Trăn trở tìm đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Từ lâu, việc duy trì dệt thổ cẩm của người Bahnar ở xã Tơ Tung, huyện Kbang không chỉ nhằm lưu giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều gia đình. Song, cùng với xu hướng phát triển của xã hội, sức tiêu thụ các sản phẩm thổ cẩm giảm dần, những người tâm huyết với nghề không khỏi trăn trở khi đầu ra cho sản phẩm gặp khó khăn.

 Những phụ nữ nhiều tuổi ở xã Tơ Tung vẫn còn tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: Hồng Thương
Những phụ nữ nhiều tuổi ở xã Tơ Tung vẫn còn tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: Hồng Thương

Theo bà La Thị Hồng-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tơ Tung thì trên địa bàn xã hiện có 1.037 phụ nữ. Trong số 480 phụ nữ người Bahnar thì có đến 200 chị biết dệt thổ cẩm. Trong đó, nổi bật nhất là các chị: Đinh Thị Jép, Đinh Thị Chuột. Bằng đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của mình, họ đã dệt nên những sản phẩm có tính thẩm mỹ, độ bền cao và được rất nhiều người dân trong làng ưa chuộng tìm đến mua.

Chị Jép chia sẻ: “Trước đây, hầu hết phụ nữ trong xã đều biết dệt thổ cẩm và ai cũng biết trồng bông, quay sợi, làm thuốc nhuộm để tạo ra những sợi chỉ có màu sắc. Bây giờ, việc dệt thổ cẩm khỏe hơn nhiều. Người ta chỉ cần sắm cho mình một khung cửi và không cần trải qua các công đoạn làm sợi bởi ngày nào cũng có người mang sợi vào tận làng bán. Nếu chăm chỉ, trung bình mỗi tuần cũng dệt được 2 tấm áo. Màu sắc của sợi vải cũng ngày càng phong phú hơn nên sản phẩm có tính thẩm mỹ cao hơn”.

Những phụ nữ trẻ tuổi thường dệt những sản phẩm đơn giản, ít hoa văn như túi địu con, khố nam. Họ cũng thường xuyên tìm đến những nghệ nhân có tiếng dệt giỏi để học hỏi kinh nghiệm. Tháng 6-2013, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại Gia Lai tổ chức lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho 50 học viên là phụ nữ Bahnar trên địa bàn xã. Sau khi kết thúc lớp học đến nay, nhiều người đã biết dệt nhiều loại như áo váy, khăn trải bàn, túi đeo, khố với những hoa văn phong phú.

 

 Đinh Thị Jép-một trong những phụ nữ nổi tiếng dệt thổ cẩm đẹp nhất nhì của xã Tơ Tung.Ảnh: Hồng Thương
Đinh Thị Jép-một trong những phụ nữ nổi tiếng dệt thổ cẩm đẹp nhất nhì của xã Tơ Tung. Ảnh: Hồng Thương

Tuy nhiên, những sản phẩm của họ làm ra vẫn chưa có thị trường tiêu thụ. Đa số sản phẩm chỉ phục vụ trong sinh hoạt gia đình. Chị Đinh Thị Jép chia sẻ thêm: “Mặc dù các sản phẩm thổ cẩm làm ra nay đã phong phú hơn về mẫu mã và bền nhưng vẫn không thể cạnh tranh được với nhiều mẫu mã quần áo đẹp, lại có giá rẻ đang được bày bán trên thị trường. Vì vậy, với nhiều chị em mới biết dệt, họ chỉ dệt những sản phẩm thông dụng để sử dụng trong gia đình. Còn với gia đình tôi, trung bình mỗi tháng chỉ bán được 1 đến 2 cái nên tôi chỉ dệt cầm chừng để sử dụng trong gia đình và bán cho những gia đình không biết dệt vào các dịp làng có lễ hội”.

Để giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại Gia Lai đã từng mang các sản phẩm này bán tại các hội chợ và được khá nhiều khách hàng để ý. Song đến nay các sản phẩm vẫn chưa tiêu thụ được vì không được đặt hàng trước nên kích cỡ không phù hợp với khách hàng. Hội Phụ nữ xã cũng đã tích cực tìm để giới thiệu mối đặt hàng cho bà con nhưng đến nay vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định. Bà La Thị Hồng cho biết thêm: Hiện nay, trình độ dệt thổ cẩm của chị em phụ nữ trên địa bàn ngày càng được nâng lên. Sản phẩm họ làm nên cũng khá độc đáo và ấn tượng. Vì vậy, sẽ không khó khăn gì để duy trì nghề dệt thổ cẩm cho bà con nếu như chúng ta tìm được đầu ra cho sản phẩm. Và khi đó, chúng tôi sẽ phát triển thêm thành viên dệt thổ cẩm ở các làng bằng hình thức thành lập mô hình người lớn dạy trẻ nhỏ để thu hút giới trẻ cùng tham gia học dệt. Qua đó, vừa tạo việc làm cho người lao động vừa góp phần lưu giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc”.

Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm