Phóng sự - Ký sự

Trên đại công trường 500kV mạch 3 - Bài 10: Thi công móng cọc giữa vùng lầy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Đường dây 500kV mạch 3 đoạn qua khu vực Nam Định, Thái Bình chủ yếu được xây dựng trên khu vực đồng trũng, đất lầy nên việc thi công móng cọc có tính quyết định. Tổng chiều dài cọc ép xuống lòng đất tuyến Nam Định I - Phố Nối khoảng 500km tương đương chiều dài tuyến đường dây 500kV mạch 3.

Chuẩn bị

Theo báo cáo của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) có 1.177 vị trí móng cột, trong đó có 240 vị trí móng cọc qua vùng đất đồng ruộng, lầy thuộc khu vực Thái Bình, Nam Định. Đây là những vị trí có thời gian thi công lâu, phức tạp, phải huy động thiết bị, máy móc chuyên dụng phục vụ đóng, ép cọc.

Để hiểu về cách thức thi công móng cọc, nhóm phóng viên tìm gặp anh Lê Văn Minh, Phó Trưởng Ban Tiền phương 8 (đóng tại Thái Bình). Anh Minh cho biết, giai đoạn thi công móng cọc được triển khai xuyên ngày, xuyên đêm để đảm bảo tiến độ dự án. Công nhân sẽ chia làm 4 kíp làm việc luân phiên 3 ca/ngày, mỗi ca 8 tiếng. Để thi công móng cọc trên tuyến đúng tiến độ, Ban bố trí 22 đội thi công, mỗi đội có từ 6 đến 8 người tham gia.

Trong đội có đội trưởng có vai trò chỉ huy chung, chịu trách nhiệm trực tiếp. Một cán bộ kỹ thuật có nhiệm vụ ghi chép đầy đủ nhật ký công trình, lập hồ sơ nghiệm thu kỹ thuật và hồ sơ hoàn công; 4-5 công nhân chuyên ngành bậc 3/7 trở lên; cuối cùng là hai thợ hàn bậc 4/7.

Bên cạnh đó, trước khi thi công đóng cọc, chủ đầu tư phải có các hồ sơ nghiệm thu về công tác gia công đúc cọc, bản vẽ thiết kế móng và các hồ sơ kỹ thuật khác.

Theo anh Minh, các đoạn cọc có vết nứt rộng ít nhất 0,2mm, dài ít nhất 100mm đều phải bị loại bỏ. Cọc phải được đánh dấu theo chiều dài (từ mũi cọc đến đầu cọc) bằng những vạch sơn đỏ cách nhau 1m.

Kỹ đến từng chi tiết nhỏ

Nói về thi công móng cọc, anh Nguyễn Tùng Lâm, hiện đang công tác tại Ban quản lý dự án Các công trình điện miền Bắc (thuộc EVNNPT), trước khi ép, đóng cọc chính thức, công nhân sẽ phải tiến hành ép, đóng cọc thử nhằm xác định sức chịu tải và độ lún của cọc. Đầu tiên, công nhân phải khoan khảo sát để nắm được độ chắc của đất. Tùy từng vị trí nền đất, kích thước móng khác nhau mà người ta sẽ dùng số lượng cọc tương ứng. Mỗi cọc có độ dài trung bình 50 mét, gồm 3 khúc riêng lẻ được hàn nối lại với nhau. Có sự chênh lệch về độ chối của cọc (thuật ngữ chỉ khoảng cách tiêu chuẩn về độ cao của cọc) ở từng khu vực khác nhau. Ví dụ, ở những vị trí cột thép gần bờ sông Hồng (thuộc tuyến đường dây Nhà máy nhiệt điện Nam Định I - Phố Nối), do địa hình ở đây chủ yếu là ruộng lúa, ao đầm, đất nông nghiệp có nền địa chất yếu nên độ chối của cọc sẽ cao hơn, từ đó yêu cầu số lượng cọc nhiều hơn so với những nơi khác.

Sau khi được đưa lên giá búa, cọc phải được căn chỉnh và ngắm độ thẳng bằng máy trắc đạc. Sau đó, đơn vị tư vấn giám sát phải đến nghiệm thu, nếu đạt yêu cầu mới được phép hạ cọc. Trong quá trình ép, đóng cọc xuống đất, nếu cọc xuống quá nhanh hoặc đột ngột không xuống mà pít-tông búa bị nảy lên thì công nhân phải dừng lại để tìm hiểu nguyên nhân, sau đó báo tư vấn giám sát để tìm biện pháp khắc phục.

Vị trí cột số 295 thuộc địa bàn tỉnh Thái Bình bị mưa ngập.

Vị trí cột số 295 thuộc địa bàn tỉnh Thái Bình bị mưa ngập.

Trong suốt quá trình ép, đóng cọc thử, công trường phải bố trí cán bộ kỹ thuật để giám sát thi công và ghi chép đầy đủ những số liệu theo biểu mẫu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chẳng hạn như ngày đúc cọc; chiều sâu ép cọc, số đốt cọc; những vấn đề kỹ thuật cản trở công tác ép cọc… Biểu mẫu này sẽ là căn cứ tham khảo rất quan trọng cho quá trình ép, đóng cọc đại trà sau này.

Anh Lâm cho biết, trong quá trình ép, đóng cọc chính thức, có khá nhiều yêu cầu khắt khe về thi công và an toàn lao động. Ví dụ như người điều khiển, vận hành robot đóng cọc phải là công nhân có đủ trình độ và thành thạo tay nghề. Trước khi cẩu cọc vào vị trí ép, đoạn mũi cọc phải được định vị chính xác về độ thẳng đứng và vị trí. Nếu phát hiện cọc bị nghiêng phải ngừng ngay để chỉnh lại. Khi cẩu cọc, không được thả lỏng móc quả búa để tránh rơi búa gây ra sự cố, và không cho phép có người đứng, làm việc hoặc đi lại dưới tầm làm việc của móc cẩu. Về mặt thời tiết, nếu có mưa hoặc gió cấp 6 trở lên, quá trình đóng cọc sẽ phải tạm dừng. Và trong khi làm việc, công nhân tuyệt đối không được sử dụng rượu bia và các chất kích thích khác.

Vượt khó

Kỹ sư Đỗ Mạnh Hùng, Công ty CP Sông Đà 11, đã có kinh nghiệm 18 năm công tác trong ngành điện, đã trải qua nhiều thử thách của quá trình thi công móng cọc của Dự án đường dây 500kV. Khó khăn nhất với anh Hùng đó là vấn đề địa hình, địa chất. Chẳng hạn như ở tuyến Nhà máy nhiệt điện Nam Định I - Phố Nối, do địa chất yếu nên mỗi khi mưa xuống, đất nhão ra như bùn, có nguy cơ sạt lở cao, gây nguy hiểm cho những người đang thi công. Cứ khi nào trời mưa là công nhân phải chờ 2-3 ngày sau cho đất khô mới có thể thi công lại.

Khó khăn thứ hai là công tác làm đường tạm vào các vị trí thi công móng cọc. Những robot ép cọc có khối lượng lên tới hàng trăm tấn, có bề ngang dài từ 6-7m nên không thể di chuyển trên đường đất ruộng. Do đó, chủ đầu tư là EVNNPT phải tự làm đường tạm từ gạch, đá, bê tông, xi măng… để cho robot đi qua. Đường tạm được đắp đất rộng 3,5m và cao 1,5m so với mặt ruộng tự nhiên, không được phép gồ ghề, lồi lõm. Có những quãng đường tạm dài đến vài cây số vì vị trí móng bị ao, đầm, kênh, sông xung quanh cô lập, phải làm đường vòng.

Ngoài ra, rất nhiều những con đường đưa máy móc vào thi công là đường thôn xóm nhỏ, qua kênh rạch, ao đầm... Vì vậy, việc thỏa thuận với người dân về việc xây đắp, gia cố đường cho máy móc vào thi công nhiều khi gặp khó khăn. Nhiều người không đồng ý bởi lo ngại rằng những thiết bị, máy móc có khối lượng lớn sẽ làm mặt đường bị hỏng hoặc xuống cấp. Bên cạnh đó, còn nhiều địa phương chưa lập xong phương án bồi thường, hỗ trợ phần hành lang an toàn…

Nhưng sau đó, để tháo gỡ những khó khăn trên, cả hệ thống chính trị gồm chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành… đã cùng nhau vào cuộc để hỗ trợ EVNNPT. Với công tác vận động người dân bàn giao mặt bằng, EVNNPT đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; đôn đốc các bộ, ngành để sớm phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

(Còn nữa)

Hiện nay, toàn bộ 1.177 vị trí móng cột, trong đó có 240 vị trí móng cọc của Dự án đường dây 500kV mạch 3 đều đã hoàn thành. Tổng số cột thép đã được hoàn thành và đang được thi công là 879 cột; tổng số khoảng néo đã được hoàn thành và đang được kéo dây là 63 khoảng. Trên những nền móng vững chắc ấy, dự án đang thành hình ngày một rõ ràng hơn…

Có thể bạn quan tâm