That Luang (tháp lớn) với mặt ngoài được dát vàng tráng lệ ở thủ đô Vientiane đã trở thành biểu tượng quốc gia, được in trên tiền giấy và quốc huy của Lào. Hội That Luang cũng là lễ hội lớn nhất, đậm nét văn hoá nhất, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân khắp nước Lào và khách quốc tế.
That Luang. |
Mặt trời còn chưa ló dạng, anh Sim Anouphanh đã gọi mọi người dậy để đi xem Phasat Pheung - lễ rước tháp. Vài người lên tiếng càu nhàu vì vừa chợp mắt do đêm qua thức khuya. Nhưng rồi vì không muốn bỏ lỡ cơ hội mỗi năm chỉ có một lần, chừng mươi phút sau mọi người đều có mặt ở tiền sảnh khách sạn Lao New Paris, kịp lúc một đám rước trên dưới trăm người đi qua. Ai nấy đều mặc trang phục truyền thống đẹp mắt.
Hội thề đoàn kết
Những người trạc tứ tuần thì khiêng kiệu tháp còn nam thanh nữ tú kẻ hát người nhảy múa say sưa tạo nên bầu không khí vui nhộn. Kiệu rước mô hình kiến trúc đền thờ được chế tác rất công phu; xung quanh gắn hoa làm bằng sáp ong màu vàng rực rỡ; trên chóp cắm 9 đóa sen trắng. Xung quanh tháp có các tua dây kết hoa hoặc tiền giống như tập tục đốt đồ mã như nhà cửa, tiền bạc cho người đã khuất ở Việt Nam.
Anh Hatsaphone cho biết mỗi bản dâng cúng một kiệu tháp và các đám rước đều tập kết ở Simeuang (ngôi chùa mẹ linh thiêng bậc nhất nước Lào) hoặc các chùa In Peng, Ong Teu Mahawihan rồi di chuyển đến That Luang. Dân bản khiêng Phasat Pheung đi vòng quanh That Luang ba vòng trước khi thành kính dâng lễ cho sư thầy.
Tăng sĩ được dâng tặng nhiều lễ vật tại lễ Taak Baat. |
Một nhà sư trong đoàn rước nói: Ngày trước trong khuôn khổ lễ hội That Luang có Hội Thề do Quốc vương Lào làm chủ tế. Tất cả các chức sắc tỉnh mường, làng bản được mời về bàn việc nước. Mỗi vị có một cái kiệu bằng sáp ong xếp thành hàng ngang trước nơi hành lễ. Nhà sư chủ trì cầm một cuộn dây bằng sợi vải trắng nối các kiệu này lại với nhau như nhắc nhở các tỉnh mường, làng bản phải đoàn kết một lòng, không được chia rẽ.
Chia tay nhà sư, chúng tôi rẽ sang quảng trường bên cạnh để nhìn ngắm toàn cảnh chùa tháp này. Khối tháp đồ sộ cao 45m với chân đế rộng 90m x 90m uy nghi, chói sáng làm lấp lánh mọi thứ xung quanh. Ngay đến lớp rêu phong cổ kính trên mái ngói che dãy hành lang chạy vòng quanh tháp cũng ánh vàng.
“Tháp chùa này được dát vàng đấy”, anh Sim hào hứng nói. “Vàng thật hay sơn son thếp vàng? Tháp chói sáng rực rỡ như thế phải chăng do ánh sáng mặt trời chiếu rọi?”, tôi buộc miệng hỏi lại. Thấy tôi nửa tin nửa ngờ, mấy bạn trẻ lái xe tuk tuk cười vang rồi bảo: “Không phải thế đâu. Lúc trời mây âm u thì That Luang vẫn sáng lấp lánh”.
Kiểu kiến trúc của That Luang khác biệt với các tháp Phật ở nhiều nước. Bệ tháp cũng là một đài sen nhưng không có dáng tròn như thường thấy mà là hình vuông nở tung những cánh vàng ra bốn phía đỡ lấy quả bầu thon thả, biểu trưng của đất nước nông nghiệp; trên cùng là tháp nhọn vươn lên cao như một mũi tên. Đế tháp là khối hình vuông vững chãi, mỗi chiều rộng 90m, xung quanh trang trí hơn 330 lá bồ đề cách điệu.
“Ngoài tháp chính cao 45m, vươn lên trời cao đầy uy nghi, còn có 30 tháp nhỏ biểu tượng cho 30 năm tu hành gian khổ để thành phật của Đức Phật Thích Ca. Trên các tháp nhỏ có đắp những hàng chữ Bali nổi ghi các lời răn của Đức Phật”, một nhà sư giảng giải.
Dâng lễ vật cho các nữ tu. |
Cũng theo nhà sư, tương truyền That Luang là một trong số ít những chùa trên thế giới được lưu giữ xá lợi của Đức Phật Thích Ca Mầu Ni khi người nhập Niết Bàn. Các thư tịch cổ của chùa ghi lại rằng vào năm 236 Phật lịch, tức năm 307 trước Công nguyên, người ta đã xây dựng một ngôi chùa tại khu vực này.
Đến năm 1563, vua Setthathilat cho dời đô từ Luang Prabang về Vientiane. Trong quá trình xây thành quách, lâu đài, cung điện…, vua cho xây trùm lên tháp chùa cũ một tháp mới to, đẹp hơn và kiến trúc ấy giữ nguyên cho đến ngày nay. Vào thế kỷ 19, That Luang bị phá hủy trong cuộc chiến tranh xâm lược của lân bang nhưng sau đó đã được khôi phục nguyên trạng.
Ở Lào, đạo Phật là quốc đạo. Hàng năm cứ đến tuần trăng tháng 12 Phật lịch (tháng 11 dương lịch), lễ hội That Luang, lễ hội tôn giáo lớn nhất nước lại được long trọng tổ chức. Hội kết thúc vào đúng ngày rằm với lễ Taak Baat - dâng lễ cho các nhà sư để tỏ lòng thành và tích đức cho kiếp sau.
Mặc dù phải đến 7 giờ lễ mới diễn ra, thế nhưng từ tờ mờ sáng, người dân địa phương đã mang đồ lễ đến That Luang cầu nguyện, phóng sinh… Việc phóng sinh các loài chim, cá nhằm tích công đức thì ở Việt Nam cũng có. Thế nhưng chuyện đổ nước trên mặt đất rồi lầm rầm cầu nguyện thì sang đây tôi mới thấy. Giải đáp thắc mắc của tôi, Sim nói: Các dì, các chị làm thế để cầu xin nữ thần đất gọi linh hồn của thân nhân họ đến nhận lễ vật.
Sau lời phát biểu của đại diện lãnh đạo nhà nước Lào và phần tụng niệm của các nhà sư, mọi người tiến hành dâng lễ cho hàng nghìn tăng sĩ từ khắp nước Lào hội tụ, ngồi dọc hai bên đường vào That Luang.
Lễ vật khá phong phú (bao gồm xôi, bánh, kẹo, mứt và cả tiền nữa) được bày trong cái thố lớn có chân khá đẹp mắt. Người dự lễ rất đông nhưng ai nấy đều xếp hàng trật tự, chờ đến lượt mình để dâng lễ. Họ đưa lễ vật lên ngang đầu, cúi người rồi tự tay mình bỏ vào âu của các tăng sĩ.
“Mâm lễ vật của chị đẹp quá!”, tôi tiến đến bắt chuyện với người phụ nữ trung niên có khuôn mặt phúc hậu. “Mình tự tay làm suốt 2 ngày qua đó! Có thể mua bánh trái ngoài chợ nhưng mình muốn tự tay gói bánh sao cho thật ngon để dâng tặng các nhà tu hành”.
Nông dân luôn thắng quan chức
Buộc chỉ tay cầu phúc cho phật tử. |
Sau lễ Taak Baat, chúng tôi bị cuốn vào không gian hội hè vui nhộn tại quảng trường That Luang. Nơi này người ta hát Lăm Lưởng (truyện thơ), chỗ kia ca I Kề (một hình thức tựa cải lương), rồi thì hò, ngâm, đối đáp giao duyên, thổi sáo, thổi khèn, đánh trống…tưng bừng. Tụ tập đông nhất là nơi phô diễn các vũ điệu quốc gia như lăm vông, Natasine… Vừa len vào vòng trong để xem, tôi liền được một chàng trai Lào hướng dẫn cách múa lăm vông và chỉ mươi phút sau là có thể nhập cuộc.
Cánh nam giới rất phấn khích với Tikhy, trò chơi dân gian truyền thống không thể thiếu trong lễ hội này. Cầu thủ sử dụng gậy cong dài để đẩy bóng sang phần sân đối phương, tương tự như môn khúc côn cầu. Những người tham gia cuộc chơi được chia làm hai phe: Phe áo đỏ hoặc áo xanh tượng trưng cho quan chức, còn phe áo trắng hoặc cởi trần tượng trưng cho nông dân.
“Theo tín ngưỡng dân gian, nếu năm nào phe đại diện cho quan chức thắng thì đất nước khó yên bình, người dân lâm vào cảnh đói khổ. Vì vậy dường như năm nào phe nông dân cũng thắng cả. Trước kia, cuộc tỷ thí này luôn có sự dự khán của Quốc vương Lào, còn ngày nay là quan chức cao cấp của Chính phủ”, Sim tiết lộ. Sau đó anh thông báo mọi người có thể đi đâu tùy thích, đến tối thì quay lại nơi này. Một số người thắc mắc: “Có gì đặc biệt mà quay lại That Luang lần thứ 3?”. Sim úp mở: “Sẽ có chuyện hay mà!”.
Quả thực đêm That Luang rất ấn tượng bởi sự cộng hưởng của ánh trăng, ánh nến và ánh đèn. Dưới ánh trăng rằm vằng vặc, hàng nghìn phật tử với ngọn nến cháy sáng trên tay đi vòng quanh tháp, vẽ nên cảnh tượng đẹp lung linh, huyền ảo và làm tăng thêm linh khí cho khu vực vốn đã ẩn chứa nhiều điều huyền bí.
Sim bật lửa thắp 2 cây nến rồi đưa cho tôi 1 cây để cùng tham gia lễ rước nến. “Ai thành tâm thực hiện nghi lễ này sẽ được Phật phù hộ, độ trì cho sống lâu hơn 30 năm”, Sim thì thầm. Không rõ thực hư thế nào nhưng hàng năm cứ đến thời điểm này, hàng vạn người dân Lào từ khắp mọi miền đất nước, Lào kiều ở nước ngoài (đặc biệt ở Đông Bắc Thái Lan) cùng du khách như dòng thác tuôn đổ về That Luang.
Dân số chỉ khoảng 7 triệu người nhưng Lào có tới 1.400 ngôi chùa, dẫn đầu thế giới về tỉ lệ chùa chiền trên tổng số dân. Đã đến Vientiane viếng chùa thì không thể không đến That Luang, bởi ngôi chùa tháp này mang đậm phong cách kiến trúc và bản sắc Lào. Theo tín ngưỡng dân gian, nếu năm nào phe đại diện cho quan chức thắng thì đất nước khó yên bình, người dân lâm vào cảnh đói khổ. Vì vậy dường như năm nào phe nông dân cũng thắng cả. Trước kia, cuộc tỷ thí này luôn có sự dự khán của Quốc vương Lào, còn ngày nay là quan chức cao cấp của Chính phủ”, Sim tiết lộ. |
Kim Anh/tienphong