Trào lưu "du lịch trả thù"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau khi đại dịch Covid-19 lắng xuống, trạng thái “bình thường mới” được thiết lập, trên mạng xã hội bắt đầu xuất hiện một thuật ngữ mới: “du lịch trả thù”. Thuật ngữ này nhằm chỉ xu hướng đổ xô đi du lịch để bù đắp khoảng thời gian bí bách do phải chôn chân ở nhà tránh dịch. 
1. Trong suốt 2 năm dịch Covid-19 hoành hành, khi con người bị thử thách cao độ bởi các quy định về cách ly và lằn ranh mong manh sinh-tử, mấy ai dám nghĩ đến một ngày được đi đây đó tùy thích. Thế nên, khi những quy định phòng dịch gắt gao được gỡ bỏ, các địa phương công bố hàng loạt chương trình kích cầu du lịch hấp dẫn và thế giới bắt đầu mở cửa trở lại, nhiều người lên ngay các kế hoạch du lịch để “trả thù” cho khoảng thời gian đã mất.
Người viết bài này có một người bạn đặt mục tiêu rất rõ ràng: Mỗi tháng một chuyến du lịch. Nhờ điều kiện kinh tế khá giả, công việc chính là điều hành công ty gia đình nên chị dễ dàng biến mục tiêu thành hiện thực. Sau khi đại dịch lắng xuống, chị dịch chuyển liên tục từ điểm đến này sang điểm đến khác, cả trong lẫn ngoài nước, trải nghiệm các dịch vụ du lịch hấp dẫn. Một người quen khác lại có thú vui du lịch trekking. Cũng với lịch trình dày đặc, anh mê cắm trại cùng bạn bè ở những rừng cây, thác nước vào dịp cuối tuần. Họ là những người mê “tắm rừng” (một thuật ngữ xuất xứ từ Nhật Bản), tức là trở về với thiên nhiên hoang sơ để gột rửa chính mình, làm mới mình. Đặc biệt, qua 2 mùa hè phải nép mình sau cánh cổng, nhiều em nhỏ cũng được gia đình bù đắp bằng những chuyến đi bổ ích, lý thú. Hiện tại, đây được xem là khoảng thời gian hồi sinh kỳ diệu của ngành du lịch. 
Du khách tham quan suối đá cổ làng Vân (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh). Ảnh: Phương Duyên
Theo báo cáo của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai, trong 6 tháng đầu năm nay, ngành du lịch tỉnh có sự phục hồi, phát triển mạnh mẽ với lượng khách tăng 87%; doanh thu tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, Tổng cục Du lịch cũng thông tin: Chỉ số năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam lọt top 3 nước tăng trưởng cao nhất. Trong 6 tháng, tăng trưởng khách du lịch nội địa đã hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu của năm 2022. Doanh nghiệp lữ hành đã bắt đầu trở lại thị trường; số doanh nghiệp lữ hành quốc tế đăng ký hoạt động tăng gấp gần 15 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu từ du lịch đạt 265 ngàn tỷ đồng.
Như vậy, có thể nói “du lịch trả thù” là một trào lưu tích cực khi vừa giúp người dân giải tỏa tâm lý, thỏa mãn nhu cầu xê dịch, vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. 
2. Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt trái. Hạn chế của trào lưu trên là khi nhu cầu du lịch tăng vọt sẽ dẫn đến chất lượng phục vụ giảm. Tại các thành phố du lịch, lượng khách đổ về quá đông đã khiến các dịch vụ lưu trú, ẩm thực… bị quá tải. Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ tình cảnh du khách phải dựng lều cắm trại nghỉ qua đêm bên bờ hồ Xuân Hương (TP. Đà Lạt) cách đây chưa lâu. Cuối tuần qua, tại một số khách sạn lớn ở TP. Vũng Tàu xảy ra tình trạng xe cộ chen chúc tìm chỗ đậu, du khách xếp hàng dài chờ thang máy. Chưa kể, thời điểm này vật giá leo thang khiến các chi phí đi lại, ăn uống đều tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến hầu bao của du khách. 
Câu hỏi đặt ra là: Chúng ta muốn có kỳ nghỉ như thế nào? Yên tĩnh, có khoảng lặng để tái tạo năng lượng và tăng cường kết nối quan hệ gia đình hay chen chúc trong những biển người với các dịch vụ đắt đỏ nhưng không mang lại cảm giác hài lòng? Trả lời được câu hỏi ấy, tìm được một điểm đến phù hợp, ta sẽ có một chuyến “du lịch trả thù” đích đáng. 
Thêm một câu hỏi khác: Những người có thu nhập hạn chế nhưng cũng yêu thích du lịch thì giải pháp là gì? Đó là “liệu cơm gắp mắm”. Thực tế, nhiều gia đình đã chọn giải pháp du lịch dã ngoại, cắm trại tại các điểm đến hấp dẫn trong tỉnh. Những chuyến đi như thế rất vừa túi tiền, các điểm đến đều miễn phí, thức ăn thức uống chủ động chuẩn bị sẵn nên hợp khẩu vị, không bị “chặt chém”. Các thành viên trong gia đình lại có cơ hội hòa mình vào thiên nhiên trong lành, kết nối tình thân. Quan trọng hơn cả, mỗi người được tận hưởng cảm giác thư giãn, làm mới mình để quay trở lại với công việc ngày thường hào hứng, đầy năng lượng. 
PHƯƠNG DUYÊN
 
 

Có thể bạn quan tâm