Phóng sự - Ký sự

Trẻ thơ "mệt nhoài" mùa Covid (bài cuối): Cha mẹ cần đồng hành, chia sẻ với con

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Dịch Covid-19 làm đảo lộn sinh hoạt của toàn xã hội và từng gia đình. Trẻ em vì thế có nguy cơ không được đảm bảo những quyền cơ bản, không thể phát triển toàn diện. Để hỗ trợ các em vượt qua đại dịch, nhiều chuyên gia khuyên cha mẹ phải nghiêm túc đồng hành cùng con.
Đe dọa sự phát triển toàn diện của trẻ em
Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho biết, dịch bệnh đang gây ra những hậu quả nặng nề cho phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời nó cũng là nguyên nhân đe dọa sự phát triển của trẻ em.
Từ cuối tháng 4 vừa qua, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát với diễn biến phức tạp. Trẻ em phải nghỉ học được yêu cầu ở trong nhà để đảm bảo an toàn, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm. Nhiều trẻ em ở độ tuổi rất nhỏ là F0 hoặc trở thành F1, F2, phải sống trong các khu cách ly hoặc các địa bàn đang thực hiện giãn cách xã hội. Theo thống kê sơ bộ của Bộ LĐTBXH, tính đến ngày 30/5, cả nước hiện có hơn 4.000 trẻ em phải điều trị, cách ly do dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, việc cha mẹ thiếu hoặc thậm chí mất việc làm, thu nhập giảm sâu; Việc trường học, khu vui chơi đóng cửa khiến các em phải ở trong môi trường khép kín, thậm chí là ở nhà một mình khi còn quá nhỏ... đều đã giới hạn cơ hội được chăm sóc, phát triển toàn diện của trẻ em. Điều này đặt ra vấn đề cần phải chăm sóc bảo vệ trẻ em trong đại dịch.
Bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) cho rằng, đại dịch đang gây ra nhiều thiệt thòi cho trẻ em. Dịch bệnh khiến các em không thể tận hưởng mùa hè đúng nghĩa với việc vui chơi bên ngoài, tham gia các sự kiện hay đi cắm trại, du lịch...

Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh trao quà hỗ trợ cho con công nhân đang phải cách ly trong vùng dịch tại Bắc Ninh. Ảnh: T.N
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh trao quà hỗ trợ cho con công nhân đang phải cách ly trong vùng dịch tại Bắc Ninh. Ảnh: T.N
Tháng trẻ em năm 2021 hướng tới mục đích thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh. Chủ đề chính xoay quanh các vấn đề: Bảo vệ trẻ em trong khu cách ly; hướng dẫn cha mẹ đồng hành cùng con cái trong mùa dịch; sử dụng internet an toàn; phòng chống tai nạn thương tích - đuối nước trẻ em và các vấn đề chăm sóc sức khỏe thể chất tinh thần... hướng tới mục tiêu mang lại một mùa hè an toàn và vui vẻ trong thời gian dịch bệnh cho trẻ em.
"Rất nhiều gia đình băn khoăn, thắc mắc và lo lắng: Làm thế nào để con có thể trải qua một mùa hè an toàn khỏi Covid-19, mà vẫn khoẻ khoắn, lành mạnh, phòng tránh được các tai nạn thương tích hay việc chúi đầu vào tivi, điện tử... Tôi chỉ có một câu trả lời đó là phải đồng hành cùng các con" - bà Linh nói.
Đồng hành cùng con bằng cách nào?
Nhận định dịch bệnh đe dọa tới nguy cơ phát triển của trẻ em, nhiều chuyên gia đã đưa ra những lời khuyên để cha mẹ có thể đồng hành cùng con vượt qua đại dịch.
Bà Lê Thị Tuyết Lan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, dịch bệnh sẽ còn kéo dài, lúc này cha mẹ không nên quá lo lắng tới việc học của các con vì học là câu chuyện cả đời. Trong thời gian này, an toàn của các con là trên hết. Khi nào dịch được kiểm soát, các con quay lại trường thì các thầy cô sẽ hướng dẫn các con ôn tập kiến thức. "Bởi vậy, cha mẹ không nên ép con cái học nhiều quá. Hãy xem đợt dịch này là một kỳ nghỉ hè dài. Hãy cho các con thỏa thích vui chơi" - bà Lan nói.
Là một người cha của những bạn nhỏ tinh nghịch đã phải nghỉ hè sớm và chỉ được hoạt động trong nhà, không thể đi học hay tham gia các hoạt động ngoài trời như cắm trại hay thể thao, NSƯT Xuân Bắc đã phải nghĩ ra nhiều trò chơi thử sức cho con. Anh cho rằng, việc cách ly không chỉ là thử thách với trẻ em mà còn là thử thách với người lớn. Nếu người lớn cảm thấy khó khăn bao nhiêu, trẻ em còn khó khăn hơn rất nhiều. Chính người lớn phải có tinh thần lạc quan thì mới có thể có tác động tích cực lên các con.
"Bố mẹ hãy dành thời gian có chất lượng cho con. Bằng việc chơi với con toàn tâm toàn ý, bố mẹ sẽ thấy được sự phát triển của con và con cũng cảm thấy không nhàm chán. Tôi không phản đối việc cho trẻ tiếp xúc với tivi, điện thoại, internet vì trong thời đại công nghệ, đó cũng là một cách học, cách chơi, giải trí. Tuy nhiên, bố mẹ không nên cho con dùng điện thoại như là cách để trông con, để con không làm phiền đến mình. Bố mẹ có thể nghĩ ra những trò chơi mang tính thử thách, trải nghiệm để các con được rèn luyện, hứng thú" - nghệ sĩ Xuân Bắc nói.

 
Từ góc độ của chuyên gia tâm lý đã có nhiều năm làm công việc tham vấn, tư vấn tâm lý trẻ em, chuyên gia Nguyễn Hà Thành nhận thấy, khi ở trong nhà quá lâu, trẻ em cũng có thể gặp phải những căng thẳng kéo dài dẫn đến vấn đề tâm lý.
"Bố mẹ cũng có thể trò chuyện, chia sẻ với các con về những cảm xúc của mình một cách khéo léo, phù hợp với khả năng hiểu của trẻ, để trẻ học cách quan tâm, chăm sóc bố mẹ, gia đình" - bà Thành chia sẻ.
Bà Hà Thành cũng cho rằng, hiện nay có khá ít các chương trình truyền thông về đại dịch cho trẻ em. Vì vậy nên có những chương trình truyền thông thân thiện, gần gũi hơn với trẻ em để các em nhận thức được các em cần làm gì, các em hiểu được trách nhiệm của các em. Điều này sẽ giảm thiểu những căng thẳng tâm lý, những điều bất ngờ ập đến với các em.
Bà Nguyễn Phương Linh gửi gắm thông điệp: "Trẻ em là đối tượng cần được quan tâm đặc biệt trong đại dịch Covid-19, tất cả chúng ta đều chung tay phòng, chống dịch bệnh nhưng cũng không quên có các hành động vì sự phát triển và lợi ích tốt nhất của trẻ em. Việc bảo vệ các con là cần thiết, quan trọng không kém là đồng hành cùng con trong các hoạt động hàng ngày, giữ tinh thần tích cực, lắng nghe và khuyến khích các ý tưởng, sáng kiến của con. Bên cạnh đó, hướng dẫn, tạo cho các con có cả sức đề kháng về thể chất và tinh thần để vượt qua đại dịch".
Bà Linh khuyên các phụ huynh: "Trẻ em cũng cần ý thức và tham gia phòng, chống dịch bệnh, hãy để con được biết, được cập nhật, chuẩn bị tinh thần cho các tình huống có thể xảy ra. Bố mẹ có thể cùng con thảo luận các phương án kịch bản bị cách ly, giãn cách xã hội hoặc thậm chí phải đi cách ly, để có các giải pháp tinh thần tích cực cho mọi tình huống có thể xảy ra".
Về phía các cơ quan nhà nước, bà Nguyễn Thị Nga nhấn mạnh: Cục Trẻ em cũng như các bên liên quan đang đồng hành cùng trẻ em. Cục đang tiếp tục nỗ lực để bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong các khu vực cách ly và địa bàn giãn cách xã hội.
"Phương châm của Cục Trẻ em là "Không để trẻ em nào cần hỗ trợ mà không được hỗ trợ trong thời kỳ này". Đến thời điểm hiện nay, Bộ LĐTBXH cũng đã chỉ đạo các địa phương đặc biệt quan tâm đến trẻ em. Các đơn vị chức năng sẽ có những kế hoạch cụ thể để hỗ trợ kinh phí cho trẻ em trong các khu cách ly tập trung. Trong tháng hành động vì trẻ em, Cục Trẻ em cũng sản xuất những chương trình về chính sách chăm sóc, hỗ trợ trẻ em. Ngoài ra, các gia đình cũng có thể gọi đến Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để được tư vấn, hỗ trợ khi gặp khó khăn trong việc chăm sóc trẻ em trong giai đoạn này" - bà Nga chia sẻ thêm. 
"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"
Theo Thùy Anh (Dân Việt)
https://danviet.vn/tre-tho-met-nhoai-mua-covid-bai-cuoi-cha-me-can-dong-hanh-chia-se-voi-con-20210602174455228.htm

Có thể bạn quan tâm