(GLO)- Đơn giản, dễ thêu, cần sự kiên nhẫn hơn là khéo léo, thành phẩm đẹp mắt mà lại hợp với túi tiền…, tranh thêu chữ thập, vì thế, ngày càng trở nên hút khách. Thế nhưng, dù “mua mau bán lẹ”, thể loại tranh này vẫn khiến nhiều người dân Phố núi tỏ ra lo ngại về nguồn gốc cũng như mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Có mặt tại địa bàn TP. Pleiku cách đây hơn một năm nhưng tranh thêu chữ thập chỉ mới “nở rộ” ở Phố núi khoảng độ 3 tháng nay. Cùng với việc người dân tập trung mua tranh về thêu, nơi bày bán tranh cũng mọc lên ngày một nhiều, từ những cửa hàng bán văn phòng phẩm, phụ liệu may mặc đến các vỉa hè. Thậm chí, một số cơ sở vốn chỉ bán tranh thêu truyền thống nay cũng nhập thêm tranh thêu chữ thập về để bán nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng.
Tranh thêu chữ thập đang thu hút nhiều người dân Phố núi. Ảnh: Hồng Thi |
Theo quan sát của phóng viên, gần như 100% tranh thêu chữ thập được bày bán trên thị trường Phố núi đều không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, ngoài bao bì toàn in chữ Trung Quốc. Khi được hỏi, tất cả những người buôn bán mặt hàng này đều khẳng định chắc nịch rằng “Toàn sản xuất ở Trung Quốc hết chứ chẳng có cái nào của Việt Nam mình đâu”.
Các chủ cửa hàng cũng cho hay, họ đặt hàng từ Móng Cái (Quảng Ninh), Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thông qua những đầu mối trung gian. “Thỉnh thoảng cũng có người vào tận nhà chào hàng, giảm 10% so với giá niêm yết, mình thấy mẫu nào được thì lấy bán, không thì thôi”- chủ cửa hàng Tranh thêu Việt (125 Trần Phú) cho biết.
Không những dễ thêu mà thành phẩm còn rất bắt mắt. Ảnh: Hồng Thi |
Dòng tranh thêu chữ thập có nhiều hãng như: Pinkoo, 100, Die Lian Hoa, Ai Lay... Tại các tiệm, giá mỗi bức tranh dao động từ 50.000 đồng đến 1,5 triệu đồng tùy theo hãng, kích thước và họa tiết (cao hơn khoảng 40% so với giá mua vào). Còn tại nơi vỉa hè, mức giá bán tranh thấp hơn trong tiệm khoảng 10-15%.
Khi được hỏi vì sao biết là hàng Trung Quốc nhưng vẫn bán, chị Từ Thị Thu Thủy-chủ cơ sở tranh thêu tay Trâm Anh (26 Cách Mạng Tháng Tám) lý giải: “Trên địa bàn TP. Pleiku, theo tôi được biết thì hiện tại có gần 20 chỗ bán loại tranh này, nhiều người biết thì biết nhưng đôi khi vì hai chữ mưu sinh nên cũng khó. Dù là hàng Trung Quốc, nhưng đến nay vẫn chưa có một kết luận nào từ các cơ quan chức năng rằng nó độc hại cả, khách hàng chuộng thì mình lấy về bán thôi”.
Bao bì tranh thêu chữ thập đều in chữ Trung Quốc. Ảnh: Hồng Thi |
Tuy vậy, chị Thủy cũng bày tỏ sự quan ngại: “Màu chỉ thêu thì không sao nhưng màu in trên tranh thì cũng đáng lo. Bởi lẽ, khi thêu xong, mình chỉ cần đem ngâm tranh vào nước chứ chẳng cần xà phòng hay vò mạnh tay, màu in này sẽ tự tan ra hết và lộ rõ phần đã thêu. Dù có ngâm lâu đi chăng nữa, phần vải trắng càng trắng chứ không hề bị lem màu. Thêm nữa, lượng nước này sau khi để lắng trông như nước vo gạo, tức phần màu chìm dưới đáy, bên trên là phần nước trong. Khi thêu, nhất là với các bức tranh lớn, họa tiết phức tạp, người thêu phải mất nhiều thời gian để hoàn thiện, đồng nghĩa với việc họ thường xuyên tiếp xúc với phẩm màu này”.
Cũng chẳng biết như thế nó có độc hại không, có ảnh hưởng đến sức khỏe không, nhưng chị Thủy bảo rằng, khi bán cho bất kỳ khách hàng nào, chị cũng khuyên họ lưu ý khi tiếp xúc. Trung bình mỗi ngày, cửa hàng chị Thủy bán được từ 15 đến 20 bức, thậm chí có ngày lên tới con số gần 50 bức.
Với những bức tranh khổ lớn, nhiều họa tiết như thế này, người thêu phải tiếp xúc với phẩm màu trên tranh trong một thời gian dài. Ảnh: Hồng Thi |
“Thấy bạn bè thêu nhiều, em cũng đi mua thêu cho biết. Vì là lần đầu thêu nên em chọn mua một bức có họa tiết tương đối đơn giản để dễ thêu. Biết là hàng Trung Quốc, lúc đầu em cũng e dè nhưng em nghĩ chắc chẳng sao, chỉ cần mình không ngậm chỉ xâu kim, mỗi lần dừng thêu thì rửa tay cho sạch là được”- em Yến Nghi-học sinh lớp 8, Trường THCS Trưng Vương, chia sẻ.
Về phía cơ quan chức năng, ông Phạm Đức Mạnh- Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, Chi cục Quản lý Thị trường Gia Lai, cho biết: Khi nhận được thông tin phản ánh, chúng tôi đã triển khai đến các tổ địa bàn, tiến hành kiểm tra các cơ sở buôn bán mặt hàng tranh thêu chữ thập tại TP. Pleiku. Qua quá trình kiểm tra, chỉ có cơ sở tranh thêu tay Trâm Anh là có hóa đơn rõ ràng, còn lại đều không có.
Một trong số hóa đơn mua hàng từ chợ 2, Móng Cái, Quảng Ninh của cơ sở Trâm Anh. Ảnh: Hồng Thi |
Một số nơi ở thời điểm đoàn kiểm tra thì lại đóng cửa, không kinh doanh. Vì số lượng tranh không nhiều nên chúng tôi chỉ nhắc nhở họ, yêu cầu ngừng bán chứ không tịch thu, nếu sau đó họ vẫn bán thì chúng tôi sẽ xử lý. Ngoài ra, với các cá nhân bày bán mặt hàng này ở vỉa hè góc đường Hoàng Văn Thụ-Phan Đình Phùng (cổng sau Nhà Thiếu nhi tỉnh), tổ kiểm tra số 3 cũng đã tiến hành nhắc nhở và hiện tại tình trạng trên đã không còn nữa.
Trên thực tế, sức “mê hoặc” của mặt hàng này chưa bao giờ giảm. Người bán vẫn lén lút bán, người mua vẫn cứ ồ ạt mua. Và, nỗi lo cũng chỉ là lặng lẽ…
Hồng Thi