(GLO)- Xuất hiện vài năm trở lại đây, tranh thêu chữ thập có thể nói đã “làm mưa làm gió” trên thị trường vật phẩm trang trí. Nhân đà này, các hãng sản xuất (chủ yếu nhập từ Trung Quốc) nhanh chóng tung ra nhiều hình thức làm tranh khác nhau.
Tranh gắn đá ra đời kế thừa khá nhiều từ công nghệ làm tranh thêu chữ thập và thu hút không ít chị em tham gia vào công việc này. Có hay không đằng sau những nguy cơ gây hại từ món vật phẩm trang trí hấp dẫn và dễ làm này vẫn còn là một câu hỏi bị bỏ lửng dẫu chất chứa nhiều nghi ngại…
Tranh gắn đá làm nhanh gấp 2-3 lần so với tranh thêu chữ thập. Ảnh: Lê Hòa |
Tranh gắn đá-phiên bản của tranh thêu chữ thập
“Người tiền nhiệm” tranh thêu chữ thập đã làm khá tốt vai trò mở đường cho các sản phẩm làm tranh treo tường mà không đòi hỏi đến các yếu tố nằm ngoài khả năng của con người như khả năng hội họa, sự khéo léo… Với tranh thêu chữ thập, bất cứ ai (đa phần là nữ giới) chỉ cần biết cầm mũi kim, xỏ chỉ và nhận diện màu sắc… đều có thể tự tay làm cho mình một bức tranh treo tường. Mọi rào cản về năng khiếu hội họa hay bất kỳ yêu cầu khắt khe của nghệ thuật làm tranh dường như đã được xóa nhòa và đẩy lùi về con số 0, thay vào đó là những động tác mà ai cũng có thể làm được đi kèm điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn đã được in đầy đủ và dễ dàng thao tác trên mẫu chart.
Tranh gắn đá đơn giản hơn tranh thêu chữ thập rất nhiều và xét về độ long lanh, có lẽ “ăn đứt” cả tranh thêu chữ thập. Không tốn nhiều thời gian cũng như công sức như tranh thêu chữ thập, tranh gắn đá đúng như nội dung tên gọi, hiểu đơn giản là gắn các viên đá để tạo thành bức tranh. Các mẫu chart không khác mẫu chart của tranh thêu chữ thập, nhưng thay vì thêu, người làm chỉ việc đính các viên đá nhỏ xíu được nhuộm đủ màu sắc phù hợp với việc tạo bức tranh được chia nhỏ trên các nống vải in sẵn. Nhờ lớp keo đã được dính sẵn, khi gắn đá vào mẫu, các viên đá sẽ được sắp xếp khít với nhau tạo thành bức tranh lấp lánh và lộng lẫy sắc màu.
Những gói hạt đá được nhuộm màu sắc dùng để đính lên mẫu. Ảnh: Lê Hòa |
Mẫu tranh gắn đá phong phú không kém các mẫu dành cho thêu tranh chữ thập: tranh phong cảnh, người, tĩnh vật, hoa, các con thú... Khi mua một mẫu tranh gắn đá, khách hàng sẽ được giao cho những bì đá nhỏ mà theo chia sẻ của một chủ shop bán hàng, đó là bột đá được tẩm nhuộm sẵn màu sắc và đúc thành những viên nhỏ có độ lớn tương đương với một nống trên mẫu vải; kèm theo một chiếc nhíp gắp/gắn đá và một chiếc khay nhựa nhỏ để chứa đá khi gắn. Chị Nguyễn Thị Quỳnh (phường Thống Nhất-TP. Pleiku), cho biết: “Trước mình cũng từng thêu mấy bức tranh thêu chữ thập để dùng trang trí cho gia đình và tặng người thân. Hôm rồi thấy người ta bày bán mẫu tranh gắn đá cũng mua về làm thử, tranh thủ lúc rỗi nhàn”. Theo chị Quỳnh, làm tranh đá nhanh hơn 2-3 lần so với tranh thêu chữ thập. Không chỉ tiết kiệm được thời gian cho việc xâu chỉ, thêu từng mũi… làm tranh đá chỉ việc dùng nhíp gắp hạt đá đính vào các ô đã được tô sẵn màu tương ứng với màu của đá, dùng tay ấn nhẹ cho đá dính chắc vào lớp keo và thẳng hàng với nhau là xong. “Khi thêu tranh chữ thập, mỗi mũi thêu chỉ có thể được một ô nhưng với tranh gắn đá, nếu người làm khéo léo có thể gắp 2-3 viên/lần gắp. Màu sắc đá lại lấp lánh rất đẹp”-chị Quỳnh cho biết thêm. Một bức tranh tứ bình với khổ 120x54cm, chị Quỳnh phải bỏ ra 660 ngàn đồng tiền mẫu và chỉ mất khoảng 2 tuần làm tranh thủ đã có thể hoàn thiện bức tranh, lại không mất thời gian đi phun kim tuyến, làm xong chỉ cần đem đi đóng khung là đã có một bức tranh treo tường như ý.
Nỗi nghi ngại mang tên “made in China”
Theo giới thiệu của chủ một shop bán mẫu tranh gắn đá, tranh thêu chữ thập trên đường Cách Mạng Tháng Tám-TP. Pleiku, tranh gắn đá dự báo sẽ tạo ra cơn sốt thậm chí còn hơn cả tranh thêu chữ thập bởi sự đơn giản, tiết kiệm thời gian. “Tôi mới nhận hàng về bán vài tháng nhưng khách mua khá nhiều và có chiều hướng ngày một nhiều lên. Khách quan mà nói, tranh gắn đá có thể độ bền sẽ thấp hơn tranh thêu chữ thập nhưng lại đẹp hơn nhờ các viên đá lấp lánh, màu sắc đá cũng khiến bức tranh mịn màng, long lanh và bắt mắt hơn so với màu chỉ thêu”- chủ shop hàng, cho biết.
Chị Quỳnh đang hoàn thiện bức tranh gắn đá. Ảnh: Lê Hòa |
Giá cả các mẫu tranh gắn đá không hề rẻ và cũng giống như với tranh thêu chữ thập, phụ thuộc vào độ to-nhỏ của mẫu. Mức giá thấp nhất dao động trong khoảng 200 ngàn đồng trở lên cho tới vài triệu đồng/mẫu tùy thuộc kích thước và diện tích gắn đá trên tranh. Giá mẫu đắt và đang “hot” khiến cho các bức tranh gắn đá cũng được đẩy lên… trên trời. Những bức tranh gắn đá có khung hoàn chỉnh được tính giá bằng tiền triệu trở lên, có những tấm cả chục triệu. “Khách hàng mỗi người mỗi tính, có người ưng treo trong phòng khách và gia chủ thích những bức tranh theo lối truyền thống có thể chọn tranh “Mã đáo thành công”, tranh tứ bình, phong cảnh… Các cô gái trẻ lại chọn tranh hoa, thú cưng, tĩnh vật, đôi trai gái… Có khách còn thích gắn thêm đồng hồ để tạo nên một chiếc đồng hồ treo tường cá tính và độc đáo”-chủ shop bán mẫu tranh trên đường Cách Mạng Tháng Tám, cho biết.
Theo quan sát của P.V, trên bao bì, hộp giấy chứa các mẫu tranh gắn đá đều có ghi chữ Trung Quốc. Bản thân người mua về làm cũng nghi ngại, song vì thấy chưa có cảnh báo gì nên cũng... bỏ qua. “Mình thấy đẹp và nhiều người mua thì cũng mua về làm thôi, với lại cũng chỉ làm một vài bức để treo trong nhà chứ hàng hóa Trung Quốc thực lòng cũng chẳng biết thế nào”-chị Quỳnh, bày tỏ suy nghĩ. Còn chủ shop trên cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, nhiều người họ cũng e ngại bởi đây là hàng xuất xứ từ Trung Quốc nhưng hàng này chưa có nguồn hàng Việt Nam nên đành chịu.
Tranh gắn đá đang trở thành xu hướng khá thịnh hành trong một bộ phận không nhỏ người dân Gia Lai. Điều này càng mạnh hơn khi mức sống người dân ngày một nâng cao, các gia đình ít nhiều đều có điều kiện và nhu cầu để trang trí cho không gian ở và sinh hoạt của gia đình thêm phần sinh động, đẹp mắt. Tuy nhiên, liệu rằng đằng sau thú chơi tao nhã này, ẩn trong những vật phẩm như đá, keo dính… dùng làm tranh có chứa mối nguy hại nào ảnh hưởng tới sức khỏe con người không vẫn còn là câu hỏi lớn của không ít người. Mối nghi ngại này không phải không có cơ sở khi đã không ít lần, ngành chức năng phát hiện các chất gây nguy hại chứa trong sản phẩm “made in China”.
Lê Hòa