Thời sự - Bình luận

"Trận chiến" phục hồi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thắng lợi bước đầu của việc phòng chống Covid-19, chúng ta vừa phải hết sức cảnh giác với đại dịch còn đang hoành hành khắp thế giới vừa lập tức bước vào "trận chiến" mới quyết liệt không kém là phục hồi kinh tế.
Cho dù đã kiểm soát tốt với số ca mắc rất thấp so với khu vực cũng như thế giới và đặc biệt chưa có trường hợp nào tử vong, song dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế nước ta. Tăng trưởng GDP quý I/2020 đạt 3,82%, mức cao so với các nước ASEAN, song là mức tăng thấp nhất 10 năm gần đây của nước ta. Mức tăng trưởng thấp này tác động lớn tới tăng trưởng kinh tế của năm 2020, năm cuối cùng của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020.
Thế nên, ngay khi kiểm soát được dịch Covid-19, chúng ta đã lập tức đặt ra nhiệm vụ "kép", vừa không để dịch tái bùng phát, đồng thời nới lỏng giãn cách xã hội, khôi phục nền kinh tế chạm đáy sau cả thập kỷ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp ngày 9-5 đã yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam cần đóng góp vào phát triển, kinh tế sau dịch phải "tăng trưởng hình chữ V, chứ không phải chữ U, càng không phải chữ W". Người đứng đầu Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng năm nay đạt 5%, cao gần gấp đôi so dự báo 2,7% của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong khi lạm phát dưới 4%.
Nếu nhìn vào những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề thời gian qua và triển vọng thời gian tới như du lịch, hàng không... thì có không ít người sẽ than khó. Nêu lý do đại dịch Covid-19 "tàn phá" kinh tế thế giới trong khi nước ta là nền kinh tế có độ mở cao để không mạnh mẽ, quyết liệt, tìm tòi, sáng tạo biến nguy thành cơ thì dễ dàng và an toàn quá. Song tốc độ tăng trưởng thấp sẽ tác động ra sao tới sự phát triển kinh tế - xã hội, chính sách an sinh, an ninh quốc phòng...?
Đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng tới kinh tế nước ta, song cũng lại hé mở những cơ hội mới, nhất là nhằm điều chỉnh, thay đổi để thích ứng. Việc giành chiến thắng bước đầu rất quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19 đã làm nổi bật hình ảnh Việt Nam như một quốc gia kiểm soát tốt khủng hoảng, nơi an toàn để đầu tư, kinh doanh, du lịch. Điều này rất quan trọng, mở ra cơ hội lớn trong bối cảnh đang có sự dịch chuyển lớn của chuỗi cung ứng toàn cầu trong khu vực. Cơ hội đã mở, nắm được hay không do chính chúng ta, đặc biệt là những "người lính tiên phong" trên mặt trận kinh tế là doanh nghiệp.
Khi khó khăn cũng là dịp để thấy rõ hơn những nút thắt, lực cản với nền kinh tế, nhất là với doanh nghiệp. Trong cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp, người đứng đầu Chính phủ đã chỉ rõ khi yêu cầu các bộ, ngành phải chống lại sự vô cảm, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp thông qua cắt giảm nhanh thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh.
Chúng ta đã thắng bước đầu quan trong cuộc chiến chống Covid-19 với tinh thần "chống dịch như chống giặc", nay cũng rất cần một tinh thần, khí thế quyết liệt, mạnh mẽ như vậy trong "trận chiến" phục hồi kinh tế. 
Theo PHẠM DƯƠNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm