Được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ XX, sau đó đến Mỹ nâng cấp, quốc lộ 19 đã có tuổi đời xấp xỉ 100 năm, chở trên mình nó biết bao sự kiện, buồn vui lẫn lộn: Chuyện quân và dân ta tiêu diệt Binh đoàn G100 của Pháp, chuyện Anh hùng Ngô Mây đánh bom cảm tử… Tuy được thực dân Pháp xây dựng với mục đích khai thác thuộc địa nhưng con đường này cũng đã giúp cho nền kinh tế của các tỉnh trong khu vực từng bước phát triển, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân trong vùng.
Những năm cuối thế kỷ trước, đã có lúc con đường già nua này ngày ngày oằn mình đỡ những chuyến xe chở gỗ nặng gấp chục lần tải trọng cho phép qua lại băm nát nền đường. Để giúp “cụ già” 19 kéo dài tuổi thọ, hơn 10 năm trước, Bộ Giao thông- Vận tải đã cho phép thành lập trên trục đường các trạm thu phí giao thông để có nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp con đường. Có lẽ tất cả tuyến quốc lộ trong cả nước không nơi nào có mật độ trạm thu phí dày như đường 19, với chiều dài chưa đến 200 km nhưng có tới 2 trạm thu phí: An Nhơn (Bình Định) và Hà Lòng (Gia Lai). Những tưởng như vậy thì chất lượng đường sẽ tốt hơn nhưng thực tế không phải vậy! Hàng mấy chục đoạn bị băm vằm, cày nát, trơ cả mặt đường, đặc biệt đoạn đường trên địa bàn tỉnh Gia Lai càng xuống cấp nghiêm trọng.
Từ đèo An Khê đến khu vực Núi Đá có hơn 5 điểm xuống cấp, lở lói, càng ngược lên phía Tây càng xuất hiện nhiều “điểm đen”. Nghiêm trọng nhất là ở thôn Phú Yên, xã Hà Ra, huyện Mang Yang xuất hiện một ổ voi to tướng, xe qua lại cực kỳ nguy hiểm (nhất là xe tải) nghiêng ngả như đùa giỡn với tử thần.
Đường hư tuy cũng có đơn vị sửa chữa nhưng thi công theo kiểu chắp nối, rách đâu vá đó, dùng máy cắt bê tông rồi trộn nhựa đường vá víu, dăm ba bữa đâu lại vào đó, cánh tài xế và hành khách qua lại đều lắc đầu ngao ngán cho kiểu sửa đường này. Một chuyện trái khoáy nữa là sau mỗi lần nâng cấp như vậy thì mặt đường 19 càng hẹp dần, từ lề đường cũ vào đến lề đường mới mỗi bên mất không dưới 1,5 mét, tạo thành các nấc thang sau mỗi lần trải nhựa, đồng thời xuất hiện những cạm bẫy kéo dài hai bên do mặt đường và lề đường chênh lệch nhau đến vài chục phân, vậy nhưng vẫn được nghiệm thu đưa vào sử dụng. Một tài xế xe khách chạy tuyến Pleiku-Quy Nhơn khẳng định: Chỉ cần nâng cấp như thế này vài lần nữa, hai xe muốn tránh nhau chắc phải rớt ra lề đường! Thử làm một phép tính đơn giản, cứ mỗi lần thi công trải nhựa đường 19, mỗi bên đường rút vào được vài ba tấc, trên chiều dài hàng trăm km thì số tiền “làm lợi” được là bao nhiêu?
Hai trạm thu phí được xây dựng kiên cố, hiện đại nhưng đường hư cứ hư. Người và phương tiện tham gia giao thông trên đường 19 thì cứ thử liều số phận mình trên mỗi cung đường.
Nghịch lý và thực trạng này ai cũng biết, cũng thấy, nhưng đành chịu!
Thanh Phong