Phóng sự - Ký sự

Trăm năm tơ lụa dưới tay người

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Những lách cách thoi đưa, những màu phẩm loang vải, những bãi dâu xanh rì trong gió tưởng sẽ chỉ còn trong quá vãng. Nhưng, thứ lụa tiến Vua của vùng đồng bãi sông Thu Bồn bây giờ đã được vực dậy.
Hoang hoải tơ tằm
Nhắc đến tơ lụa Mã Châu ở thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), ông Trần Hữu Phương, Giám đốc Công ty TNHH tơ lụa Mã Châu mắt sáng bừng như chạm đúng nỗi niềm. Bởi hơn ai hết, ông là người gắn bó và chứng kiến, cũng như trải qua nhiều thăng trầm nhất của làng dệt cho tới tận bây giờ. Ông là hậu duệ 18 đời của người dệt lụa Mã Châu. Và cũng chính ông, người từng muốn bỏ nghề của cha ông, nhưng rồi như sự thôi thúc của tiền nhân, ông trở lại và vực dậy lụa Mã Châu như bây giờ.
 
Ông Trần Văn Phương trong kho lụa của mình.
Ông Trần Văn Phương trong kho lụa của mình.
Thủng thẳng trong câu chuyện của làng mình, ông Phương như người mộng tưởng về thời quá vãng vàng son cách đây mấy trăm năm. 18 đời trong gia đình ông dệt lụa, ướm chừng cũng mấy trăm năm. Trong trí nhớ của ông thì làng lụa Mã Châu là cái tên mà khoảng 400 năm về trước ai cũng biết tới. Bên dòng sông Thu Bồn hiền hòa này, đồng đất rất hợp với cây dâu tằm. Và, người làng thuở khai khẩn nơi đây, sinh tụ cùng với người Chăm ở kinh đô Trà Kiệu này đã cùng tạo nên một thương hiệu lụa nổi tiếng thời bấy giờ. Lụa Mã Châu đã nổi tiếng khắp Đàng trong, Đàng ngoài, theo chân các thương thuyền Trung Quốc, Nhật quốc từ thương cảng Hội An đi khắp các vùng biển.
Trong mạch ngầm trí nhớ, ông Phương như mường tượng ra cảnh người làng từ già đến trẻ, người trồng dâu, người chăm tằm, người xe sợi, người nhuộm lụa... tiếng gọi tiếng cười tiếng mua bán giăng kín cả làng lụa này. Kí ức ấy, ông chưa bao giờ dám quên. “Ngày xưa, ở đây là một làng nghề rất trù phú. Gần 100% người dân đều sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm và ươm tơ dệt lụa. Thuyền buôn của các nước vào tới tận đây để trao đổi hàng hóa với làng nghề của chúng tôi. Cách đây hơn 400 năm, chỉ có người dân làm nghề tơ lụa mới giàu có nhất vùng này thôi!”, như niềm tự hào với tiền nhân, ông Phương nhấp ngụm trà đặc và kết lại một câu như thế. Chỉ chừng đó thôi, đủ thấy thời đỉnh cao của làng nghề dệt lụa này đã huy hoàng đến mức nào.
 
Sản phẩm đặc trưng của lụa Mã Châu.
Sản phẩm đặc trưng của lụa Mã Châu.
Nhưng rồi thời cuộc, chiến tranh, rồi kinh tế thị trường... tất cả vùi những kỷ niệm hoàng kim ấy xuống dưới cơm áo gạo tiền. Chiến tranh tàn phá những vùng đồng màu trồng dâu, người làng ly tán, khung cửi gãy vỡ nằm bỏ trong góc nhà chẳng còn ai mặn mà sửa chữa. Những năm 80-90 của thế kỷ trước, làng chẳng còn mấy người dệt lụa. Rồi khi vải Trung Quốc tràn về Việt Nam những năm đầu thế kỷ 21, tăm tiếng làng lụa nổi danh một thời đã bị quên lãng. Trong làng ít người còn biết rằng thời phong kiến, lụa Mã Châu là một trong những sản vật để cống tiến cho triều đình nhà Nguyễn may trang phục cho các vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa và quan lại trong triều. Là loại vải lụa mà thương nhân Trung Quốc, Nhật Bản, Tây phương phải dong thuyền từ Hội An vào sâu trong lưu vực sông Thu Bồn để đặt hàng, chờ lấy hàng trong nhiều ngày. Tất cả chỉ còn là quá vãng, là hồi ức của một số người đau đáu với làng nghề.
Làng lụa Mã Châu cứ thế lụi dần, tàn dần. Những nương dâu không người chăm bón, người dân chuyển sang trồng nhiều loại ngũ cốc khác. Nhiều khung cửi bị bỏ phế, mối mọt hư hỏng. Người làng cái tay không còn quen đưa thoi, bàn chân không còn quen dập, con mắt không còn quen nhìn màu nhuộm nữa.
 
Nghệ nhân, truyền nhân Trần Hữu Phương.
Nghệ nhân, truyền nhân Trần Hữu Phương.
Khơi vực từ những lụi tàn
Đưa tay chỉ vào từng phiến lụa còn dang dở, chưa thành phẩm, ông Phương nghẹn ngào như thể trút hết lòng mình trong đó. Một làng nghề cổ xưa tồn tại bên sông Thu Bồn là thế nhưng, thời cuộc đã nghiền nát làng lụa bằng những biến cố. Từ một làng quê dệt nên những tấm lụa nức tiếng trong nước và theo thương thuyền đi khắp thế giới, lụa Mã Châu dần biến mất trong nặng trĩu nỗi buồn. Ngay cả như ông Phương, người được coi là truyền nhân 18 đời của người khai sinh và tạo nên làng lụa này cũng từng có thời bỏ nghề, bỏ làng tìm phương khác mưu sinh.
Những năm 1990, ông Phương vào TP Hồ Chí Minh với hy vọng có thể sống được ở đất đô thành. Nhưng, là người của làng lụa, làng dệt, làm sao ông có thể quên được quê hương cố xứ nơi mình sinh ra, nơi mà tăm tiếng lẫy lừng của làng dệt đã được khẳng định hàng trăm năm. Những năm tháng ở phương Nam, lúc nào ông cũng đau đáu một nỗi niềm cho làng nghề. Ngày giỗ tổ ở làng lụa, cha ông nắm lấy tay người con trai đang tha phương mà thều thào, rằng hãy về quê nhà trồng lại điền dâu, cùng mọi người dựng lại làng lụa. Đó là tâm nguyện cuối cùng của cha ông, một người thợ dệt cả đời chưa từng quên khung cửi. Và, ông Phương tìm tới ông Trần Hữu Diện từng là nghệ nhân dệt rất nổi tiếng ở Mã Châu khi ấy cũng đang ở TP Hồ Chí Minh. Để rồi, cả hai dắt díu nhau về đồng đất quê nhà.
Người làng bán tín bán nghi, ngay cả người trong họ tộc cũng không tin ông Phương có thể gầy dựng lại nghề dệt lụa huy hoàng như thuở trước. Nhưng, ông Phương đã thề: “Dù có chết tôi cũng xin chết như một con tằm bên gốc dâu Thu Bồn!”. Rồi cứ thế, ông và ông Diện người trồng dâu, người đi tìm mua lại khung cửi. Tìm mua khắp trong vùng, vào tận phía Nam để mua. Người Mã Châu ở phương Nam cũng nghi hoặc nhưng rồi khi họ thấy điền dâu tốt tươi, tằm tơ óng mượt, chỉ có khung cửi vắng tay người đưa thoi. Thế là họ kéo nhau về, làng Mã Châu ngày ấy vui như hội khi đón những đứa con dệt lụa trở về từ phương xa.
 
Nghề dệt truyền thống vẫn được người dân Duy Xuyên lưu giữ.
Nghề dệt truyền thống vẫn được người dân Duy Xuyên lưu giữ.
“Nói thì tưởng dễ nhưng những ngày đó tôi và anh Diện, cùng một số người trong làng phải vật lộn giữa việc khôi phục làng nghề với chén cơm manh áo. Thời điểm ấy, hầu như cả Mã Châu chỉ còn một vài người bám trụ nghề cũ. Tôi cùng mọi người phải sửa chữa khung dệt, đưa thêm kỹ thuật hiện đại vào để tăng năng suất, rồi cầm cố gia sản để lấy tiền trả chi phí, công cán!”, kể về những ngày tháng cam go nhất ấy, mắt ông Phương ngân ngấn nước.
Ngay cả hai cô con gái của ông, khi thấy ông chong đèn bên khung cửi, tiếng lách cách của khung dệt vọng vào đêm như át cả tiếng côn trùng rỉ rả, hai cô con gái như chảy cùng nhiệt huyết của cha mình. Cô con gái đầu khi ấy đang là nhân viên ngân hàng đã xin nghỉ việc về phụ với ông, cô thứ hai sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học Huế cũng về với làng lụa. Bằng kiến thức, bằng sức trẻ, vận dụng những cách thức thương mại hiện đại, hai cô gái đã góp phần đưa lụa Mã Châu đến với người tiêu dùng nhiều hơn.
Hợp tác xã dệt lụa Mã Châu, mà sau này đổi tên thành công ty do ông Phương đứng tên đã có sức sống trở lại. Cơ sở của ông trồng dâu, dệt lụa, hai cô con gái của ông tìm kiếm thị trường, tiếp cận khách hàng. Sản phẩm lụa Mã Châu cứ thế từng bước hồi sinh thần kỳ giữa gian khó trập trùng. Khi Việt Nam mở cửa, hội nhập sâu rộng, khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn, lụa Mã Châu làm ra được khách hàng trong nước lẫn du khách quốc tế yêu thích và họ thực sự sửng sốt trước lịch sử cũng như sự vực dậy thần kỳ của một làng nghề tưởng chừng đã lụi tàn vĩnh viễn.
 
Màu lụa hoàn toàn được lấy từ tự nhiên, như loại hoa đậu biếc dùng để nhuộm màu.
Màu lụa hoàn toàn được lấy từ tự nhiên, như loại hoa đậu biếc dùng để nhuộm màu.
Dưới ánh sáng trắng của chiếc đèn tuýp, người đàn ông đã ngoài ngũ tuần vẫn hì hụi bên những chiếc máy dệt lụa. Cả không gian chỉ vang lên những tiếng xập xình đều đặn. Ông lắng nghe những chiếc máy dệt như lắng nghe chính trái tim mình, chỉ cần một chiếc máy, hay một bộ phận nào đó có tiếng động lạ, đôi mắt ông trở nên đăm chiêu.
Đã đi qua nhiều nhọc nhằn của đời người, đời nghề và những thăng trầm, biến cố, khiến ông hiểu hơn về lụa, về Mã Châu, về cái nghiệp của cha ông mình. Ngày Mã Châu hồi sinh trở lại, có người đến đặt vấn đề hợp tác với ông. Nhưng, ông lắc đầu. Ông hiểu, có thể Mã Châu sẽ phát triển hơn nữa nhưng sẽ buộc phải đánh đổi. Điều ông lo nhất là lụa Mã Châu sẽ bị lạm dụng, sẽ bị trộn lẫn với những loại lụa kém chất lượng khác. Khi ấy, lụa Mã Châu vang tiếng một thời sẽ bị ảnh hưởng, hồn cốt của Mã Châu gần 400 năm qua không thể nào bị “ô bẩn” dưới tay ông được. Vì thế, đến tận bây giờ, dù còn nhiều khó khăn để trở về thời hoàng kim ngày trước nhưng ít ra ông Phương đã làm được điều cha ông nhắn nhủ, làm được điều ông ấp ủ hơn 20 năm qua, đó là sống lại lụa Mã Châu nổi tiếng một thời.
Ông Văn Bá Thanh, Chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước cho biết: “Hiện nay, với 39 cán bộ, công nhân viên, bình quân mỗi năm, Công ty Dệt lụa Mã Châu sản xuất được khoảng 200 ngàn mét lụa các loại. Đến năm 2022, dự kiến công ty sẽ sản xuất và cung ứng cho thị trường khoảng 1 triệu mét vải lụa tơ tằm các loại, đạt doanh thu khoảng 50 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, công ty sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 100 lao động, với mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng. Để bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống của quê hương, tất cả các công đoạn sản xuất đều được thực hiện theo quy trình truyền thống. Đó cũng là tâm niệm của anh Trần Hữu Phương và của người dân làng nghề sản xuất lụa Mã Châu.
Hiện nay, nhằm đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) đã quy hoạch hơn 200 ha chuyên canh trồng dâu nuôi tằm phục vụ nguồn nguyên liệu chất lượng cao cho làng nghề duy trì sản xuất, phát triển”.
Tiêu Dao - Nhuận Mẫn (cand.com.vn)

Có thể bạn quan tâm