thông đường vì hậu quả sạt núi.

Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, ông Trần Tuấn Anh cho biết, cả huyện đã kiệt sức trước tin đồn thất thiệt vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2, lại thêm sạt núi chết người khắp nơi đã khiến nhân dân hết sức hoang mang. Thực tế, trong vài năm gần đây, Bắc Trà My đã sắp xếp lại dân cư, quy hoạch nhiều cụm tái định cư, bố trí tập trung lẫn xen kẽ để đưa dần các hộ gia đình có nguy cơ bị sạt núi, vùi lấp đến nơi an toàn.

Tuy nhiên con số vài chục hộ được di dời mỗi năm không thể tránh ngay được thảm họa này. Mỗi năm, khi mùa mưa lũ về, gần như các huyện Nam, Bắc Trà My đều có xảy ra các trường hợp sạt núi, trôi nhà, làm chết nhiều người. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho dân trước thảm họa sạt núi là quá sức giải quyết của địa phương.

Thanh Hải/laodong

Có thể bạn quan tâm