Thời sự - Bình luận

Trân trọng những giá trị tốt đẹp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Giữa vô vàn lựa chọn của khán giả: đọc một cuốn sách, đi cà phê với bạn bè, lướt mạng xã hội… làm sao để thuyết phục họ ngồi trước tivi và theo dõi trọn vẹn một chương trình truyền hình là thách thức không nhỏ với các đơn vị sản xuất. Bài toán đó luôn khó nhưng không phải không có lời giải.  

“Có bạn nào coi hết mùa 1, sang mùa 2, đến tận mùa 3 vẫn coi không thiếu tập nào như mình không”, là một bình luận để lại trên YouTube nhà sản xuất chương trình Ký ức vui vẻ. Mùa 3 của chương trình vừa trở lại trên sóng VTV3 vào tối chủ nhật hàng tuần. Hơn 2 triệu lượt xem Ký ức vui vẻ trên YouTube có thể không phải là quá nhiều so với một vài chương trình đình đám khác gần đây. Nhưng con số 20.000 lượt thích có thể là dẫn chứng cho thấy sự yêu mến của khán giả đối với chương trình.

Ngay trước Ký ức vui vẻ, trong cùng khung giờ, chương trình Ca sĩ ẩn danh cũng tạo được nhiều thiện cảm với khán giả. Tương tự, Bài hát đầu tiên với phương châm lấy ca sĩ và âm nhạc làm nền tảng nhằm tôn vinh sự nghiệp và tri ân những gì họ đã đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam, nhận được nhiều yêu thích. Những Ngôi sao đương thời, Ký ức ngọt ngào, Quán thanh xuân, Mãi mãi thanh xuân, Giai điệu tự hào, Miền ký ức… chứng minh một điều là khán giả vẫn luôn quan tâm, ủng hộ các chương trình nghiêm túc, hấp dẫn trên sóng truyền hình. Và không thể không nhắc đến SV 2020, chương trình từng là thanh xuân của biết bao thế hệ sinh viên Việt Nam. 24 năm kể từ lần lên sóng đầu tiên vào năm 1996, có rất nhiều thứ đã thay đổi nhưng cái chất của sinh viên Việt Nam: thông minh, đam mê, sáng tạo vẫn luôn bùng cháy.  

Mỗi ngày, trên sóng truyền hình luôn ngập tràn các gameshow, chương trình truyền hình thực tế thuộc đủ thể loại. Những món ăn giải trí ấy đa dạng nhưng không ít trong số đó nhàm chán, nhạt nhòa và sớm nở tối tàn. Chưa kể đơn vị sản xuất nào cũng muốn gây sự chú ý nên dùng đủ chiêu trò để lôi kéo khán giả, thậm chí chấp nhận những cách làm phản cảm, lố lăng thậm chí là dung tục. Trong hằng hà sa số chương trình ấy, những chương trình hướng đến và đi tìm giá trị nhân văn kết hợp tính giải trí vẫn có chỗ đứng rất riêng biệt và có sức sống trong lòng khán giả.  

Nhưng nào đâu cứ phải các chương trình truyền hình về ký ức, hoài niệm khi xuất hiện là mặc nhiên đã thành công? Kể về giá trị cũ mà không cũ mòn, sáo rỗng mới là bài toán khó. Có một thời gian, rất nhiều chương trình cũng “đào mộ” quá khứ nhưng lại chọn cách khai thác đời tư nghệ sĩ làm chiêu trò câu khách. Nhưng nói như một nghệ sĩ khách mời khi xuất hiện trong Ca sĩ ẩn danh, ranh giới giữa thương hại và thương cảm rất gần nhau. Nhưng để khán giả thương cảm mới khó, chứ nếu làm để khán giả thương hại, đó là thất bại.

Khán giả truyền hình giờ có thừa sự thông minh để đưa ra những đánh giá, nhận định “sắc như dao cau”. Vậy nên, ngay cả những chương trình đã được khán giả yêu mến như Ký ức vui vẻ, SV 2020 luôn phải đổi mới. Thay vì chỉ tái hiện, giới thiệu lại các ký ức, kỷ niệm, nhân vật, bối cảnh… trên sân khấu như trước, Ký ức vui vẻ mở rộng thêm việc ghi hình ngoại cảnh với Chuyến xe ký ức qua đó khơi gợi cho khán giả những ký ức đẹp. SV 2020 ngoài tiêu chí thông minh, dí dỏm và tài năng còn mang nhiệm vụ mới cho sinh viên trong thời đại 4.0: truyền cảm hứng. Sự đổi mới chưa bao giờ là đủ. Nó vừa là yêu cầu tự thân, vừa là nhân tố quyết định sống còn.  

Các chương trình trên sóng truyền hình đang trong cuộc cạnh tranh quyết liệt với mạng xã hội và các nền tảng giải trí trực tuyến. Chỉ cần một thiết bị di động, cả thế giới giải trí đã thu gọn trong lòng bàn tay, có thể xem mọi lúc mọi nơi và không còn bị giới hạn bởi biên giới quốc gia. Nhưng trong thế giới giải trí ấy vẫn rất cần những chương trình tử tế, có giá trị, không chỉ giúp khán giả có những giây phút thư giãn sau những vất vả của cuộc sống mà còn đưa đến cả những giá trị tốt đẹp, trao gửi thêm niềm tin vào cuộc sống.

Theo VĂN TUẤN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm