Nhưng nếu nói, đó chỉ là một dàn nhạc, e rằng còn chưa đủ.
Nhóm Đàn Đó kết hợp với nghệ sĩ saxophone Quyền Thiện Đắc. |
12 năm kết tinh từ trăm năm
Nhạc cụ từ tre vốn không phải là điều gì đó quá xa lạ, đa số chúng ta đã biết đến sáo, đàn T’rưng hay khèn H’Mông… Từ hàng trăm năm nay, những âm thanh dìu dặt, thánh thót đó đã vang vọng trong đời sống, vang đến tận bây giờ. Vậy điều gì đã làm nên khác biệt cho Đàn Đó? Thắc mắc đầu tiên có lẽ là về nguyên liệu làm đàn. Chiếc Đàn Đó đầu tiên được làm từ tre, tại sao lại là tre?
“Tre rất quen thuộc với người Việt, tre xuất hiện trong truyền thuyết như “cây tre trăm đốt”, tre góp phần chống giặc ngoại xâm… Về văn hóa, tre xuất hiện trong các vùng địa lý, gắn với đời sống các tộc người bản địa. Qua cây tre, chúng tôi được tiếp cận với văn hóa các vùng miền khác nhau. Đó chính là cảm hứng vô tận để chúng tôi theo đuổi triết lý về cây tre, về các màu sắc phong phú và giàu có trong nền tảng văn hóa bản địa Việt Nam”, anh Nguyễn Đức Minh, một trong những thành viên sáng tạo nên Đàn Đó, kể cho tôi nghe về cảm hứng xây dựng nên bộ nhạc cụ của nhóm.
Với riêng nghệ sĩ Đức Minh, thời thơ ấu ở vùng rừng núi Lai Châu thuở còn hoang sơ, khó khăn đã ghi dấu ấn đậm nét trong anh về niềm khao khát làm nghệ thuật của cha mẹ, khi mẹ anh là y sĩ yêu thơ, thích viết lách còn cha là lính biên phòng, biết chơi nhiều loại nhạc cụ như guitar, accordion, kèn clarinet…
Cùng gia tài đặc biệt đó, anh trở thành sinh viên nhạc viện, gắn tên mình với đàn môi, sáo… rồi gắn bó với dự án sân khấu Làng tôi đến 2012. Nếu phân chia hành trình âm nhạc của “cha đẻ Đàn Đó” thì thời điểm 2012 chính là bắt đầu một dấu mốc mới, khi nhóm được thành lập, thực hành nghệ thuật tại Phù Sa lab, mày mò làm nên những chiếc đàn độc đáo. Đó là giai đoạn nền tảng, gây dựng nên Đàn Đó ngày nay.
Nhưng sáng tạo một chiếc đàn tre có đầy những gian nan, dù âm thanh đã là tự nhiên thì việc làm nên một thứ sao cho không phải “giông giống tự nhiên”, mà để người nghe cảm thấy như thiên nhiên dội về, để chìm đắm trong đó là việc không hề dễ dàng.
Để tìm được một ống tre ưng ý, các nghệ sĩ đã rong ruổi khắp các vùng đất từ bắc chí nam, đến những nơi có những bụi tre hoang dã, với những cây tre ít nhất từ 15-20 năm tuổi. Tre càng lâu đời thì bụi tre càng cố kết với nhau thành một khối, với lớp gai ken dài chằng chịt. Cần phải có người dân bản địa giúp đỡ, để lôi được cây tre thật ưng ý giữa bụi tre um tùm đó và mang về. “Những cây tre tốt nhất để làm đàn là những cây mà lớp vỏ bên ngoài ngả màu xanh đậm, thậm chí là đen lại do rong rêu bám lâu ngày, thân to lớn và vút thẳng lên trời”, anh Minh chia sẻ. Lấy được tre thì đem về chờ khoảng nửa năm để tre khô tự nhiên. Có những khi cây tre thoạt trông rất ưng ý nhưng qua 5-6 tháng bị rút nước, teo lại và thế là cả nhóm lại phải chờ đợi những “mẻ” cây mới.
Có ống tre khô rồi, người nghệ sĩ bắt đầu dùng đục tách cật tre, lùa vào phần bên trong ống, tạo bầu cộng hưởng. Sau đó phần quan trọng nhất tạo nên âm sắc của Đàn Đó là dây đàn. Bàn tay dùng lưỡi dao tạo độ dày mỏng của dây đàn phải cực kỳ chính xác, không phải mỏng đều mà cần tỉ mỉ từng chút và tính toán xem đoạn nào mỏng, đoạn nào dày. “Không chỉ thẩm định bằng đôi tai, tôi còn phải dùng thiết bị âm thanh để kiểm tra, cho tới khi cảm giác các bụi âm trộn vào nhau, tạo ra tiếng đàn vang hơn, dày hơn”, anh Minh cho hay.
Khi Đàn Đó với âm chính đã được hoàn thiện, anh Nguyễn Đức Minh cùng các nghệ sĩ Đinh Anh Tuấn và Nguyễn Quang Sự vẫn tiếp tục làm nên các nhạc cụ khác, từ chất liệu chính là tre, cùng đất, để tạo ra cả dàn nhạc với đầy đủ các dải âm. Có thể kể ra: đàn niêu, con tè, trống lăn, trống thanh, trống lãng, trống chum, chiêng đó, sáo thiu… và mới đây là sáo nước.
Những nhạc cụ này, khi vang lên qua mỗi khúc ca, tựa như câu chuyện kể về chính hành trình của nhóm. Từ những thanh âm nhẹ nhàng, trong sáng đến hùng hồn, vang dội và người nghe còn có thể nhận thấy một chút dí dỏm, duyên dáng đâu đây. Những bài ca như Thi-iu (chính là tên của cây sáo thiu) nói về nỗi buồn nhớ một người nhưng lại ẩn giấu tình yêu và niềm yêu đời, giống như là trong buồn “thiu” thì lại có “iu”. Hay hành trình “đi đó” trắc trở ở vùng non cao được thể hiện mạnh mẽ và kịch tính… Tất cả làm nên một dàn hợp âm vừa trong sáng, hấp dẫn như thiên nhiên, cuộc sống, lại thật là tình như tâm hồn của người nghệ sĩ vậy.
12 năm, không quá dài nhưng là cả thanh xuân của các nghệ sĩ, với tuổi trẻ, sự nhiệt huyết và cần mẫn, sức sáng tạo không ngừng nghỉ, để tạo ra một dàn nhạc độc nhất vô nhị, mang đậm dấu ấn của nhóm.
Trong thời gian này, các thử nghiệm âm nhạc sáng tạo của Nguyễn Đức Minh và nhóm có môi trường để phát triển. Anh tham gia vào các dự án âm nhạc lớn hơn như Seasound dàn nhạc bản địa Đông Nam Á, tạo nên “Chém gió concert”, “Lời của tre”, “Đàn Đó”...
Đột phá để ra thế giới
Đến nay, sau 12 năm, có thể nói Đàn Đó đang tạo ra một bước ngoặt đáng nhớ khác, khi tiếp tục triết lý thực hành nghệ thuật của riêng mình, nhưng dưới một diện mạo và sứ mệnh mới. Có thể là ngẫu nhiên, nhưng cũng có thể theo quy luật vận hành của đất trời, 12 năm là một giáp, hết một chặng đường để người ta bắt đầu vòng quay mới. Và với Đàn Đó cũng vậy, giờ đây họ muốn âm thanh của Đàn Đó sẽ vang xa hơn, ra ngoài biên giới, với tinh thần âm nhạc đương đại.
Không chỉ dừng ở thử nghiệm với các nhạc cụ truyền thống như đàn môi, kèn lá, đàn tính, sáo…, Đức Minh và các đồng nghiệp đã có những thử nghiệm và thực hành đột phá, tưởng như tương khắc - đó là kết hợp với âm nhạc và khí nhạc phương Tây: Beatbox, guitar bass, nhóm nghệ sĩ đương đại Limebócx, nghệ sĩ Cello Bryan Charles Wilson.
Trong đó, cuộc gặp gỡ âm nhạc của Đàn Đó với nghệ sĩ Jazz Quyền Thiện Đắc được anh Đức Minh gọi là “một mối lương duyên đặc biệt”. Bởi cả đôi bên có điểm xuất phát khác biệt về phong cách - một bên là nhạc Jazz Tây phương và một bên là âm nhạc bản địa Việt. Nhưng họ đã kết hợp với nhau bởi có cùng nhận thức sâu sắc về những giá trị từ di sản văn hóa Việt, cũng chính là yếu tố mang lại cảm hứng sâu sắc cho những tác phẩm của Đàn Đó và Quyền Thiện Đắc. Nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc từng chia sẻ “Với nhóm Đàn Đó cái tương tác của tôi là làm cho nhau thêm đẹp hơn. Và chúng tôi nói được nhạc jazz bằng ngôn ngữ bản địa”.
Và họ đã cùng nhau làm nên những đêm “Xuyên Không” thật huyền diệu. Trong dự án âm nhạc này, từ “Xuyên Không” được nhắc đến như là phép ẩn dụ của tính vật thể và phi vật thể khi hai phong cách nhạc dân gian bản địa là chiều không gian của quá khứ đi đến thực tại và nhạc Jazz Tây phương đi từ thực tại tìm về quá khứ nguồn gốc văn hóa mà mình được định vị. Ở chiều còn lại của tương lai sẽ có thể là sự gặp gỡ thú vị này?
Theo lý giải của các nghệ sĩ, thì “xuyên” tượng trưng cho những người nghệ sĩ đương đại, đã định vị nền tảng văn hóa của mình cùng cất lên những thanh âm giọng nói bằng nhạc cụ, Đàn Đó và kèn saxophone. Còn “Không” là không gian âm nhạc vô định đa chiều mang tính ước lệ về thời gian, hiện tại, quá khứ, tương lai. Như âm thanh của tre và đất sẽ tạo cảm giác về quá khứ, về một sự nguyên thủy hoang sơ tinh khiết hay kèn saxophone mang lại cảm giác của không gian hiện thực.
Qua câu chuyện âm nhạc của “Xuyên Không” cùng với ngôn ngữ phong cách thể hiện ở các chiều không gian âm nhạc, người nghe có cảm giác đôi lúc đang ở quá khứ của một vùng văn hóa bản địa hoang sơ nào đó, rồi ngay lập tức với sự chuyển biến bất ngờ của âm nhạc, lại được đưa về thực tại một cách vô thức, và hướng tới tương lai bằng sự lạc quan dễ thương mà tinh thần âm nhạc của chương trình mang lại.
Gần đây nhất, ngay trước thềm Giáng sinh, nhóm Đàn Đó đã có sự kết hợp với Bryan Charles Wilson - một nghệ sĩ Cello người Mỹ với khao khát tìm tòi sáng tạo để đưa màu sắc âm nhạc dân gian Việt vào tác phẩm của mình. Sự kết hợp này mang lại một tinh thần khác biệt cho ngôn ngữ biểu diễn của cây đàn Cello - một nhạc cụ cổ điển phương Tây và Bryan mong muốn sẽ chia sẻ sự kết hợp thú vị này với những thính giả quốc tế.
Với tư duy độc lập, tình yêu sâu sắc với văn hóa bản địa Việt Nam, từ hành trình tìm kiếm âm thanh thuần khiết của mình, đóng góp thêm giá trị cho kho tàng nhạc cụ Việt; nhóm Đàn Đó đang dấn thân vào một chặng đường mới - đưa âm nhạc của Đàn Đó đi ra thế giới. Và họ xứng đáng được đón nhận, trước tiên từ những người Việt.